Hội thảo về thực trạng đạo lạ, tà đạo ở Việt Nam hiện nay
Ngày đăng: 17/06/2021
Ông Nguyễn Ánh Chức, Phó Trưởng ban BTGCP và PGS.TS Đỗ Lan Hiền, Viện trưởng Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đồng chủ trì hội thảo
Ngày 17/6/2021, tại trụ sở Ban Tôn giáo Chính phủ (BTGCP) đã diễn ra Hội thảo “Thực trạng đạo lạ, tà đạo ở Việt Nam hiện nay – kiến nghị và giải pháp”. Ông Nguyễn Ánh Chức, Phó Trưởng ban BTGCP và PGS.TS Đỗ Lan Hiền, Viện trưởng Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đồng chủ trì hội thảo.

Hội thảo có sự tham dự của bà Trần Thị Minh Nga và ông Nguyễn Tiến Trọng, Phó Trưởng ban BTGCP; đại diện Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban Dân tộc, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch), Cục An ninh Nội địa (Bộ Công an), Cục Trinh sát cơ sở (Bộ đội Biên phòng); đại diện các viện, cơ quan nghiên cứu cấp nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Trưởng ban BTGCP Nguyễn Ánh Chức cho biết, hội thảo nhằm đánh giá thực trạng đạo lạ, tà đạo ở Việt Nam hiện nay, nhận diện mô hình, tổ chức và hoạt động của các loại đạo lạ, tà đạo và tác động, ảnh hưởng của đạo lạ, tà đạo đối với các mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội.

Phó Trưởng ban Nguyễn Ánh Chức phát biểu khai mạc hội thảo

Trên cơ sở đó, hội nghị cũng nhằm đánh giá hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của đạo lạ, tà đạo thời gian qua và đề xuất các giải pháp, chính sách đối với đạo lạ, tà đạo trong thời gian tiếp theo nhằm phù hợp với luật pháp hiện hành và thực tế xã hội; đồng thời định hướng công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu rõ, nhận diện đúng; góp phần đấu tranh, phản bác các hoạt động lợi dụng đạo lạ, tà đạo để vi phạm pháp luật, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc.

PGS.TS Đỗ Lan Hiền, Viện trưởng Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, Ban Tổ chức đã nhận được 17 tham luận của các đại biểu tham dự hội thảo. Các ý kiến tham luận đã phản ánh góc nhìn phong phú, đa chiều xung quanh các vấn đề liên quan đến đạo lạ, tà đạo như: nguồn gốc của đạo lạ, tà đạo tại Việt Nam; đặc điểm của đạo lạ, tà đạo và những nét tương đồng với các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống; các vấn đề về nhận diện đạo lạ, tà đạo; tác động tích cực và tiêu cực của đạo lạ, tà đạo đối với đời sống xã hội; căn cứ pháp lý để giải quyết vấn đề đạo lạ, tà đạo; kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước đối với tà đạo, đạo lạ… 

Quang cảnh hội thảo

Theo báo cáo tại hội thảo, ở Việt Nam từ những năm 80 của thế kỷ XX đã xuất hiện các hiện tượng tôn giáo mới, đạo lạ với nhiều tên gọi và nguồn gốc khác nhau, tồn tại bên cạnh các tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống. Cho đến nay, chưa có con số thống kê, phân loại đầy đủ về số lượng đạo lạ, tà đạo ở Việt Nam. Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban Tôn giáo Chính phủ, tính đến tháng 4/2021, cả nước có 85 đạo lạ.

Trong số các đạo lạ, có những loại hoạt động trái với chuẩn mực đạo đức xã hội và truyền thống văn hóa, chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo, thậm chí mang màu sắc chính trị, hoạt động vi phạm pháp luật, tác động xấu đến an ninh trật tự, được gọi chung là tà đạo. Sự hình thành, phát triển cùng những hoạt động đa dạng, phức tạp của đạo lạ, tà đạo ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều mặt của đời sống xã hội và đặt ra những vấn đề lớn cho công tác nghiên cứu và quản lý nhà nước đối với các hình thức đạo lạ, tà đạo để vừa đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo hợp pháp của mọi người; vừa bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống; ổn định an ninh, trật tự xã hội và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc./.

Thúy Hằng