Kết quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong năm 2020
Ngày đăng: 02/02/2021
Ngày 25/01/2021, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng, phụ trách Ban Tôn giáo Chính phủ đã có bài trả lời phỏng vấn của Tạp chí Công tác Tôn giáo về “Kết quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong năm 2020”. Trang Thông tin điện tử Ban Tôn giáo Chính phủ trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc toàn văn bài phỏng vấn sau đây:

LTS: Năm 2020, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp; cạnh tranh chiến lược giữa các nước, đối tác lớn trên thế giới và trong khu vực ngày càng gay gắt; xung đột thương mại và rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng. Đặc biệt, từ cuối năm 2019, đại dịch Covid-19 đã xuất hiện và bùng phát trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các lĩnh vực, nhất là hoạt động thương mại, đầu tư... Ở trong nước, đại dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội; biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai gây thiệt hại nặng nề, tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực rất lớn và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực; Việt Nam thành công trong phòng chống, kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao; kinh tế vĩ mô ổn định; các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Trong thành tựu chung về phát triển kinh tế - xã hội và sự ổn định an ninh, trật tự của đất nước có sự đóng góp tích cực của ngành quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và sự chung tay đóng góp của các tổ chức tôn giáo, của chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam, phát huy các giá trị nhân văn, bác ái trong đời sống xã hội.

 Với những kết quả đạt được của ngành quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, Tạp chí Công tác Tôn giáo có cuộc phỏng vấn đồng chí Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo trong năm qua. Tạp chí xin được trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung cuộc phỏng vấn:

* Phóng viên:

Xin Thứ trưởng cho biết tình hình tín ngưỡng, tôn giáo năm 2020? Trong năm 2020, đại dịch Covid - 19 bùng phát và diễn biến phức tạp, gây hoang mang trong nhân dân nói chung và các tổ chức tôn giáo cũng như đồng bào tôn giáo nói riêng. Xin Thứ trưởng cho biết các tổ chức tôn giáo đã thực hiện tinh thần chống dịch như thế nào?

* Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng:

Năm 2020, các hoạt động tôn giáo diễn ra cơ bản ổn định, thuần túy tôn giáo, tuân thủ pháp luật, theo đúng Hiến chương, Điều lệ, tôn chỉ mục đích của tổ chức tôn giáo đề ra và thực hiện theo đúng phương châm hành đạo gắn bó, đồng hành với dân tộc. Quan hệ giữa chính quyền với tôn giáo ngày càng cởi mở, gắn bó hơn; khi đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, gây hoang mang trong nhân dân, Lãnh đạo của 43 tổ chức tôn giáo đã chấp hành nghiêm túc tinh thần các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các cơ quan chức năng về phòng, chống dịch; đã cam kết với Ban Tôn giáo Chính phủ và ban hành văn bản hướng dẫn các tổ chức tôn giáo trực thuộc hoạt động thuần túy, gắn bó với chính quyền, tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, không để lây lan trong cộng đồng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với đất nước, với nhân dân, góp phần mang lại kết quả tích cực trong công tác phòng, chống dịch. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh, nhiều tổ chức tôn giáo đã tạm dừng Đại hội nhiệm kỳ, các hội nghị thường niên và các hoạt động tôn giáo có đông tín đồ tham dự; khuyến cáo tín đồ không tập trung đông người; không mời giáo sĩ nước ngoài vào Việt Nam. Nhiều chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, ủng hộ cho công tác phòng chống dịch Covid-19 và chung tay chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn với số tiền hàng trăm tỉ đồng, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Các hoạt động tín ngưỡng cơ bản ổn định, thực hiện theo hướng dẫn của chính quyền các cấp; các lễ hội tín ngưỡng truyền thống được tổ chức gọn trong khuôn viên cơ sở tín ngưỡng để đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch Covid - 19; các hoạt động mê tín dị đoan, lợi dụng tâm linh để trục lợi, vấn đề đốt vàng mã, cầu an… đã giảm rõ rệt so với cùng thời điểm năm 2019.

