Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng tham dự Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh tổ sư Minh Đăng Quang
Ngày đăng: 08/11/2023
Ngày 08/11/2023, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng đến pháp viện Minh Đăng Quang, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh tham dự Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh tổ sư Minh Đăng Quang, vị tổ sư khai sáng hệ phái Khất sĩ.

Cùng tham dự có bà Trần Thị Minh Nga, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ.

Tổ sư Minh Đăng Quang thế danh Nguyễn Thành Đạt, tự Lý Hườn, sinh năm 1923 tại Tam Bình, Vĩnh Long. Năm 1937, năm 15 tuổi, ngài xin phép thân phụ rời Vĩnh Long sang xứ chùa Tháp, Cam-pu-chia xuất gia tầm chân lý. Sau gần 05 năm nghiên tầm giáo lý, ngài nhận ra giá trị cao cả của Phật giáo Nam tông Nguyên thủy với nét đẹp trong việc hành trì y bát khất thực, giới luật của vị sa môn phạm hạnh. Năm 1941, ngài về Sài Gòn báo hiếu và trải nghiệm nghiệp duyên trần thế. Đến năm 1944, ngài dốc chí ra đi tìm cầu giáo lý giải thoát. Năm 22 tuổi, ngài tỏ sáng lý pháp “Thuyền Bát nhã”, ngộ lý vô thường, vô ngã, cảnh khổ trầm luân, đầy - vơi, có - không, còn - mất, sống - chết, khổ - vui của cuộc đời. Đầu năm 1946, ngài về Linh Bửu tự tại làng Phú Mỹ, Mỹ Tho phổ hóa nhân sinh. Tại đây, ngài phát nguyện thọ trì y bát, giới Sa di, rồi Cụ túc giới với pháp hiệu Minh Đăng Quang, tiếp tục “nối truyền Thích Ca chánh pháp”, sống đời phạm hạnh, giải thoát.

Kể từ khi tổ sư Minh Đăng Quang chứng ngộ, lập nên một hệ phái mang đậm bản sắc Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của người Nam Bộ nói chung, miền Tây Nam Bộ nói riêng, với những bài kinh, giáo lý bằng thể loại thơ mộc mạc, dễ hiểu và gần gũi với đồng bào có niềm tin đối với Phật giáo lúc bấy giờ. Trong dòng chảy của lịch sử Phật giáo Việt Nam ở thời kỳ cận hiện đại, sự xuất hiện của tổ sư Minh Đăng Quang và tăng đoàn Khất sĩ Việt Nam đã góp phần quan trọng trong sự kế thừa, ổn định và phát triển Phật giáo Việt Nam trên hai phương diện đạo pháp và dân tộc, góp phần tích cực trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc và thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981.

 

Phát biểu tại buổi lễ, bà Trần Thị Minh Nga ghi nhận và đánh giá cao sự ra đời của hệ phái Khất sĩ, một hệ phái Phật giáo nội sinh, mặc dù, ra đời sau nhưng trở thành một trong ba hệ phái Phật giáo lớn có đóng góp tích cực cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam, cũng như tạo ra nhiều hệ giá trị về di sản, văn hóa, tâm linh cho dân tộc. Bà khẳng định, Ban Tôn giáo Chính phủ trân trọng những công lao mà tổ sư Minh Đăng Quang đã đóng góp cho đạo pháp và dân tộc, đồng thời, bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, tăng ni, phật tử hệ phái Khất sĩ tiếp tục kế thừa, phát huy tâm đạo rạng ngời, tinh thần hòa hợp của tổ sư, phát huy những giá trị tốt đẹp của hệ phái, đoàn kết trong ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Vân Chi