Phó Trưởng ban Nguyễn Tiến Trọng tham dự Hội thảo khoa học: “Sư bà Phương Dung với đạo pháp và dân tộc”
Ngày đăng: 09/04/2021
Toàn cảnh Hội thảo Khoa học
Sáng ngày 7/4, Phó Trưởng ban Nguyễn Tiến Trọng tham dự hội thảo khoa học: “Sư bà Phương Dung với đạo pháp và dân tộc” tại Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Số 27, Trần Xuân Soạn, Hai Bà Trưng, Tp. Hà Nội).

Chủ tọa và tham dự Hội thảo có HT. Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN; TT. Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký GHPGVN; TT. Thích Thọ Lạc, Uỷ viên Thư ký Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN; PGS,TS. Chu Văn Tuấn, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng Ban Tôn giáo TP. Hà Nội; bà Phạm Thị Thu Huyền, Phó Chủ tịch Uỷ Ban nhân dân huyện Thanh Trì cùng các đại biểu, các nhà khoa học, học giả, các đơn vị nghiên cứu.

 

Phó Trưởng ban Nguyễn Tiến Trọng phát biểu

Tham dự Hội thảo khoa học: “Sư bà Phương Dung với đạo pháp và dân tộc” do Uỷ ban nhân dân huyện Thanh Trì phối hợp với Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Tôn giáo Hà Nội và Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đồng tổ chức, thay mặt Lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ và với tình cảm cá nhân, Phó Trưởng ban Nguyễn Tiến Trọng gửi đến quý vị giáo phẩm Lãnh đạo GHPGVN, quý vị đại biểu, các nhà khoa học lời chúc sức khoẻ, thành công và an lạc, chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.

Phó Trưởng ban Nguyễn Tiến Trọng tặng hoa chúc mừng Hội thảo thành công tốt đẹp

Trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm 40-43 (thế kỷ thứ nhất) nhằm chống lại ách đô hộ của nhà Đông Hán là một trong những sự kiện tiêu biểu thể hiện vai trò của nữ giới trong việc đấu tranh, giải phóng dân tộc. Sau khi cuộc khởi nghĩ bị dập tắt, các tướng sỹ của hai bà mai danh ẩn tích khắp vùng miền, một số nữ tướng đã “xuống tóc” đi tu như: Công chúa Bát Nàn, Thiều Hoa, Vĩnh Huy, Phương Dung. Đây là những minh chứng quý giá để xác định thời điểm Phật giáo đã thịnh thành ở vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam. Những nữ tướng của Hai Bà Trưng quy y đầu Phật là những hạt giống gieo mầm của ni giới Phật giáo Việt Nam ngay từ buổi đầu Phật giáo truyền nhập vào. Trong đó, Phương Dung công chúa được thờ ở chùa Thanh Vân (tức chùa Yên Phú), xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội là nhân vật tiêu biểu cho Ni giới Việt Nam

Hành trạng của Sư bà Phương Dung và lăng mộ của Bà hiện còn ghi chép trong Thần phả chùa Yên Phú; đồng thời, Sư bà được nhân dân thôn Yên Phú, xã Liêu Ninh, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội tôn thờ làm Thành hoàng. Các triều đình phong kiến Việt Nam đã ban hành hơn 23 sắc phong để ca ngợi công đức và những đóng góp của sư Bà. Chính vì vậy,việc Uỷ ban nhân dân huyện Thanh Trì phối hợp với Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Tôn giáo Hà Nội và Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo khoa học: “Sư bà Phương Dung với đạo pháp và dân tộc” là cơ sở khoa học công nhận Sư bà Phương Dung là danh nhân Phật giáo tiêu biểu của thủ đô, đồng thời tôn tạo lăng mộ của Bà và bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hoá của quần thể di tích chùa Yên Phú.

Việc nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề về Sư bà Phương Dung góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu về sự ra đời, phát triển của Ni giới trong mạng mạch Phật giáo Việt Nam xuyên suốt trong chiều dài lịch sử dân tộc, tuy nhiên, trải qua thời gian hàng ngàn năm với bao biến đổi của thiên nhiên và xã hội, những dữ liệu lịch sử ít nhiều đã mai một, vì vậy, công cuộc tìm tòi, nghiên cứu về chủ đề này đến nay vẫn chưa dừng lại. Nhiều năm qua, các cấp, các ngành, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đã dày công tổ chức thực hiện nhiều cuộc hội thảo khoa học, công trình nghiên cứu quan trọng về Ni giới Việt Nam. Các vấn đề nghiên cứu vẫn đang tiếp tục mở ra với nhiều luận giải khoa học từ nhiều hệ quy chiếu khác nhau, để có cái nhìn toàn diện, bao quát và cụ thể hơn nữa về giai đoạn lịch sử quan trọng này. Trên cơ sở thành quả nghiên cứu của sử học Việt Nam, kết hợp với những thành tựu nghiên cứu của các nhà sử học trên thế giới, cuộc hội thảo này sẽ tập trung làm nổi bật những đóng góp của Sư bà Phương Dung trong tiến trình lịch sử Ni giới Việt Nam, trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, làm cơ sở để chúng ta tiếp tục kế thừa, bảo vệ, phát huy những giá trị di sản lịch sử văn hóa của thời kỳ lịch sử Hai Bà Trưng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước giai đoạn mở cửa hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

Hội thảo là cơ hội để có thêm những tài liệu khoa học cần thiết phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc, làm giàu có thêm vốn văn hóa, đồng thời đây cũng là dịp để tuyên truyền, giáo dục về truyền thống văn hóa dân tộc, về quê hương, từ đó bồi dưỡng thêm tình yêu, niềm tự hào, ý thức trách nhiệm với quê hương đất nước cho thế hệ trẻ, thể hiện lòng thành kính, tri ân các bậc tiên đế, tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong cội nguồn văn hóa Việt Nam.

Nguyễn Văn Nam