Chính quyền các cấp đã quan tâm hướng dẫn, giải quyết nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của Giáo hội, tạo sự đồng thuận trong chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo, yên tâm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Năm 2020, các hoạt động phong chức, phong phẩm, thuyên chuyển, bổ nhiệm, bồi dưỡng chức sắc, chức việc, nhà tu hành thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc thông báo thuyên chuyển địa bàn hoạt động của chức sắc, chức việc được các giáo hội hưởng ứng và thực hiện theo quy định. Việc tổ chức đại hội, hội nghị của tổ chức tôn giáo; xây dựng, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp cơ sở thờ tự tôn giáo… đều được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; một số tổ chức tôn giáo đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ và tiến hành sửa đổi Hiến chương để đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Quan hệ quốc tế của các tôn giáo đã góp phần thúc đẩy ngoại giao nhân dân. Các tổ chức tôn giáo ở trong nước ngày càng có quan hệ chặt chẽ với các tổ chức tôn giáo ở nước ngoài. Quan hệ Việt Nam - Va-ti-căng có tiến triển, hai bên đã thống nhất chủ trương nâng cấp quan hệ từ Đặc phái viên không thường trú lên Đặc phái viên thường trú theo lộ trình chặt chẽ, đảm bảo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và các thông lệ ngoại giao quốc tế.

Hưởng ứng và thực hiện phát động treo cờ Tổ quốc tại các cơ sở tôn giáo của Ban Tôn giáo Chính phủ, các tổ chức tôn giáo đã chủ động, tích cực hướng dẫn cơ sở tôn giáo, tín đồ treo cờ Tổ quốc vào dịp các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị, Tết cổ truyền của dân tộc và sự kiện quan trọng của các tổ chức tôn giáo. Đặc biệt, tại địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 28 giáo xứ, giáo họ Công giáo đã treo cờ Tổ quốc. Qua đó, cho thấy ý thức trách nhiệm của các chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được nâng lên. Thông qua nguồn kinh phí xã hội hoá, Ban Tôn giáo Chính phủ đã trao 7.000 lá cờ Tổ quốc cho các tổ chức tôn giáo, trong đó: Giáo hội Phật giáo Việt Nam 1.000 cờ; Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) 1.000 cờ; các Hội thánh Cao Đài 500 cờ; Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo 500 cờ… Đồng thời, trao 1.000 lá cờ Tổ quốc cho Ban Tôn giáo của 08 tỉnh, thành phố để phát cho các cơ sở tôn giáo.

          * Phóng viên:

Thưa Thứ trưởng, trong năm 2020, công tác tham mưu xây dựng chính sách, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện như thế nào?

* Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng:

Trong năm qua Ban Tôn giáo Chính phủ chủ động tham mưu, đề xuất Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ các chủ trương công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; kịp thời đề xuất xử lý đối với tình hình phức tạp về tín ngưỡng, tôn giáo mới phát sinh, trong đó có một số nội dung công tác lớn như: Tham mưu xây dựng “Báo cáo đánh giá việc thực hiện chính sách tín ngưỡng, tôn giáo giai đoạn 2011 - 2020 và đề xuất mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2030, kế hoạch 05 năm 2021 - 2025” phục vụ xây dựng báo cáo của Tiểu ban Kinh tế - xã hội tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tham mưu bổ sung những điểm mới về tín ngưỡng, tôn giáo cho Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; báo cáo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về kết quả giám sát việc triển khai và tổ chức thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; báo cáo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về kết quả thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP,

 Xây dựng, trình Lãnh đạo Bộ Nội vụ 72 báo cáo về tình hình, kết quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; đề xuất triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo như: Kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo; tổng kết việc thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2011-2020; tham mưu lãnh đạo Bộ triển khai kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo năm 2020; ban hành kế hoạch sơ kết 3 năm thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo,…

Ngành quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo các địa phương đã bám sát chỉ đạo của cấp trên, chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo cấp ủy, chính quyền và các sở, ban, ngành liên quan kịp thời xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản về công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo tại địa phương, không để xảy ra các “điểm nóng” phức tạp về an ninh, trật tự các tôn giáo tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương; đấu tranh, phản bác một số hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo lệch lạc, trái với thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa của dân tộc.

* Phóng viên:

Việc thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo được triển khai như thế nào, thưa Thứ trưởng?

* Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng:

Trong năm 2020, công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo được đổi mới, đẩy mạnh thông qua trang thông tin điện tử của Ban Tôn giáo Chính phủ và qua các bài viết đăng tải trên Tạp chí Công tác tôn giáo; phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng các phóng sự, các chương trình tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tín ngưỡng, tôn giáo; vai trò của các tổ chức tôn giáo tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Công tác tuyên truyền còn được lồng ghép trong hoạt động thông tin với bạn bè quốc tế và chính khách nước ngoài đến thăm, tìm hiểu về tình hình tôn giáo ở Việt Nam; qua đó khẳng định chủ trương, chính sách về tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta; kịp thời định hướng dư luận xã hội về tình hình và công tác tôn giáo; đồng thời, đấu tranh, phản bác lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch và các đối tượng xấu.

