Đẩy mạnh công tác nghiên cứu Phật học
Ngày đăng: 26/04/2018
Chiều 24/4, Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai công tác Phật sự của Phân viện nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội nhiệm kỳ 2017-2022.

Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam, Hoà thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam, Hoà thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội là nơi quy tụ các tăng, ni, phật tử và các nhà nghiên cứu biên soạn, dịch tài liệu, kinh sách. Việc thành lập Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội đem lại nhiều lợi ích không chỉ cho việc nghiên cứu Phật học mà còn chung cho việc nghiên cứu các giá trị văn hoá dân tộc. Là một cơ sở nghiên cứu đặc thù, trong những năm gần đây, Phân viện có hướng mở rộng lĩnh vực nghiên cứu để đáp ứng nhu cầu xã hội. Chính những cống hiến đó, Phân viện nhận được Bằng khen, Bằng tuyên dương công đức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các cơ quan ban ngành Trung ương như:  Ban Dân vận Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ...

Hoà thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam, Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội nhấn mạnh: Trong nhiều nhiệm kỳ qua, Phân viện và Tạp chí Nghiên cứu Phật học được các cơ quan Đảng, các cơ quan quản lý Nhà nước mà trực tiếp là Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tôn giáo Chính Phủ, Cục Báo Chí, Cục Xuất Bản, Hội đồng Trị sự Trung ương GHPG Việt Nam quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện để Phân viện và Tạp chí Nghiên cứu Phật học khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Phân viện đã tổ chức, hướng dẫn phát hành hàng chục loại đầu sách, kinh sách để phổ biến cho các đạo tràng, cộng đồng phật tử và học sinh. Phân viện thẩm định một số bản kinh sách, phim ảnh về đề tài Phật giáo và liên quan đến Phật giáo của các đối tác liên kết. Phân viện mời các nhà khoa học, nghiên cứu sinh trong các lĩnh vực Triết học, Tôn giáo học, Sử học, đặc biệt là Phật học trong công tác, nhiệm vụ chuyên môn cũng như công tác biên tập, xuất bản sách, tạp chí...

Trong nhiệm kỳ VIII (2017-2022) của Giáo hội có 9 nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội đại biểu Phật giáo Toàn quốc đã đề ra, trong đó nhiệm vụ thứ 6 là “Đẩy mạnh công tác nghiên cứu Phật học và nâng cao chất lượng học thuật Phật giáo, tập trung nghiên cứu có định hướng, khẳng định và làm nổi bật tinh hoa, bản sắc của Phật giáo Việt Nam”. Nhiệm vụ nghiên cứu Phật học được Giáo hội đặc biệt quan tâm ở các lĩnh vực nghiên cứu và giáo dục. Căn cứ nhiệm vụ này, Phân viện sẽ tập trung nghiên cứu, phiên dịch và phát hành các tác phẩm cũng như các công trình nghiên cứu mang tính hệ thống, chuyên nghiệp.

Phân viện sẽ nghiên cứu để xuất bản các ấn phẩm về lịch sử Phật giáo một số nước trên thế giới, giúp cho nhu cầu tìm hiểu tư liệu Phật giáo các nước, trường Phật học cũng như các nhà nghiên cứu, các giảng viên và sinh viên, bắc nhịp cầu củng cố và phát triển quan hệ giữa Phật giáo Việt Nam và các nước có truyền thống Phật giáo. 

Dự kiến, Phân viện sẽ xuất bản các ấn phẩm liên quan đến lịch sử Phật giáo các nước Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia, Butan... 

Lược theo daidoanket.vn