Thăm Khu tưởng niệm chiến tranh hang Piu ở Lào
Ngày đăng: 09/04/2018Chiều ngày 8/4/2018, đoàn Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam do ông Vũ Chiến Thắng, Trưởng ban, làm trưởng đoàn đã tới hang Piu, huyện Khăm, tỉnh Xiêng Khoảng (cách trung tâm tỉnh Xiêng Khoảng 58km, cách biên giới Việt Nam 85 km), khu tưởng niệm374 người dân bị giặc Mỹ giết hại vào ngày 24/11/1968.
Tại đây đoàn đã được đại diện Mặt trận, chính quyền và nhân dân Lào kể lại câu chuyện bi thương của 60 năm về trước, thời nhân dân các bộ tộc Lào sát cánh cùng nhân dân hai nước anh em Việt Nam, Campuchia đứng lên chống ách xâm lược của đế quốc Mỹ. Thời đó huyện Khăm là vùng căn cứ cách mạng nên thường xuyên bị giặc bỏ bom để thực hiện chiến lược: không để vùng giải phóng cho cách mạng hoạt động. Nhằm phá khu cách mạng, máy bay Mỹ bỏ bom khắp vùng nhằm ngăn chặn hoạt động của bộ đội giải phóng và không để dân yên. Trước khó khăn đó, một số gia đình đã phải đưa con nhỏ, người già lên hang đá tên là hang Piu tránh bom giặc, tìm cây, quả, củ trong rừng làm đồ ăn để sống và trẻ con được học cái chữ. Khi cách mạng phát triển lớn dần, giặc thả bom, bắn đạn càng mạnh, lúc đó số dân đến hang để tránh giặc càng nhiều. Hang Piu vào những năm 1967-1968 đã là trạm xá chữa bệnh cho người ốm, người bị thương và mở lớp học chữ cho trẻ em. Giữa năm 1968 vị trí của hang Piu có dân ở bị lộ, nhiều lần giặc cho máy bay thả bom vào cửa hang và khu vực quanh hang, hòng ngăn dân và cách mạng không đến được với nhau, nhưng hang đá kiên cố nên không bị phá. Điên cuồng giặc cho dùng bom cháy thiêu trụi cả rừng quanh khu vực có hang, nhưng hang sâu nên dân vẫn còn có chỗ để sống. Ngày 24/11/1968 máy bay Mỹ đã dùng tên lửa không đối đất bắn thẳng vào cửa hang. Hai quả tên lửa đầu đã phá vỡ cửa hang, sức ép của tên lửa giết chết nhiều người. Quả tên lửa thứ ba bắn trúng và đi sâu vào nổ trong hang, tạo sức ép lớn nên không người nào có thể sống sót. Cùng với bắn tên lửa, giặc Mỹ thả bom phá và bom hoá học để không một người nào được sống, bởi thế mà phải sau một tuần người sống ở ngoài mới dám vào hang để đưa người chết đi chon cất. Do hang sâu và dài nên số đông người chết bởi sức ép. Nhiều người chết khi họ còn trong tư thế lao động, chăm sóc người ốm hoặc phụ nữ cho con bú. Nơi chôn cất những người đã chết trong trận giặc Mỹ oanh kích ngày 24/11/1968 là 7 hố bom do giặc Mỹ bỏ gần miệng hang. Giờ đây bảy ngôi mộ chung đã được rừng cây tái sinh che phủ để người chết ở với đất mẹ, với rừng núi quê hương. Hiện tại trong hang Piu còn ngổn ngang đá vỡ, dù 60 năm đã trôi qua nhưng nhiều tảng đá lớn còn nhuộm đen khói đạn, lưu dấu sự tàn phá của đế quốc xâm lược. Sau hoà bình, chính quyền và nhân dân tỉnh Xiêng Khoảng đã xây dựng khu di tích chiến tranh hang Piu, để tưởng niệm những người chết trong trận không kích của đế quốc Mỹ năm 1968. Khu di tích lưu giữ nhiều hình ảnh đau thương về những người đã chết cùng cảnh chiến tranh tàn phá môi trường sống, nhằm nhắc nhở những người hôm nay và mai sau hãy có trách nhiệm hơn trong xây dựng quê hương đất nước. Nơi đây còn lưu giữ những vỏ bom, mìn, vũ khí giết người, tàn phá môi trường của đế quốc Mỹ reo rắc xuống vùng đất Lào, giết hại bao con người vô tội. Hiện vật của chiến tranh, bom đạn giết người còn đó không chỉ nhắc về quá khứ bi thương mà nhắc người sống: chiến tranh là khổ đau, chết chóc và mất mát không riêng cho bất cứ bên nào, hãy cùng nhau xây dựng một thế giới hoà bình để mọi người được sống trong bình yên, hạnh phúc. Nén hương thơm của đoàn Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam nơi tượng đài tưởng niệm và phút mặc niệm nghiêng mình trước cửa hang nơi 374 người con Lào chết vì bom đạn Mỹ đã để lại tình cảm thiêng liêng. Với lời cầu nguyện cho hương hồn những người đã chết siêu sinh về miền cực lạc, mọi người cùng mong ước sự đoàn kết gắn liền sông núi của hai dân tộc đời đời bền vững để luôn sát cánh bên nhau xây dựng hoà bình và hạnh phúc chung.
Ông Vũ Chiến Thắng và đoàn nghe về lịch sử hang Piu
Tượng đài tại khu di tích hang Piu
Vỏ bom bi, mìn chưa nổ được thu lại sau chiến tranh quanh khu vực hang Piu
Hai vỏ bom phá 250 kg thả xuống khu vực hang Piu không nổ
Tượng Phật trong khu di tích
Bài và ảnh: Bùi Hữu Dược