Ban Tôn giáo Chính phủ đã kiện toàn Ban Chỉ đạo triển khai Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; triển khai thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ Nội vụ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong quản lý nhà nước về tín ngưỡng; xây dựng quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; đã tổ chức in ấn các tài liệu hỏi đáp pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; tài liệu văn bản pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; tổ chức được 11 hội nghị cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành với 2.977 lượt người tham dự; 04 hội nghị cho cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo với 625 người tham dự; cấp phát 5.342 bộ tài liệu tuyên truyền pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho đại biểu tham dự hội nghị. Ban Tôn giáo Chính phủ đã xây dựng 02 bộ tài liệu môn học Lịch sử Việt Nam và Pháp luật Việt Nam để triển khai giảng dạy trong các cơ sở đào tạo tôn giáo.

Ngành quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo các tỉnh, thành phố đã chủ động tham mưu Sở Nội vụ ban hành Chương trình công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo năm 2020; đề xuất Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch kiểm tra tình hình thi hành pháp luật, thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chứa đựng quy phạm pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo năm 2020 tại địa phương; kế hoạch kiểm tra công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo tại địa phương; tổ chức 277 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cho 77.004 cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo; tổ chức 809 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho 162.571 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo (trong đó, có 189 lớp cho 20.500 chức sắc; 620 lớp cho 142.071 tín đồ).

*Phóng viên:

Thưa Thứ trưởng, việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trong năm qua được thực hiện như thế nào?

* Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng:

Ban Tôn giáo Chính phủ và ngành quản lý nhà nước về tôn giáo đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đã chủ động thiết lập kênh liên lạc online với lãnh đạo các tổ chức tôn giáo để trao đổi và hướng dẫn các tổ chức tôn giáo tổ chức hội nghị thường niên, đại hội và các sinh hoạt, hoạt động tôn giáo theo đúng Hiến chương, điều lệ và quy định của pháp luật; chủ động hướng dẫn, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo các tỉnh, thành phố và các tổ chức tôn giáo triển khai thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; tập trung giải quyết các kiến nghị, nhu cầu chính đáng của tổ chức, cá nhân tôn giáo, đặc biệt là trong vấn đề về đất đai, xây dựng... theo phân cấp ngành quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ có Quyết định ban hành Chương trình, xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện giảng dạy 02 môn học Lịch sử Việt Nam và Pháp luật Việt Nam trong các cơ sở đào tạo tôn giáo.

Lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ đã trực tiếp làm việc với Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam và lãnh đạo Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; chỉ đạo các vụ chuyên môn làm việc với lãnh đạo các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc yêu cầu triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Lãnh đạo Giáo hội Công giáo và các tổ chức, hệ phái Tin lành bày tỏ “lễ Phục sinh năm 2020 là lễ Phục sinh đáng nhớ nhất của đồng bào giáo dân”. Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) các tỉnh, thành phố đã tham mưu cho UBND tỉnh và Sở Nội vụ ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các tổ chức tôn giáo trực thuộc, chức sắc, tín đồ các tôn giáo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đạt kết quả tích cực, không để lây lan ra cộng đồng.

 Ngành quản lý nhà nước về tôn giáo đã tăng cường nắm tình hình, chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm giải quyết, xử lý các kiến nghị, nhu cầu chính đáng của các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, xử lý các vi phạm trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để ổn định tình hình tín ngưỡng, tôn giáo tại địa phương; chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát, vận động, hướng dẫn các cơ sở tôn giáo cung cấp hồ sơ, tài liệu để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo; xem xét cấp đăng ký hoạt động tôn giáo, hướng dẫn các tổ chức tôn giáo xây dựng Hiến chương, Điều lệ và thực hiện các thủ tục thông báo danh mục hoạt động tôn giáo; hướng dẫn thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc; đăng ký chương trình hoạt động hàng năm của các cơ sở tín ngưỡng; thẩm định hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các cơ sở thờ tự tôn giáo, qua đó, đã tạo được sự tin tưởng của chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương...

