Phó Trưởng ban Nguyễn Tiến Trọng tiếp Đoàn Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện châu Âu
Ngày đăng: 06/04/2023
Chiều 05/4/2023, tại Trụ sở Ban Tôn giáo Chính phủ, Phó Trưởng ban Nguyễn Tiến Trọng chủ trì buổi tiếp Đoàn Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện châu Âu do ông Udo Bullmann, Chủ tịch Tiểu ban làm Trưởng đoàn.

Tham gia Đoàn có ông Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam.

Cùng dự buổi tiếp có ông Nguyễn Văn Long, Chánh Văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ; ông Cát Ngọc Trình, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ & Quan hệ quốc tế, Ban Tôn giáo Chính phủ; lãnh đạo các phòng: Công giáo, Phật giáo, Tin Lành, Thanh tra – Pháp chế thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ.

Tại buổi tiếp, ông Udo Bullmann, Chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện châu Âu cho biết mục tiêu của chuyến thăm, làm việc tại Ban Tôn giáo Chính phủ nhằm thúc đẩy các hoạt động thảo luận, tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa hai bên và sự hiểu biết lẫn nhau giữa Nhân dân Việt Nam và cộng đồng EU, nhất là về các vấn đề liên quan đến tôn giáo.

Tại buổi trao đổi, thành viên phái đoàn Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện châu Âu bày tỏ sự quan tâm đối với các vấn đề về đời sống tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam và quyền tự do tôn giáo của người dân tại Việt Nam; cách thức vận hành và vai trò của tôn giáo trong đời sống xã hội Việt Nam; quan điểm của Nhà nước Việt Nam đối với tín ngưỡng, tôn giáo; các điều khoản về đăng ký sinh hoạt tôn giáo quy định trong Luật tín ngưỡng, tôn giáo; quy định của pháp luật về cấp phép hoạt động và công nhận tổ chức tôn giáo; số liệu về người thực hành tôn giáo tại Việt Nam; ở Việt Nam hiện nay có tồn tại việc đàn áp tôn giáo hoặc người dân bị xét xử, giam giữ liên quan đến các vấn đề tự do tôn giáo hay không.

Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Tiến Trọng (phải) và Chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện châu Âu Udo Bullmann

Đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ, Phó Trưởng ban Nguyễn Tiến Trọng bày tỏ vui mừng được đón tiếp Đoàn Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện châu Âu và hoan nghênh các cuộc trao đổi, làm việc để tăng cường sự hiểu biết giữa Việt Nam và liên minh châu Âu trong tất cả các lĩnh vực.

Ông khẳng định, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng, nỗ lực thực thi các công ước quốc tế về bảo đảm các quyền của con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đảng, Nhà nước Việt Nam thống nhất quan điểm tôn trọng, bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng của mọi người, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tôn giáo theo quy định của pháp luật.

Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ thông tin tới phái đoàn về tình hình đời sống tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam với những con số thống kê ấn tượng về số lượng các tổ chức tôn giáo, loại hình tín ngưỡng, các lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng và số lượng chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo ngày càng tăng.

Luật tín ngưỡng, tôn giáo ra đời đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động của các tổ chức tôn giáo, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng của chức sắc, tín đồ và người dân. Nhiều lễ hội, sự kiện, hội nghị tôn giáo lớn, có đông chức sắc, tín đồ tham dự đã diễn ra tại Việt Nam, trong đó Nhà nước đóng vai trò hướng dẫn, hỗ trợ, bảo đảm công tác an ninh trật tự, y tế, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ… góp phần không nhỏ vào việc tổ chức thành công sự kiện và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng đại biểu, du khách trong nước và bạn bè quốc tế.

Ban Tôn giáo Chính phủ cũng định kỳ tổ chức hội nghị gặp gỡ người nước ngoài sinh sống, học tập, làm việc tại Việt Nam để lắng nghe nguyện vọng, nhu cầu của những người nước ngoài trong sinh hoạt và hoạt động tôn giáo. Tại các hội nghị đã ghi nhận các ý kiến phát biểu, đánh giá tích cực của cộng đồng người nước ngoài cho rằng Nhà nước Việt Nam đã thực sự tạo các điều kiện thuận lợi không chỉ cho người dân Việt Nam mà ngay cả những người nước ngoài trong vấn đề thực hành niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng.

