Nhìn lại chặng đường 67 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành của Ban Tôn giáo Chính phủ và ngành Quản lý nhà nước về tôn giáo
Ngày đăng: 02/08/2022Ban Tôn giáo Chính phủ đến nay đã trải qua 67 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển. Thời gian tuy chưa thật dài so với lịch sử cách mạng của đất nước, nhưng bằng sự phấn đấu liên tục, bền bỉ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, Ban Tôn giáo Chính phủ và ngành Quản lý nhà nước về tôn giáo đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ quản lí nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Cách đây 67 năm, ngày 02/8/1955, Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kí ban hành Nghị định số 566/TTg thành lập Ban Tôn giáo, một đơn vị trong Ban Nội chính Chính phủ và trực thuộc Thủ tướng phủ, tiền thân của Ban Tôn giáo Chính phủ ngày nay, đồng thời thiết lập hệ thống Ban Tôn giáo trực thuộc các Ủy ban Hành chính khu, Ủy ban Hành chính tỉnh, cũng là tiền thân của hệ thống ngành Quản lý nhà nước về tôn giáo sau này. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu sự ra đời của Ban Tôn giáo Chính phủ và để phát huy vai trò, truyền thống của ngành Quản lý nhà nước về tôn giáo đồng thời, động viên các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Ngành, ngày 27/5/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 445/QĐ-TTg về việc hàng năm lấy ngày 02 tháng 8 là “Ngày truyền thống của ngành Quản lý nhà nước về tôn giáo”. Quyết định này của Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định vị trí quan trọng của ngành Quản lý nhà nước về tôn giáo trong hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước.
Trải qua 67 năm xây dựng và trưởng thành, được sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, sự chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Nội vụ, cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của nhiều thế hệ cán bộ làm công tác tôn giáo qua các giai đoạn cách mạng, Ban Tôn giáo Chính phủ và ngành Quản lý nhà nước về tôn giáo đã không ngừng phấn đấu, vượt qua rất nhiều khó khăn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban/Phòng Tôn giáo, Ban Dân tộc - Tôn giáo, Ban Tôn giáo - Dân tộc các địa phương đã thực sự là cầu nối giữa Nhà nước với các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành thuộc các tổ chức tôn giáo.
1. Những thành tựu nổi bật của ngành Quản lý nhà nước về tôn giáo trong chặng đường 67 năm xây dựng và trưởng thành
Ngay từ ngày mới được thành lập, Ban Tôn giáo Chính phủ đã phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương tham mưu cho Chính phủ trong việc thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước, thực hiện Sắc lệnh 234/SL-CTN ngày 14/6/1955 của Chủ tịch nước, bảo đảm quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường của đồng bào có đạo, tạo được sự ổn định, đoàn kết trong Nhân dân không phân biệt lương giáo, động viên đồng bào các tôn giáo hăng hái tham gia lao động sản xuất và đóng góp sức người, sức của cho công cuộc xây dựng hậu phương ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa và chi viện cho tiền tuyến, hàng nghìn thanh niên là tín đồ tôn giáo đã lên đường nhập ngũ. Ở miền Nam, nhiều tổ chức tôn giáo được thành lập với đường hướng, phương châm hành đạo tiến bộ, yêu nước, công tác tôn giáo đã động viên chức sắc, tín đồ các tổ chức tôn giáo tham gia cuộc đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, đấu tranh chống Mỹ - Diệm đàn áp tôn giáo, đòi độc lập và các quyền dân sinh, dân chủ, góp phần vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, đồng bào các tôn giáo đã tích cực đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhiều chức sắc, tín đồ các tôn giáo đã hi sinh một phần máu xương và sinh mạng của mình cho Tổ quốc, nhiều gia đình là tín đồ các tôn giáo là gia đình có công với cách mạng, nhiều bà mẹ là tín đồ các tôn giáo được Nhà nước phong tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước thống nhất, cả nước bước vào thời kì xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Ban Tôn giáo của Chính phủ đã phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương, tham mưu cho Đảng, Chính phủ từng bước hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với lĩnh vực tôn giáo, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 297/NQ-CP ngày 11/11/1977 Về một số chính sách đối với tôn giáo. Ban Tôn giáo của Chính phủ đã tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước và làm đầu mối hướng dẫn một số tổ chức tôn giáo đi tới thống nhất về tổ chức, xây dựng hiến chương, đường hướng hành đạo theo phương châm “tốt đời, đẹp đạo” gắn bó với dân tộc và đấu tranh có hiệu quả âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo để hoạt động chống phá sự nghiệp thống nhất đất nước. Đây là tiền đề quan trọng để đồng bào các tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, trước khi bước vào công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.