Công tác vận động, chức sắc, chức việc và người có uy tín trong các tôn giáo. Công tác vận động, chức sắc, chức việc và người có uy tín trong các tôn giáo có vai trò đặc biệt quan trọng và luôn được ngành quản lý nhà nước về tôn giáo quan tâm, thực hiện. Trong năm 2020, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp cũng là thời điểm diễn ra nhiều lễ trọng của các tôn giáo như: lễ Phật đản của Phật giáo và Tịnh độ Cư sĩ Phật hội; lễ Phục sinh của cộng đồng Công giáo, Tin lành; Tết Chôl Chnăm Thmây của người Khơ-me; Tháng lễ Ramadan của cộng đồng Hồi giáo Islam và Ramưwan của cộng đồng Hồi giáo Bà ni... Do thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, Ban Tôn giáo Chính phủ đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ có thư chúc mừng chức sắc tôn giáo; Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ có thư chúc mừng chức sắc Công giáo và Tin lành nhân dịp lễ Phục sinh, chúc mừng chức sắc Phật giáo nhân dịp lễ Phật đản; cấp ủy, chính quyền các cấp cũng đã có những hình thức chúc mừng phù hợp, qua đó thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với các tôn giáo. Đồng thời, đã hướng dẫn, hỗ trợ cho chức sắc các tôn giáo tổ chức các lễ trọng theo hình thức trực tuyến, vừa đảm bảo nghi thức tôn giáo, vừa đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 và bà con giáo dân vẫn được bày tỏ đức tin, niềm tin tôn giáo của mình; qua đó, đã góp phần củng cố niềm tin của chức sắc, tín đồ các tôn giáo đối với Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp. Thứ trưởng Bộ Nội vụ và lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ đã phối hợp với Ban Dân vận Trung ương gặp gỡ, trao đổi với đại biểu Quốc hội khoá XIV là chức sắc tôn giáo để thông tin về tình hình, kết quả thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ; đề nghị chức sắc tôn giáo là đại biểu Quốc hội tiếp tục nêu cao vai trò, tích cực vận động chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo chấp hành pháp luật, gắn bó, đồng hành với chính quyền trong xây dựng và phát triển đất nước.

Ngành Quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo chủ động tham mưu, xử lý một số sai phạm của các cá nhân, tổ chức tôn giáo theo Hiến chương và giáo luật; trực tiếp làm việc với chức sắc đứng đầu giáo hội, vận động, thuyết phục xử lý các hoạt động vi phạm của số linh mục tại giáo phận Hà Tĩnh không tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Tòa Giám mục Hà Tĩnh, vẫn tổ chức các hoạt động tập trung đông người tại cơ sở thờ tự, không chấp hành quy định về phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng vừa đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tôn trọng đức tin tôn giáo và thực hiện theo đúng Hiến chương, quy chế hành đạo của tổ chức tôn giáo. Do đó, quan hệ giữa chính quyền với giáo hội ngày càng sâu sắc, cởi mở hơn trên tinh thần đối thoại và hợp tác, tạo niềm tin cho tín đồ hiểu, đồng thuận, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.

Cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo các cấp đã thiết lập kênh liên lạc trực tiếp, trực tuyến với lãnh đạo giáo hội các tôn giáo để trao đổi, và cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh, đề nghị Giáo hội các tôn giáo thực hiện giãn cách xã hội, trong từng thời điểm nhất định dừng triệt để hoặc hạn chế các hoạt động tôn giáo để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, an toàn, sức khoẻ cho cộng đồng theo các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và khuyến cáo của Bộ Y tế, hướng dẫn của Ban Tôn giáo Chính phủ và quy định của UBND các cấp; vận động tín đồ tôn giáo nêu cao tinh thần yêu nước, không nghe theo luận điệu tuyên truyền, kích động của số đối tượng chống đối và tích cực tham gia hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn dân tham gia ủng hộ vật chất, kinh phí phòng, chống dịch Covid-19” của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Các tổ chức tôn giáo ngày càng thực hiện theo phương châm hành đạo “gắn bó đồng hành cùng dân tộc”, tích cực chung tay chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; tích cực vận động chức sắc, tín đồ tham gia ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi bão lụt; tổ chức nhiều đoàn cứu trợ tới các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi… để cứu trợ cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lụt, sạt lở đất. Qua đó, góp phần làm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Công tác phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo

