Hội thảo về tôn giáo với công tác chăm sóc người bệnh
Ngày đăng: 15/11/2021
Phó Trưởng ban Nguyễn Tiến Trọng phát biểu tại hội thảo
Chiều 12/11/2021, tại Trụ sở Ban Tôn giáo Chính phủ, Phó Trưởng ban Nguyễn Tiến Trọng chủ trì Hội thảo khoa học “Tôn giáo với công tác chăm sóc người bệnh”.

Hội thảo có sự tham dự của các học giả, nhà quản lý, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực tôn giáo và đại diện một số tổ chức tôn giáo.

Trong những năm qua, các tổ chức tôn giáo đã tích cực tham gia hoạt động khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế cho người bệnh tập trung nhiều ở các tỉnh, thành phố như TP. HCM, Khánh Hòa, Cần Thơ, Lâm Đồng, Tây Ninh, Đồng Nai, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng…

Về tổng thể, hoạt động chăm sóc sức khỏe của các tổ chức tôn giáo đã ngày càng hiệu quả, tuân thủ quy định pháp luật và nội quy, tôn chỉ của tổ chức tôn giáo. Nhiều tổ chức và cá nhân đã nhiệt tình ủng hộ và đóng góp công sức, tài chính cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần, người nghiện ma túy.

Đặc biệt, thời gian qua, việc chăm sóc các bệnh nhân Covid-19 của các tình nguyện viên tôn giáo đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, qua đó góp phần cùng Đảng, Nhà nước chăm lo, nâng cao sức khỏe cho nhân dân và thực hiện tốt an sinh xã hội, đồng thời thể hiện truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, đánh giá, nhận định tình hình, thực trạng, những thuận lợi và khó khăn của các tổ chức tôn giáo tham gia vào công tác chăm sóc người bệnh. Đồng thời, các đại biểu cũng thảo luận các giải pháp, đề xuất các cấp, ngành liên quan tạo điều kiện, tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, pháp lý để các tổ chức tôn giáo có thể tham gia đầy đủ vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân.

PGS.TS Nguyễn Hồng Dương tham luận tại hội thảo

PGS.TS Nguyễn Hồng Dương, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nêu nhận định và đánh giá về ba loại hình chăm sóc người bệnh của Công giáo đang triển khai trên phạm vi cả nước, bao gồm chăm sóc người mắc bệnh phong, khám chữa bệnh đa khoa và chăm sóc người bệnh hiểm nghèo. Trên cơ sở đó, PGS.TS Dương nêu ra những khuyến nghị nhằm phát huy nguồn lực của tôn giáo này trong công tác chăm sóc người bệnh.

PGS.TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo cho rằng, hoạt động chăm sóc người bệnh của các tôn giáo ở Việt Nam là nguồn lực quan trọng, góp phần giảm bớt gánh nặng của Nhà nước, góp phần mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người bệnh và gia đình của họ. Bên cạnh những khía cạnh tích cực, nhân văn của hoạt động này, vẫn còn những tồn tại, bất cập và vấn đề đặt ra đối với công tác quản lý nhà nước, cũng như đối với chính hoạt động chăm sóc sức khỏe người bệnh của các tôn giáo. Qua đó, PGS.TS Chu Văn Tuấn đề xuất 4 giải pháp giúp nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả của hoạt động khám chữa bệnh của các tôn giáo và đề xuất bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm hỗ trợ tích cực cho hoạt động chăm sóc sức khỏe người bệnh của các tôn giáo.

 

PGS.TS Chu Văn Tuấn phát biểu tại hội thảo

Linh mục Đinh Phụng Linh, Cộng đoạn DonBosco Thái Bình chia sẻ về hoạt động chăm sóc trẻ em, người khuyết tật tại Mái ấm DonBosco Cát Đàm tọa lạc tại xã Đông Hòa, TP. Thái Bình và những thuận lợi, khó khăn trong công tác tổ chức, duy trì hoạt động của cơ sở.

Th.S Nguyễn Thị Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Cao Đài, Ban Tôn giáo Chính phủ thông tin về công tác chăm sóc người bệnh của đạo Cao Đài với 93 cơ sở phòng thuốc nam khám chữa bệnh từ thiện, 135 cơ sở bốc thuốc, 02 cơ sở chăm sóc người bệnh tại chỗ.

Bên cạnh đó là nhiều tham luận, phát biểu về hoạt động chăm sóc người bệnh của các tôn giáo: Phật giáo, Tin Lành, Phật giáo Hòa Hảo, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội, Tứ Ân Hiếu Nghĩa…

Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Trưởng ban Nguyễn Tiến Trọng đánh giá, các tổ chức tôn giáo tham gia hoạt động chăm sóc người bệnh thể hiện trách nhiệm, triết lý từ bi, bác ái, truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc, bên cạnh đó là nhu cầu tự thân của các tôn giáo phù hợp với đường hướng và phương châm hành đạo, đồng thời biểu hiện chức năng xã hội mà các tôn giáo đang dấn thân tham gia, chung tay cùng các cấp chính quyền xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đem lại sức khỏe cho nhân dân.

Trên cơ sở những tham luận, trình bày của các học giả, nhà khoa học, nhà nghiên cứu tại hội thảo, Ban Tổ chức sẽ tập hợp, tham mưu, đề xuất Lãnh đạo Ban, Bộ Nội vụ về cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm phát huy giá trị, nguồn lực của các tôn giáo trong đời sống xã hội nói chung, trong công tác chăm sóc người bệnh nói riêng./.

 

Vỹ Thanh