Trong thời kì thực hiện công cuộc đổi mới từ những năm 1990 đến nay, Ban Tôn giáo Chính phủ và ngành Quản lý nhà nước về tôn giáo đã có những đóng góp quan trọng, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành các nghị quyết về công tác tôn giáo, như: Nghị quyết số 25/NQ-TW ngày 12/3/2003 “về công tác tôn giáo”, các chủ trương, chính sách đối với công tác tôn giáo cụ thể như công tác đối với đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tin Lành, Công giáo, chủ trương xử lí hoạt động của các nhóm, tổ chức tôn giáo cực đoan, giải quyết vấn đề nhà đất liên quan đến tôn giáo… Thời kì này, 35 tổ chức tôn giáo và 01 pháp môn tu hành được Nhà nước công nhận và cho phép hoạt động, trong đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Ban Tôn giáo Chính phủ ra quyết định công nhận và cấp đăng kí hoạt động 24 tổ chức tôn giáo; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định công nhận cho 12 tổ chức tôn giáo.
Ban Tôn giáo Chính phủ đã làm đầu mối phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản pháp luật về lĩnh vực quản lí các hoạt động tôn giáo như: Nghị định số 69/HĐBT ngày 21/3/1991 của Hội đồng Bộ trưởng Qui định về các hoạt động tôn giáo; Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004, Nghị định số 22/2005/NĐ-CP Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 08/11/2012 Qui định chi tiết và một số biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo…
Đặc biệt, trong những năm gần đây, Ban Tôn giáo Chính phủ đã luôn chủ động tham tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; tham mưu bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo theo hướng thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo, tạo cơ sở pháp lí thuận lợi bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc và đồng bào tôn giáo thực hiện nghiêm các qui định của pháp luật; phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; khuyến khích các hoạt động tôn giáo gắn bó với dân tộc; kịp thời chấn chỉnh các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo vi phạm pháp luật; chỉ đạo xử lí, giải quyết nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo đã giải quyết dứt điểm ngay tại cơ sở, không để bùng phát thành “điểm nóng”. Qua đó góp phần ổn định tình hình tín ngưỡng, tôn giáo trong cả nước, tạo được sự đồng thuận trong chức sắc và đồng bào tôn giáo. Đặc biệt, trong công tác quản lí nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đã tạo được mối quan hệ gắn bó giữa tổ chức tôn giáo với chính quyền, tăng cường đối thoại, chia sẻ; tác động các tổ chức tôn giáo xây dựng và duy trì đường hướng hành đạo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc như: Công giáo với đường hướng “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”; Phật giáo với đường hướng “Đạo pháp - Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”; đạo Tin Lành với đường hướng “Sống Phúc âm, Phụng sự Thiên chúa, Phục vụ Tổ quốc và Dân tộc”; đạo Cao Đài với đường hướng “Nước vinh, Đạo sáng”; Phật giáo Hòa Hảo với đường hướng “Vì Đạo pháp, vì Dân tộc”; Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam với đường hướng “Tu học, hành thiện, ích nước, lợi dân”; Hồi giáo với đường hướng “Lẽ sống tốt đạo, đẹp đời”; Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa với đường hướng “Hành Tứ Ân - Sống Hiếu nghĩa - Vì đại đoàn kết dân tộc”…
