Chantarangsay: ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer giữa lòng Thành phố Hồ Chí Minh
Ngày đăng: 04/08/2023
Chùa Chantarangsay hay còn có tên gọi khác là chùa Candaransi, tọa lạc tại Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, là ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer đầu tiên được xây dựng tại vùng Sài Gòn - Gia Định xưa.

Theo lịch sử hình thành ngôi chùa, vào năm 1946, cố Hòa thượng Lâm Em, trong một lần đi tìm đất để xây dựng ngôi chùa Khmer đầu tiên trên vùng đất Sài Gòn - Gia Định, đã dừng chân bên một bãi bồi lầy lội ven bờ kênh Nhiêu Lộc. Từ đó, ngôi chùa mang tên Chantarangsay, tiếng Khmer nghĩa là “Ánh trăng” ra đời, trở thành chốn tu trì của sư tăng Nam tông Khmer, đồng thời là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa của đồng bào Khmer sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh trong hơn 70 năm qua.

Cũng như những ngôi chùa Khmer ở các phum, sóc vùng đồng bằng sông Cửu Long, chùa Chantarangsay mang những dấu ấn đặc trưng về kiến trúc và không gian thờ tự của Phật giáo Nam tông Khmer. Tất cả đều chỉ thờ kim thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở nhiều hình tướng khác nhau.

https://cms.btgcp.gov.vn/upload-img/userfiles/images/image-20231031143320-1.jpeg

Tại các góc, trên các tường bao chính điện được trang trí họa tiết chim thần Garuda, rắn thần Naga, tượng Cầy No... đặc trưng của văn hóa Khmer Nam Bộ

Trong quần thể kiến trúc rộng khoảng 4.500 m2 của chùa Chantarangsay, nổi bật là ngôi chính điện xây theo hướng chính Đông, là hướng của Mặt Trời và hướng của Đức Phật thành đạo trong đêm Rằm tháng Vesak. Toàn bộ chính điện được xây vượt cấp, phần nền cao hơn hẳn các công trình khác trong khuôn viên chùa, tượng trưng cho ngọn núi thiêng Meru trong thần thoại Hin-đu. Kiến trúc và hoa văn trang trí chính điện thể hiện rõ nét sự giao thoa giữa Phật giáo, Bà-la-môn giáo và văn hóa dân gian trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer Nam Bộ. Đặc biệt là bức tranh khắc nổi tích truyện Phật giáo về năm anh em là năm vị Phật. Theo Phật giáo Nam tông Khmer, trong quãng thời gian hình thành và tiêu biến của trái đất, chỉ có năm vị Phật này xuất hiện, trong đó, bốn vị đã thành Phật, còn một vị nữa sẽ thành Phật trong tương lai là Phật Di Lặc.

https://cms.btgcp.gov.vn/upload-img/userfiles/images/image-20231031143320-2.jpeg

Mặt trước ngôi chính điện với bức tranh khắc nổi tích truyện Phật giáo về năm anh em là năm vị Phật

Phần mái của ngôi chính điện gồm ba tầng, nóc là ba ngọn tháp tượng trưng cho ngôi Tam bảo. Mỗi tháp lại được xây theo lối tám cấp (bậc) tượng trưng cho Bát Chính đạo và chóp cao nhất tượng trưng cho Niết bàn.

https://cms.btgcp.gov.vn/upload-img/userfiles/images/image-20231031143320-3.jpeg

Kiến trúc mái ngôi chính điện

Để vào chính điện có bốn cửa ở bên hông. Lòng chính điện được thiết kế với trần cao, rộng và trang trí nổi bật với tranh tượng khác nhau. Vị trí trung tâm là bàn thờ Kim thân Đức Phật được bố cục thành năm cấp từ thấp đến cao, kích cỡ tượng tương ứng từ lớn đến nhỏ, mỗi cấp là một ban thờ Đức Phật ở những tư thế tu hành khác nhau, phản ánh sự kiện quan trọng trong cuộc đời Phật Thích Ca. Trên trần và vách chính điện là những bức tranh lớn, nhiều màu sắc, phác họa tiểu sử và cuộc đời Phật Thích Ca, từ lúc Hoàng hậu Maya nằm mơ thấy bạch tượng, rồi Ngài sinh ra Thái tử Tất Đạt Đa, đến khi Đức Phật thành đạo và nhập Niết bàn.

https://cms.btgcp.gov.vn/upload-img/userfiles/images/image-20231031143320-4.jpeg

Không gian chính điện với trần và các vách được trang trí bằng những bức tranh minh họa cuộc đời Phật Thích Ca

Không chỉ là công trình thể hiện dấu ấn kiến trúc của Phật giáo Nam tông Khmer giữa lòng TP. HCM, chùa Chantarangsay còn là điểm kết nối văn hóa, giao lưu giữa cộng đồng người Khmer và người dân Thành phố, là nơi bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer.

