Ban Tôn giáo tỉnh An Giang thăm, tặng quà nhân kỷ niệm 130 năm Bổn sư Ngô Lợi viên tịch
Ngày đăng: 27/11/2020
Nhân kỷ niệm 130 năm ngày Bổn sư Ngô Lợi viên tịch (1890-2020), Đoàn Công tác Ban Tôn giáo tỉnh An Giang do ông Nguyễn Phú, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Ban Tôn giáo tỉnh làm Trưởng đoàn đã đến thăm và tặng quà Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa và một số chùa, cá nhân tiêu biêu biểu của Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa.

Tại mỗi nơi đến thăm, thay mặt Đoàn, ông Nguyễn Phú, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Ban Tôn giáo tỉnh đã ân cần thăm hỏi sức khỏe và ghi nhận, biểu dương các kết quả hoạt động “Tốt đời, đẹp đạo” của Phật hội, các vị chức sắc, chức việc Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa thời gian qua. Đồng thời, ông mong muốn trong thời gian tới, Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa tiếp tục ra sức giữ gìn và phát huy sự đoàn kết, thực hiện đúng Hiến chương của đạo và pháp luật của Nhà nước; tiếp tục nâng cao chất lượng trong hoạt động Phật sự; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể phát động… góp phần cùng địa phương xây dựng quê hương An Giang ngày càng phát triển văn minh, giàu đẹp….

Mặc dù năm nay là năm tròn kỷ niệm 130 năm ngày Bổn sư Ngô Lợi viên tịch, nhưng do trước tình hình dịch bệnh COVID- 19 vẫn còn diễn biến phức tạp nên Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa không tổ chức lễ hành chính tập trung như hằng năm. Đồng thời, giáo hội sẽ tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở du khách, bà con tín đồ thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của cơ quan chức năng khi đến tham quan, hành hương trong khu vực chùa Phi Lai - Tam Bửu.

Toàn cảnh chùa Tam Bửu

Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa là tôn giáo nội sinh do Bổn sư Ngô Lợi sáng lập vào năm 1867, với tôn chỉ hành đạo “Học Phật, tu Nhân”, trải qua nhiều biến cố lịch sử, nên ngài đã chọn khu vực Núi Tượng (nay là thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) làm nơi hoằng khai đạo pháp. Trong suốt 39 năm hoằng dương chánh pháp, ngài Ngô Lợi còn được biết đến là sỹ phu yêu nước, khu vực Núi Tượng còn là “Tổng hành dinh” quy tụ những người yêu nước, từng là nỗi khiếp sợ của quân Pháp trong thời gian xâm lược Việt Nam. Theo số liệu thống kê ghi nhận, có 20 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 3 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 240 gia đình liệt sĩ, 141 gia đình thương binh và 168 gia đình có công với cách mạng là tín đồ Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa./.

 

Tiến Lên