Ra mắt Sách trắng về tôn giáo và thông tin thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam
Ngày đăng: 09/03/2023
Sáng 09/3/2023, Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại tháng 3/2023.

Ông Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ; ông Phạm Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Nguyễn Tiến Trọng, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ; ông Nguyễn Văn Long, Chánh Văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ và ông Vũ Duyên Hải, Phó Vụ trưởng vụ Khai thác thủy sản, Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng chủ trì Hội nghị.

Hội nghị có sự tham dự của đông đảo phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình.

Tại Hội nghị, Ban Tôn giáo Chính phủ đã giới thiệu và ra mắt Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”.

Theo Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Tiến Trọng, nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, ngay từ Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 và các văn bản sau này của Việt Nam luôn khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong các quyền cơ bản của con người. Hiến pháp 2013 quy định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của mọi người.

Việt Nam không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước phát triển, dân chủ, công bằng, văn minh. Luật tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội thông qua năm 2016. Một năm sau, Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Tiến Trọng giới thiệu Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”

Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực. Số lượng chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo tăng. Nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo quy mô lớn, thu hút tín đồ, người dân tham dự. Nhà nước đã công nhận 36 tổ chức tôn giáo; cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 4 tổ chức và một pháp môn tu hành thuộc 16 tôn giáo; Bửu Sơn Kỳ Hương có một số chùa tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, công nhận Ban Trị sự, Ban Quản trị chùa; Thánh đường Hồi giáo số 12 Hàng Lược, Hà Nội được công nhận Ban Quản trị Thánh đường.

Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Tiến Trọng kỳ vọng, Sách trắng sẽ góp phần giúp bạn đọc trong và ngoài nước hiểu rõ, đầy đủ về chính sách tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam.

Sách dày 132 trang gồm 3 chương: giới thiệu thông tin cơ bản về tôn giáo ở Việt Nam; quan điểm của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo trong thời kỳ đổi mới; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo quy định trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam; những quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; thành tựu, thách thức và ưu tiên của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Phụ lục sách giới thiệu một số hình ảnh về đời sống tôn giáo Việt Nam; số liệu, danh mục tôn giáo, tổ chức được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động; điều 24 Hiến pháp về tôn giáo.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, ông Nguyễn Văn Long, Chánh Văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ cũng thông tin tới báo chí về thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam; phản bác các luận điệu vu cáo, xuyên tạc.

Chánh Văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Văn Long thông tin tới báo chí về thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam

Theo Người phát ngôn Ban Tôn giáo Chính phủ, Việt Nam là đất nước có truyền thống văn hóa lâu đời và là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, với trên 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước, hơn 54.000 chức sắc, trên 135.000 chức việc và gần 30.000 cơ sở thờ tự.

Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách bảo đảm sự đa dạng, hòa hợp và bình đẳng tôn giáo và không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo Hiến chương, Điều lệ và quy định pháp luật, khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo phát huy nguồn lực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, thực hiện chính sách nhân quyền, đấu tranh phản bác các luận điệu vu cáo nhà nước việt nam vi phạm nhân quyền. Nhờ đó, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam có nhiều chuyển biến mới, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đã và đang đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của đông đảo quần chúng nhân dân và có những đóng góp tích cực đối với đời sống xã hội.

Để tiếp tục phát huy những thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, phản bác các luận điệu vu cáo, xuyên tạc, các cơ quan báo chí cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các nội dung: Chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam; làm rõ, phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc về tình hình bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam; hoạt động của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp thăm hỏi, động viên, chúc mừng các ngày lễ, các hoạt động của các tôn giáo; các sự kiện tôn giáo nổi bật như công nhận tổ chức tôn giáo; đại hội nhiệm kỳ, hội nghị thường niên, hoạt động quốc tế của các tổ chức tôn giáo…

Chánh Văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ cũng lưu ý các phóng viên, biên tập viên khi nêu nhận định, nên tham khảo các chuyên gia về tín ngưỡng, tôn giáo hay xác minh thông tin từ các cơ quan quản lý để có thông tin đáng tin cậy và chính thống, nhận định khoa học, rõ ràng, chính xác, khách quan, phản ánh đúng thực trạng về đời sống tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam./.

Phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình tham dự Hội nghị

 

Lam Giang