Chủ động tham mưu với Thủ tướng Chính phủ gặp mặt, biểu dương chức sắc, chức việc tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vào các năm 2015, 2016 và 2019; giải quyết và thực hiện quản lí theo pháp luật đối với hàng trăm đại hội nhiệm kì, hoạt động tôn giáo cấp toàn đạo của 41 tổ chức tôn giáo, trong đó có những hoạt động qui mô lớn như Phật giáo tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc, Công giáo tổ chức Tổng hội Dòng Đa Minh thế giới… Tổ chức hàng trăm hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và nghiệp vụ công tác tôn giáo cho hàng chục nghìn lượt cán bộ, chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo. Đặc biệt, trong thời gian diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Ban Tôn giáo Chính phủ đã ban hành hàng chục văn bản gửi Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) các tỉnh, thành phố và 41 tổ chức tôn giáo về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Các tổ chức tôn giáo tạm dừng đại hội nhiệm kì, hoạt động quốc tế, sinh hoạt tôn giáo online, đồng thời đã có những đóng góp to lớn bằng cả vật chất, tinh thần và nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Có thể khẳng định, trong hành trình 67 năm xây dựng và phát triển, quá trình tham mưu thực hiện công tác quản lí nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đã đạt được những kết quả to lớn, đặc biệt là tạo nên sự đột phá trong nhận thức của cán bộ, đảng viên đối với tín ngưỡng, tôn giáo trong thời kì mới, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo, củng cố niềm tin của đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân được tôn trọng, bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn; các tổ chức tôn giáo được tạo điều kiện thuận lợi hoạt động theo hiến chương, điều lệ; đời sống tôn giáo ổn định, nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của Nhân dân ngày càng được đáp ứng đầy đủ hơn. Hoạt động của các tổ chức tôn giáo trong mối quan hệ với Nhà nước cũng theo chiều hướng tích cực thể hiện ở phương châm hành đạo, gắn bó, đồng hành với dân tộc. Hoạt động y tế, giáo dục, từ thiện nhân đạo của các tổ chức tôn giáo diễn ra sôi động, tích cực trong vấn đề an sinh xã hội, góp phần giảm gánh nặng xã hội đối với Nhà nước; đồng thời, khẳng định những giá trị tích cực của tôn giáo trong đời sống xã hội.
2. Một số vấn đề đặt ra đối với công tác quản lí nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay
Một là, tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo theo hướng thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo và đảm bảo sự đồng bộ giữa các luật có liên quan tạo hành lang pháp lí thuận lợi cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo
Bổ sung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trong giai đoạn hiện nay đảm bảo phù hợp với tình hình tôn giáo ở Việt Nam và tương thích với luật pháp quốc tế về quyền con người và quyền tự do tôn giáo. Tiếp tục nghiên cứu và thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) Về công tác tôn giáo trong tình hình mới và văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tập trung tham mưu hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Chủ động tham mưu rà soát, sửa đổi, bổ sung một số qui định trong các luật chuyên ngành liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, như: Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Giáo dục, Luật Khám chữa bệnh… tạo cơ sở pháp lí để thúc đẩy các tổ chức tôn giáo có thế mạnh, tiềm năng tham gia, tổ chức các hoạt động xã hội, đóng góp nguồn lực trong xây dựng và phát triển đất nước.
Hai là, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, đặc biệt ở những địa bàn trọng điểm về tôn giáo, dân tộc
Hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo hoạt động theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ động giải quyết nhu cầu hoạt động tôn giáo chính đáng của quần chúng tín đồ; kịp thời nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của các tổ chức tôn giáo, quần chúng tôn giáo và có phương hướng giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh; chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo.
