Trưởng ban Vũ Hoài Bắc công tác tại tỉnh An Giang
Ngày đăng: 12/05/2023Chiều 11/5/2023, tại tỉnh An Giang, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Hoài Bắc tham dự và chủ trì Hội nghị đánh giá công tác triển khai kết luận của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ Phật giáo Nam tông Khmer, giai đoạn 2004-2023.
Hội nghị diễn ra tại chùa Sà Lôn, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn. Đồng chủ trì Hội nghị có chức sắc Hội đồng Chứng minh (HĐCM), Hội đồng Trị sự (HĐTS) Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Hòa thượng (HT.) Chau Ty, Phó Pháp chủ HĐCM; HT. Thích Huệ Tài, Ủy viên Thường trực HĐCM; HT. Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Tăng sự Trung ương; HT. Đào Như, HT. Thạch Sok Xane, HT. Thích Thiện Thống, đồng Phó Chủ tịch HĐTS; HT. Danh Lung, Ủy viên Thư ký HĐTS, Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật giáo Nam tông Khmer; Thượng tọa Thích Phước Nguyên, Phó Tổng Thư ký HĐTS, Chánh Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn nhận định: Hội nghị là dịp để Ban Tôn giáo Chính phủ, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đánh giá chỉ đạo 7 điểm của Chính phủ, phần việc nào đã hoàn thành, phần việc nào đã thực hiện nhưng chưa trọn vẹn, phần việc nào còn khó khăn, vướng mắc. Từ đó, Ban Tôn giáo Chính phủ, Hội đồng Trị sự sẽ báo cáo Chính phủ ban hành những chỉ đạo tiếp theo để Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer ngày càng phát triển, ổn định trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Hòa thượng Danh Lung đại diện Ban Tổ chức trình bày báo cáo đánh giá 19 năm công tác hỗ trợ Phật giáo Nam tông Khmer (2004-2023), trong đó nhấn mạnh một số kết quả nổi bật như: in và trao tặng 80 đầu Kinh sách bằng chữ Khmer, hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các lớp Sơ cấp Pali, Vini tại một số tỉnh, thành; Hoàn tất 100% việc bổ nhiệm trụ trì các cơ sở tự viện Nam Tông Khmer; Hoàn tất công tác khắc con dấu và trao con dấu cho 452 chùa Phật giáo Nam tông Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Khánh thành giai đoạn 1 và trai đường Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, hiện đang xây dựng các hạng mục tiếp theo của công trình; Học viện Phật giáo Nam tông Khmer đã đào tạo được 5 khóa với tổng số 150 sư tăng tốt nghiệp Cử nhân Phật học; hiện đào tạo khóa VI và khóa VII, với tổng số 50 sư tăng theo học…
Chức sắc Phật giáo Nam tông Khmer các tỉnh, thành phố và đại biểu các bộ, ngành, địa phương tham dự Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Hoài Bắc ghi nhận những thành quả mà Phật giáo Nam tông Khmer đã đạt được trong giai đoạn 19 năm và mong muốn Hội nghị sẽ đánh giá một cách khách quan, đưa ra hướng giải quyết cho việc thực hiện công tác hỗ trợ Phật giáo Nam tông Khmer, từ đó phát triển ổn định Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phát huy vai trò là thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cũng tại Hội nghị, Hòa thượng Chau Ty bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ban, ngành Trung ương và chính quyền các địa phương cùng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các hoạt động của Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer được thành tựu.
Trước đó, sáng ngày 11/5, tại chùa Sà Lôn đã diễn ra Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Kinh lá Buông”.
Chủ tọa Hội thảo
Hội thảo do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh An Giang và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) đồng tổ chức.
Hội thảo đã khái quát lịch sử của Phật giáo Việt Nam cũng như Phật giáo Nam tông Khmer trong tiến trình lịch sử của dân tộc, cùng với đó là các giá trị di sản, mà đặc biệt giá trị của Kinh lá Buông.
Kinh lá Buông hay gọi là sách lá Buông là loại sách viết trên lá khô, theo nhiều học giả nghiên cứu, đã xuất hiện tại các quốc gia Nam Á cách đây hơn 2.000 năm, để ghi chép các loại kinh như kinh Phật và các sự kiện khác trong đời sống. Các nước chịu ảnh hưởng văn hóa, tôn giáo của Ấn Độ hay Sri Lanka đều sử dụng sách lá Buông như Myanmar, Thái lan, Campuchia…
Tương tự, Phật giáo Nam tông Khmer Nam Bộ từ xa xưa chịu ảnh hưởng văn hóa Bà-la-môn giáo và Phật giáo, cũng sử dụng sách lá Buông trong việc tu học và ghi chép các sự kiện trong đời sống. Đến khi có sách giấy xuất hiện thì Phật giáo Nam tông Khmer chuyển sang sử dụng dần sách giấy nhiều hơn, ít sử dụng sách lá Buông, từ đó sách lá Buông dần trở thành sách cổ quý hiếm.
Hội thảo đã ghi nhận 71 bài tham luận, bài nghiên cứu của các chức sắc Phật giáo, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, học giả đến từ khắp mọi miền đất nước đối với việc bảo tồn, phát huy ý nghĩa và giá trị vốn có của Kinh, sách lá Buông.
Ông Lê Minh Khánh, Trưởng phòng Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ tặng hoa chúc mừng Hội thảo
Cũng trong chương trình công tác tại tỉnh An Giang, Trưởng ban Vũ Hoài Bắc đã đến thăm Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo (Islam) tỉnh An Giang và chúc mừng đồng bào Chăm Islam trên địa bàn tỉnh vừa hoàn thành tháng lễ Ramadan năm 2023 của người Hồi giáo./.
Trưởng ban Vũ Hoài Bắc chụp ảnh cùng Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo (Islam) tỉnh An Giang tại Thánh đường Hồi giáo Al Nia' Mah, huyện Châu Phong
Như Ngọc – Quốc Cường