Chốn nương thân ấm áp ở cửa thiền
Ngày đăng: 14/01/2020Mái ấm Kim Phước đã được UBND huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) công nhận là cơ sở bảo trợ xã hội chuyên nghiệp. Có lẽ đây cũng là kết quả mà công đức của các sư thầy cùng phật tử xa gần đã góp phần vun bồi cho chốn cửa thiền có được một mái ấm đúng nghĩa, ngày càng ấm áp hơn cho đời, cho đạo thêm thanh cao.
Từ TPHCM theo Quốc lộ 1A hướng về miền Tây đến thị xã Cai Lậy. Sau khi qua cầu Cai Lậy sẽ gặp cây cầu Bình Phú kế tiếp, ngay dưới chân cầu này quẹo sang trái là Tỉnh lộ 875B, tiếp tục chạy thẳng khoảng hơn 7km sẽ tới chùa Kim Phước (tọa lạc tại ấp Hiệp Quới, xã Hiệp Đức). Sát cạnh ngôi chùa này có mái ấm cùng tên là nơi nương thân của những mảnh đời bất hạnh. Mái ấm do Sư thầy trụ trì Thích Nhuận Tâm lập ra năm 2007.
Sư thầy Thích Nhuận Tâm kể lại: “Thực lòng ban đầu trước kia tôi không nghĩ mình sẽ lập mái ấm gì cả. Suốt ngày chỉ biết việc kinh kệ, tu học.Thế rồi có dịp đi chỗ này chỗ kia, trực tiếp nhìn thấy có nhiều ông cụ, bà cụ già cả bệnh tật mà còn phải lụm cụm khó nhọc đi từng nhà xin từng bát cơm ăn, miếng nước uống, khổ sở quá nên tôi phát tâm bèn mời họ về chùa tạm tá túc, vừa giúp họ nghe kinh kệ, tu tập, vừa cho ăn uống, ngủ nghỉ. Được một thời gian ngắn, khi cùng chia sẻ về sự việc này, tôi lại được chủ một doanh nghiệp tư nhân hỗ trợ giúp cho số tiền 100 triệu đồng. Vậy là mái ấm Kim Phước ra đời. Cũng kể từ đó, “tiếng lành đồn xa”, số người già cơ nhỡ tìm đến mái ấm xin nương nhờ tăng dần lên, trong khi cơ sở nhà chùa vẫn còn quá nhỏ hẹp. Tuy nhiên được nhiều phật tử trong và ngoài tỉnh tiếp tục chung tay đóng góp tài vật nên đến đầu năm 2010, một dãy phòng mới khang trang được xây dựng. Vào năm 2011, nhà chùa lại đón nhận về nuôi dưỡng thêm những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi với nhiều hoàn cảnh khác nhau, quá nghèo không thể nuôi nổi, trẻ thiểu năng, trẻ bị bệnh down…
Tháng 7/2012, mái ấm chính thức được UBND huyện Cai Lậy cấp phép hoạt động với tên gọi “Cơ sở bảo trợ xã hội Mái ấm Kim Phước”. Tháng 9/2013, đại diện cho đông đảo phật tử của chùa, tôi đại diện đứng ra đề nghị và được các cấp chính quyền chấp thuận cho chùa được xây dựng lại với diện tích khoảng 740m2 gồm 1 trệt, 1 lầu. Ngoài ra còn xây dựng thêm các công trình phụ như nhà nghỉ tăng, cổng tam quan, tường rào, nhà ăn…với tổng kinh phí các công trình là 32 tỷ đồng cũng do nhà chùa tự tích lũy, các phật tử gần xa và các nhà mạnh thường quân đóng góp. Hiện tại mái ấm nhà chùa Kim Phước chúng tôi đang nuôi dưỡng tổng cộng 102 người, ngoài những người già còn có 18 trẻ em, bao gồm 10 trẻ mồ côi và 8 trẻ bị cha mẹ bỏ rơi.”.
Với những người già tìm đến xin nương nhờ, hầu như nhà chùa chẳng bỏ ai hết. Cứ hễ có ai tới xin, có giấy tờ phù hợp hoặc được người quen giới thiệu, thậm chí không có người giới thiệu, “không có lấy một mãnh giấy lận lưng” mà tình cảnh quá bi đát cũng được cưu mang. Bằng cách, Sư thầy sẽ cho lập biên bản, mời đại diện công an địa phương tới xác thực hoàn cảnh, rồi làm giấy tờ, đặt tên (tất cả những người này sẽ mang họ Huỳnh, cũng là họ thật của sư thầy trụ trì), thế là đã có thể “nhập tự”. Hiện tại, mái ấm Kim Phước được chia ra làm 3 khu riêng biệt: Khu dưỡng lão nam; khu dưỡng lão nữ và khu dành cho nuôi dưỡng trẻ em. Với người già, các thành viên mỗi người sẽ có riêng một chiếc giường, mỗi ngày được ăn đủ 3 bữa. Người nào bị bệnh, đau ốm được nhà chùa đưa đi các bệnh viện trong và ngoài tỉnh điều trị, các thầy trong chùa trực tiếp đi nuôi. Nếu vì lý do nào đó qua đời nhà chùa cũng lo phần ma chay, chôn cất, thờ phụng rất chu đáo. Riêng về các cháu nhỏ có hoàn cảnh không may, nhà chùa đều nhận về nuôi dưỡng với niềm hy vọng các cháu rồi sẽ được đoàn tụ cùng gia đình. Nếu cha, mẹ các cháu sau này làm ăn khấm khá có ý định xin nhận lại con, nhà chùa sẵn sàng giao trả. Còn những trẻ khác ở độ tuổi đi học nhà chùa đều tạo điều kiện cho các em đến trường, học hành đền nơi đến chốn. Nhà chùa chỉ mong sao tất cả trẻ em ở mái ấm Kim Phước khi trường thành, ra đời sẽ có được một tương lai tươi sáng. Nói về các chi phí ăn uống cho các thành viên trong Mái ấm, sư thầy Thích Nhuận Tâm cho biết: “Việc này chúng tôi không lo lắng lắm, vì đều được các phật tử thường xuyên đến hỗ trợ. Nhà chùa lo nhất là chi phí để chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh cho các cụ già.”.
Theo daidoanket.vn