Theo Hòa thượng Danh Lung, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM, Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật giáo Nam tông Khmer, trụ trì chùa Chantarangsay: với quan niệm của đồng bào Khmer, chùa không chỉ là nơi để tu, để thờ mà còn là trung tâm văn hóa, nơi bảo trợ bà con Khmer những lúc khó khăn trong những năm có chiến tranh, vừa là trung tâm giáo dục của đồng bào Khmer. Vào mùa lễ hội, chùa Chantarangsay là nơi tổ chức nhiều sự kiện liên quan đến sinh hoạt văn hóa, tôn giáo - tín ngưỡng truyền thống của đồng bào Khmer, là điểm kết nối văn hóa, giao lưu giữa cộng đồng người Khmer và người dân Thành phố. Bên cạnh đó, chùa cũng tổ chức các lớp dạy chữ Khmer, giáo dục về đạo đức Phật giáo… cho con em đồng bào Khmer, nhất là con trai khi lớn lên sẽ được gửi vào chùa để rèn luyện đạo đức.

Trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer Nam Bộ dường như có một sự đồng nhất giữa tín ngưỡng Phật giáo với truyền thống phong tục và tập quán bản địa, mỗi người Khmer khi vừa sinh ra đã là những người con của Phật. Vì thế, người Khmer quan niệm rằng, đi tu không phải để trở thành Phật mà để chuẩn bị cho một cuộc sống tốt đẹp hơn, để làm người có nhân cách, đạo đức. Cũng từ đó, người Khmer hình thành nên một tập tục là xuất gia gieo duyên, hay còn gọi là nhập tu báo hiếu với nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Mỗi người con trai Khmer khi đến tuổi trưởng thành đều phải một lần vào chùa đi tu, đó là nghĩa vụ trong cuộc đời họ. Người con trai Khmer được coi là đủ tư cách, phẩm chất, được xã hội tôn trọng, kính nể khi đã đủ thời gian tu học tại chùa. Tập tục đó góp phần hình thành nếp sống và tính cách của người Khmer luôn thuần phác và nhân bản, là cội nguồn làm nên bản sắc văn hóa truyền thống của bà con Khmer Nam Bộ.

Từ khi sinh ra đến khi qua đời, cuộc sống của mỗi người dân đồng bào dân tộc Khmer đều gắn chặt với ngôi chùa. Trong đời sống sinh hoạt hằng ngày cũng như trong các hoạt động lễ hội văn hóa cộng đồng, thậm chí tới các công việc cá nhân của mỗi gia đình như ma chay, cưới hỏi, làm nhà… luôn có sự tham gia trực tiếp hay sự hướng dẫn của các sư trong chùa, chịu những ảnh hưởng nhất định từ triết lý của Phật giáo Nam tông. Trong các lễ hội của cộng đồng có nguồn gốc từ Phật giáo, hay từ dân gian đều thể hiện rõ vai trò của nhà sư và ngôi chùa Khmer.

Mỗi năm, đồng bào Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 15 lễ hội thu hút sự tham gia của toàn thể cộng đồng, thì có 10 lễ hội có nguồn gốc từ Phật giáo và do sư tăng Phật giáo đứng ra tổ chức trong khuôn viên chùa Nam tông Khmer; 5 lễ hội còn lại không diễn ra trong khuôn viên các chùa Khmer nhưng vẫn có sự tham gia của đông đảo tín đồ, phật tử và các vị sư.

https://cms.btgcp.gov.vn/upload-img/userfiles/images/image-20231031143320-5.jpeg

Sư tăng, phật tử chùa Chantarangsay tham dự lễ dâng y Kathina

Tại TP. HCM hiện nay có hai ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer, đó là chùa Chantarangsay tại Quận 3 cùng với chùa Pothiwong tại quận Tân Bình. Vào mỗi dịp nghỉ Hè, hai chùa đều tổ chức các lớp dạy chữ Khmer miễn phí cho thanh thiếu nhi và người dân có nhu cầu học chữ Khmer trên địa bàn TP. HCM, thời gian học 18h00 đến 20h00 từ thứ Hai đến Chủ nhật hằng tuần, với sự giảng dạy của các sư tăng tại chùa. Mỗi lớp học thu hút từ 30-50 học viên người Khmer theo học, với mong muốn giữ gìn ngôn ngữ và văn hóa Khmer, hiểu biết nhiều hơn nữa ngôn ngữ của dân tộc mình để có điều kiện phát huy trong việc giao tiếp và học tập.

Trong bối cảnh đời sống của cộng đồng bà con Khmer có những thay đổi mạnh mẽ để phù hợp với biến đổi xã hội, những ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer đã và đang làm tốt vai trò là điểm kết nối, duy trì những nền nếp, lối sống văn hóa truyền thống của người Khmer nơi đô thị, góp phần giúp con em đồng bào Khmer có định hướng sinh hoạt văn hóa đúng theo văn hóa truyền thống của dân tộc mình, góp phần bảo tồn và phát triển diện mạo chung của văn hóa Việt Nam.

Thông qua các hoạt động tu tập, thực hành Phật giáo Nam tông Khmer, giảng dạy tiếng Khmer và tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống trong các ngày lễ, hội như: Sene Dolta, Ok Om Boc, Chôl Chnăm Thmây…, chùa Chantarangsay và các sư tăng đang góp phần tích cực vào việc lưu giữ, truyền dẫn đến các thế hệ người Khmer tại Thành phố về những nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Khmer Nam Bộ.

Minh Thanh