Phó Trưởng ban Nguyễn Tiến Trọng khẳng định, Nhà nước Việt Nam đang thực hiện tốt việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời, Ban Tôn giáo Chính phủ không ngừng lắng nghe phản hồi của các tổ chức tôn giáo và người dân trong quá trình thực thi Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 162 hướng dẫn thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo, để không ngừng đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu sinh hoạt chính đáng của mọi người.

Ông nhấn mạnh, Nhà nước Việt Nam không phân biệt đối xử giữa người theo hay không theo tôn giáo; không có chuyện ở Việt Nam đàn áp, hạn chế tự do tôn giáo, cũng không có tội danh nào là “tội danh mơ hồ” để đàn áp tôn giáo.

Ở Việt Nam cũng không có khái niệm “tù nhân lương tâm”, “tù nhân tôn giáo” mà chỉ có người vi phạm pháp luật, phải thực hiện giam giữ, cải tạo. Bất kỳ công dân Việt Nam nào nếu vi phạm pháp luật, chống đối Nhà nước, xâm phạm an ninh quốc gia... thì dù theo tôn giáo hay không theo tôn giáo cũng đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Toàn cảnh buổi tiếp

Đối với việc xem xét công nhận tổ chức tôn giáo, chính quyền Việt Nam căn cứ vào quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo có hệ thống giáo lý, giáo luật đầy đủ, rõ ràng, không vi phạm pháp luật và thuần phong mỹ tục của Việt Nam, đáp ứng các tiêu chí về công nhận tổ chức tôn giáo theo quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo thì đều được xem xét, cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hoặc đề nghị công nhận tổ chức tôn giáo. Nhà nước Việt Nam không gây khó khăn hoặc từ chối cấp đăng ký hoạt động, công nhận tổ chức đối với các tổ chức tôn giáo đáp ứng các yếu tố nêu trên.

Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đa dạng, phong phú. Các tôn giáo chung sống hoà hợp, phát triển, không có xung đột tôn giáo, không có sự phân biệt đối xử giữa các tôn giáo.

Ngay khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết. Nhà nước Việt Nam không bao giờ đàn áp tôn giáo hoặc có sự phân biệt giữa các tôn giáo. Đồng bào theo tôn giáo hay không theo tôn giáo đã sát cánh bên nhau, nêu cao tinh thần đoàn kết, vượt mọi khó khăn, cùng nhau gìn giữ, bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước.

Mặc dù vậy, Nhà nước Việt Nam kiên quyết nói không với các tổ chức khủng bố núp bóng tổ chức tôn giáo để hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước; các “tà đạo”, “đạo lạ” hoạt động trái pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Kết thúc buổi tiếp, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Tiến Trọng bày tỏ mong muốn tăng cường các hoạt động hợp tác, trao đổi giữa hai bên. Ông tái khẳng định hoan nghênh các hoạt động trao đổi để tạo cơ hội tiếp cận thông tin chính xác, tránh những thông tin sai lệch, những luận điệu xuyên tạc về về đời sống tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam.

Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam sẵn sàng học hỏi các kinh nghiệm về xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến tôn giáo và kinh nghiệm xử lý các vấn đề tôn giáo của Nghị viện châu Âu.

Ông Udo Bullmann, Chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện châu Âu thay mặt đoàn cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của Ban Tôn giáo Chính phủ. Ông bày tỏ sự hài lòng với những phản hồi của đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ đối với các vấn đề được thành viên phái đoàn nêu ra tại buổi trao đổi.

Chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện châu Âu bày tỏ vui mừng về những bước tiến của Việt Nam trong xây dựng môi trường cởi mở, hợp tác trong mọi lĩnh vực, nỗ lực gạt bỏ những khác biệt thể chế, luật pháp, ngôn ngữ, văn hoá để hướng tới việc bảo đảm các quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Ông cũng mong muốn hai bên tiếp tục các cơ chế hợp tác trong việc thúc đẩy các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong thời gian tới./.

Đại diện hai bên chụp ảnh lưu niệm tại Trụ sở Ban Tôn giáo Chính phủ

Nguyễn Linh