Công tác phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan. Ban Tôn giáo Chính phủ chủ động trao đổi thông tin với các bộ, ban ngành ở Trung ương như Ban Dân vận Trung ương; Ban Nội chính Trung ương; Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cua Quốc hội; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại các nước có liên quan (Bộ Ngoại giao); Cục An ninh nội địa, Cục An ninh đối ngoại (Bộ Công an); Bộ Tư lệnh Biên phòng, Tổng cục II, Cục Dân quân Tự vệ (Bộ Quốc phòng) và các địa phương liên quan để thống nhất tổ chức triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về công tác tôn giáo. Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ban Tôn giáo Chính phủ đã phối hợp với Bộ Y tế làm việc với Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch tới Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các địa phương; làm việc với Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong Công giáo; chủ động hướng dẫn các tỉnh, thành phố triển khai các mặt công tác đối với hoạt động của các hiện tượng tôn giáo mới, “tà đạo”, “đạo lạ”… Đáng chú ý, ngày 27/11/2020, Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) và Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) ký kết “Chương trình phối hợp công tác về tôn giáo, tín ngưỡng đối với người Việt Nam ở nước ngoài”.

Ban Tôn giáo Chính phủ đã chủ động phối hợp với các bộ, ban ngành và Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo các tỉnh, thành phố liên quan để thống nhất đánh giá tình hình và tham mưu, đề xuất Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan kịp thời giải quyết các vụ việc phức tạp về tranh chấp, khiếu kiện đất đai liên quan đến tôn giáo ngay tại cơ sở, không để thế lực xấu lợi dụng kích động gây phức tạp; thống nhất biện pháp giải quyết các điểm nóng phức tạp về tôn giáo và các vụ việc phức tạp về đất đai liên quan tôn giáo đạt kết quả tích cực, góp phần ổn định tình hình tôn giáo trong cả nước…

Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo các tỉnh, thành phố đã tăng cường nắm tình hình, phát hiện và phối hợp với các ban, ngành liên quan ở địa phương xử lý kịp thời các hoạt động vi phạm về mua, bán, chuyển nhượng đất đai trái pháp luật; việc thuyên chuyển, bổ nhiệm, phong chức, phong phẩm và các hoạt động đào tạo chức sắc tôn giáo không đúng quy định pháp luật; hoạt động của các hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới “đạo lạ”, “tà đạo”, hoạt động trái thuần phong mỹ tục ảnh hưởng đời sống xã hội và các hoạt động tôn giáo trái pháp luật, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp giải quyết, hạn chế điểm nóng, ổn định sinh hoạt tôn giáo ở địa phương. Cho đến nay, Ban (Phòng) Tôn giáo các tỉnh, thành phố đều đã tham mưu với Sở Nội vụ trình UBND tỉnh, thành phố ban hành Quy chế phối hợp giữa Sở Nội vụ với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh.

*Phóng viên:

Thưa Thứ trưởng, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác đối ngoại tôn giáo và đấu tranh nhân quyền đã được thực hiện như thế nào?

*Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng:

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động đối ngoại tôn giáo được duy trì theo hình thức trực tuyến. Vòng đối thoại nhân quyền Việt Nam - Mỹ lần thứ 24 được tổ chức theo hình thức trực tuyến; ta đã chủ động cung cấp thông tin về tình hình triển khai Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; tình hình hoạt động, sinh hoạt tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số; việc thực hiện quyền tiếp cận kinh thánh của phạm nhân và đề nghị phía Hoa Kỳ cần khách quan khi đánh giá về tình hình tôn giáo Việt Nam. Đáng chú ý, Đại sứ lưu động về tự do tôn giáo quốc tế Mỹ Sam Brown Back đánh giá đây là cuộc đối thoại nhân quyền thành công nhất từ trước đến nay, nội dung về tôn giáo không còn chung chung như các phiên đối thoại trước; hai bên đã cởi mở, thẳng thắng chia sẻ thông tin, tình hình về các vụ việc được nêu ra trên tinh thần xây dựng, hiểu biết lẫn nhau.