Quan tâm phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, chú trọng tới vùng đông tôn giáo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp, huy động các nguồn lực của tôn giáo cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Ba là, đổi mới và tăng cường công tác đối ngoại tôn giáo, thúc đẩy hoạt động hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới về vấn đề tôn giáo
Đẩy mạnh công tác đối ngoại về tôn giáo, chủ động tham gia các diễn đàn tôn giáo quốc tế và khu vực. Thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế, các cuộc đối thoại song phương và đa phương, nhất là với Mỹ và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), các diễn đàn quốc tế, ngoại giao nhân dân chủ động thông tin, tuyên truyền về tình hình, chính sách tôn giáo, thành tựu đạt được trong lĩnh vực tôn giáo để cộng đồng quốc tế hiểu và ủng hộ Việt Nam trong các hoạt động đối ngoại; đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với tình hình tôn giáo và công tác tôn giáo của Nhà nước Việt Nam; chuẩn bị nội dung, lập luận tham gia các vòng đối thoại nhân quyền song phương và đa phương.
Chủ động và hướng dẫn các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam mở rộng hợp tác quốc tế trong hoạt động tôn giáo, hoạt động xã hội theo đúng qui định của pháp luật, phù hợp với chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; đảm bảo bản sắc văn hóa dân tộc và chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.
Bốn là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, củng cố tổ chức bộ máy cán bộ làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo
Cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở tại vùng có đông tín đồ tôn giáo. Phát huy vai trò của các đoàn thể nhân dân, thu hút, tập hợp chức sắc, tín đồ tôn giáo tham gia sinh hoạt trong các đoàn thể chính trị - xã hội. Quan tâm củng cố tổ chức bộ máy làm công tác tôn giáo từ Trung ương tới địa phương đảm bảo đủ mạnh, có tính ổn định cao, được giao đủ thẩm quyền để làm tốt công tác quản lí nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.
Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo, nhất là ở cơ sở tạo nguồn cán bộ gắn với việc nâng cao năng lực, chất lượng trong thực hiện nhiệm vụ; xây dựng chế độ đãi ngộ về vật chất và tinh thần phù hợp đối với cán bộ, công chức làm công tác quản lí nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, nhằm xây dựng đội ngũ có trình độ, có “tư tưởng sự nghiệp” gắn bó và trách nhiệm với ngành.
Năm là, tăng cường cường công tác nghiên cứu khoa học về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tín ngưỡng, tôn giáo trong bối cảnh mới
Trong đó tập trung vào định hướng của Nghị quyết Đại hội XIII về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; quản lí các nghiên cứu khoa học thuộc phạm vi của ngành.
Nghiên cứu, hệ thống hóa chính sách tín ngưỡng, tôn giáo trong lịch sử Việt Nam; nghiên cứu quá trình nhận thức, xây dựng và bổ sung các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; nghiên cứu so sánh chính sách và pháp luật trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam và các nước trên thế giới.
Tổ chức hoạt động phân tích, dự báo xu thế biến động của tín ngưỡng, tôn giáo trong nước, khu vực và trên thế giới, xây dựng các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lí nhà nước đối với tín ngưỡng, tôn giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Lời kết
Nhìn lại lịch sử 67 năm xây dựng, phát triển của Ban Tôn giáo Chính phủ và ngành Quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, có thể tự hào rằng, trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau, dù ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, các thế hệ công chức, viên chức, người lao động của ngành luôn tận tụy phục vụ Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước; nỗ lực phấn đấu, vượt mọi khó khăn, thử thách; đoàn kết một lòng, phát huy tinh thần, phẩm chất, trí tuệ phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Những đóng góp thầm lặng đó đã hun đúc nên truyền thống tốt đẹp của ngành quản lí nhà nước về tôn giáo; luôn được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận và trân trọng. Những thành tích của ngành Quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đã đạt được trong 67 năm qua là rất to lớn, rất đáng tự hào, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.