Ban Tôn giáo Chính phủ phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an triển khai các mặt công tác đối ngoại với việc Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF) kiến nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC; trả lời công hàm của Đại sứ quán Mỹ đề nghị Việt Nam thực hiện 05 điểm nhằm tránh khả năng bị đưa vào danh sách SWL; xây dựng lập luận về tự do tín ngưỡng, tôn giáo phục vụ công tác tuyên truyền đối ngoại. Đồng thời, chủ động duy trì quan hệ đối thoại với Tòa thánh Va-ti-căng  và Đặc phái viên không thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam để ổn định tình hình Công giáo Việt Nam; tiếp và làm việc với Hồng y Peter Tuckson - Bộ trưởng Bộ Phát triển và nhân bản toàn diện của Toà thánh Va-ti-căng về tình hình Công giáo tại Việt Nam; trực tiếp làm việc với Đại sứ Mỹ, Đại sứ - Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam để cung cấp tình hình, kết quả thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam; thường xuyên duy trì quan hệ đối thoại với một số tổ chức ở Mỹ và phương Tây để cung cấp các thông tin chính thống, phục vụ đấu tranh nhân quyền với các thế lực thù địch vu cáo Việt Nam về vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo.

Trong năm 2020, Ban Tôn giáo Chính phủ đã có văn bản gửi các tổ chức tôn giáo đề nghị không cử chức sắc ra nước ngoài hoạt động tôn giáo; không đón tiếp chức sắc người nước ngoài đến từ các vùng dịch, đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nên các tổ chức tôn giáo đã tạm dừng cử các đoàn đi hoạt động tôn giáo ở nước ngoài và hạn chế, không đón tiếp các đoàn tôn giáo nước ngoài vào Việt Nam hoạt động. Ban Tôn giáo Chính phủ đã chấp thuận cho 18 đoàn (25 người) nhập cảnh vào Việt Nam (giảm 55% so với năm 2019), có ý kiến về việc gia hạn visa cho 08 trường hợp và chấp thuận cho 02 đoàn xuất cảnh hoạt động tôn giáo (giảm 80% so với năm 2019); đã tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về công tác tôn giáo giữa Việt Nam và Campuchia tại An Giang; đón đoàn Bộ Lễ nghi và Tôn giáo Cam-pu-chia vào Việt Nam. Ngành quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo các tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ban, ngành đoàn thể trong tỉnh tăng cường quản lý nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là các tỉnh có biên giới tiếp giáp với Lào, Cam-pu-chia, Trung Quốc.

* Phóng viên:

Thưa Thứ trưởng, năm 2020, Ngành quản lý nhà nước đã đạt được nhiều kết quả nổi bật đóng góp vào sự ổn định chung của đất nước. Năm 2021, Ngành quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cần tập trung các nhiệm vụ gì?

* Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng:

Năm 2020, Ngành quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đã bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đoàn kết, thống nhất, kỷ cương, kỷ luật hành chính được thực hiện nghiêm túc, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao; đã tham mưu với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Nội vụ nhiều chủ trương công tác lớn trong quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; nhiều vụ việc phức tạp về đất đai liên quan đến tôn giáo tồn đọng, kéo dài nhiều năm đã được giải quyết ổn định, góp phần ổn định tình hình tín ngưỡng, tôn giáo trong cả nước. Công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm nhiều thủ tục; hướng dẫn các tôn giáo sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, giảm thiểu đi lại, tiết kiệm thời gian, chi phí tạo sự hài lòng của các tổ chức, cá nhân tôn giáo. Chính quyền các cấp quan tâm hướng dẫn, giúp đỡ các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật; từng bước củng cố tổ chức bộ máy hành chính đạo của Giáo hội, đảm bảo sinh hoạt tôn giáo ổn định, đúng đường hướng hành đạo, tuân thủ pháp luật, gắn bó với dân tộc. Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo được triển khai theo đúng quy định của pháp luật, kịp thời phát hiện và tham mưu xử lý đúng pháp luật các hoạt động lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước. Công tác đối ngoại tôn giáo và đấu tranh nhân quyền tiếp tục được duy trì và phát huy; ta chủ động cung cấp thông tin và phản bác luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch, tranh thủ sự ủng hộ của bên ngoài để xây dựng đất nước, đóng góp tích cực vào đường lối đối ngoại rộng mở của Đảng, Nhà nước ta.

Phát huy những thành tựu công tác đã đạt được trong năm qua, thực hiện các nhiệm vụ công tác thường xuyên, làm tốt công tác ổn định tình hình tôn giáo, năm 2021 công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cần tập trung làm tốt một số công việc lớn sau đây:

 Nghiên cứu để triển khai các nội dung của Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện có hiệu quả các quan điểm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Tổ chức thực hiện hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ về các nhiệm vụ trong tâm đã được phê duyệt năm 2021; triển khai thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Thủ tướng gặp mặt, biểu dương chức sắc tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (tổ chức tại Đà Nẵng ngày 09/8/2019); chủ động nắm, phân tích, dự báo chính xác tình hình tín ngưỡng, tôn giáo để có biện pháp quản lý hiệu quả, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vấn đề phức tạp liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.

 

Tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoàn thiện các chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo nhằm phát huy nguồn lực của các tôn giáo đóng góp cho xã hội về y tế, dạy nghề, bảo trợ xã hội. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân và chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo. Sơ kết 03 năm thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ; đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản pháp luật khác có liên quan tạo sự đồng bộ trong triển khai thực hiện; tham mưu Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư quy định về công tác thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Nghiên cứu, đề xuất Chính phủ xem xét, cân nhắc về việc ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tôn giáo.

 Đẩy mạnh công tác đối ngoại về tôn giáo, chủ động tham gia các diễn đàn về tôn giáo quốc tế và khu vực; chủ động thông tin về tình hình tôn giáo tại Việt Nam để cộng đồng quốc tế hiểu và ủng hộ Việt Nam trong các hoạt động đối ngoại. Duy trì các hoạt động đối ngoại với Lào, Cam-pu-chia; mở rộng và thúc đẩy hợp tác với các nước như: Thái Lan, Myanmar, Indonesia, Cuba, Chile. Tiếp tục hỗ trợ hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; giúp đỡ, hướng dẫn các tổ chức tôn giáo thực hiện các hoạt động quan hệ quốc tế theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan chủ động triển khai công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại tôn giáo; xây dựng lập luận phản bác các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc và các hoạt động chống phá Việt Nam về lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo.  

 Tham mưu với Đảng, Chính phủ và Bộ Nội vụ kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo các cấp theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, đáp ứng tốt yêu cầu của thực tiễn, nhất là tổ chức bộ máy làm công tác tôn giáo tại các địa phương. Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính và việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong các tổ chức tôn giáo, giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo trên cổng dịch vụ công trực tuyến Quốc gia đáp ứng xu thế hiện đại hóa hiện nay.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đổi mới phương thức, lề lối làm việc; thực hiện nghiêm quy chế làm việc của cơ quan; tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cho cán bộ làm công tác tôn giáo.

*Phóng viên:

Năm 2020 sắp qua đi, năm mới 2021 đang đến gần, Thứ trưởng có chia sẻ, nhắn gửi gì đến đội ngũ công chức, viên chức làm công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và các chức sắc, chức việc, đồng bào tôn giáo trong cả nước?

*Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng:

Nhân dịp năm mới 2021 và đón Tết cổ truyền Tân Sửu, tôi xin gửi tới toàn thể công chức, viên chức làm công tác tôn giáo và quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong cả nước lời chúc tốt đẹp nhất. Mong rằng, các đồng chí sẽ phát huy được những thành tích, kết quả đã đạt được, khắc phục những mặt còn tồn tại, nắm vững quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo,...không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức của người công chức, viên chức đồng lòng, đồng sức, đoàn kết khắc phục khó khăn, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

Tôi xin gửi tới toàn thể các vị chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo trong cả nước và chức sắc, tín đồ là kiều bào ở nước ngoài lời chúc tốt đẹp nhất. Chúc đồng bào có tín ngưỡng và đồng bào các tôn giáo sức khỏe, an lành, thương yêu, giúp đỡ nhau trong khối đại đoàn kết dân tộc, sống: “Tốt đời, đẹp đạo và luôn đồng hành cùng dân tộc”.

Cảm ơn trong năm qua các cơ quan truyền thông, phóng viên báo chí, hệ thống thông tin tuyên truyền nói chung và Tạp chí Công tác Tôn giáo nói riêng đã nỗ lực cố gắng tuyên truyền công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Năm mới chúc các phóng viên, biên tập viên và toàn thể viên chức, người lao động trong Tạp chí Công tác Tôn giáo sức khỏe để cống hiến nhiều cho sự nghiệp tuyên truyền về công tác tín ngưỡng, tôn giáo.

*Phóng viên:

Xin chân thành cảm ơn Thứ trưởng đã trả lời phỏng vấn, kính chúc Thứ trưởng và gia đình luôn mạnh khỏe và đón một năm mới an lành./.

 

Người thực hiện: Dương Thúy Thịnh