Đoàn công tác Bộ Nội vụ và Ban Tôn giáo Chính phủ thăm, làm việc tại Ba Lan
Ngày đăng: 21/10/2024
Thực hiện chương trình công tác năm 2024, từ ngày 11-15/10/2024, Đoàn công tác Bộ Nội vụ và Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng làm Trưởng đoàn đến thăm và làm việc tại Ba Lan.
Cùng đi có Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Hoài Bắc; các công chức của Bộ Nội vụ và Ban Tôn giáo Chính phủ.
Trong thời gian tại Ba Lan, Đoàn công tác có các buổi làm việc với: Đại Sứ quán Việt Nam tại Ba Lan; cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan; Hội Phật giáo Việt Nam tại Ba Lan và chùa Thiên Phúc; Trung tâm Phật giáo Việt Nam tại Ba Lan và chùa Nhân Hòa; Linh mục Ks. Jarosław Mrówczyński, Phó Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Ba Lan; cộng đồng Công giáo Việt Nam tại Ba Lan.
Tại Đại Sứ quán Việt Nam tại Ba Lan, Đoàn công tác thăm và làm việc với Đại sứ Hà Hoàng Hải. Đại sứ thông tin tới Đoàn về cộng đồng người Việt Nam ở Ba Lan có khoảng 30 nghìn người đang sinh sống, lao động, học tập. Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan có truyền thống đoàn kết, tương trợ và hướng về quê hương đất nước, qua đại dịch COVID-19 và gần đây là việc cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan đã quyên góp ủng hộ gần 02 tỷ đồng gửi tới đồng bào các tỉnh phía Bắc chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3. Về tín ngưỡng, tôn giáo, cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan có 03 tôn giáo là Phật giáo, Công giáo và Tin Lành.
Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng thăm cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan
Tại buổi gặp cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan, Đoàn công tác thăm và làm việc với ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan. Ông Trần Anh Tuấn cho biết cộng đồng người Việt tại Ba Lan hiện có khoảng 30 nghìn người sinh sống và làm ăn chủ yếu ở Vacsava, trung tâm thương mại lớn nhất của người Việt tại đây là trung tâm ASG. Kể từ khi thành lập năm 1989 và được Tòa án khu vực Vacsava ra quyết định ghi vào danh sách các Tổ chức hội đoàn từ năm 1999, Hội người Việt Nam tại Ba Lan đã trở thành một tổ chức xã hội rộng rãi, thu hút được sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo bà con trong cộng đồng người Việt, tập hợp được hội viên trên tinh thần đoàn kết, cùng xây dựng cộng đồng ổn định, phát triển, hội nhập tốt với xã hội sở tại và luôn gắn bó với quê hương đất nước, hướng về cội nguồn.
Đoàn công tác và Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan thăm, làm việc tại chùa Thiên Phúc
Tại chùa Thiên Phúc, Đoàn công tác thăm và làm việc với Thượng tọa Thích Minh Trí ở Hà Nội làm trụ trì; ông Nguyễn Công Phương, Chủ tịch Hội Phật giáo Việt Nam tại Ba Lan; Đại đức Thích Đạo Giới, quản tự cùng một số bà con phật tử tại chùa. Năm 2012, chùa Thiên Phúc được Giáo hội Phật giáo Việt Nam công nhận. Ngày 29/9/2024, chùa Thiên Phúc tổ chức lễ khởi công trên diện tích 15.000m2 tại Thủ đô Vacsava, Ba Lan với sự tham dự của Đoàn tăng, ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm 23 người do Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Phật giáo Việt Nam làm Trưởng đoàn.
Đoàn công tác và Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan thăm chùa Nhân Hòa tại Ba Lan
Tại chùa Nhân Hòa, Đoàn công tác thăm và làm việc với Đại đức Thích Viên Nghiêm, phó trụ trì; ông Bùi Văn Dư, Chủ tịch Trung tâm Phật giáo Việt Nam tại Ba Lan; ông Trần Trọng Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội người Việt Nam tại Ba Lan; ông Nguyễn Lê Hùng, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan; ông Lê Văn Mừng, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan; bà Nguyễn Thị Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan; bà Nguyễn Thị Kim Dung, Chủ tịch Câu Lạc bộ Hà Thành tại Ba Lan cùng một số thành viên đại diện hội, đoàn cộng đồng người người Việt Nam tại Ba Lan. Chùa Nhân Hòa được Tòa án Ba Lan công nhận là chùa của cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan. Năm 2013, chùa Nhân Hòa khởi công xây dựng trên khu đất 8.000m2, chùa có diện tích 500m2 gồm 02 tầng. Chùa Nhân Hòa được xem là trung tâm văn hóa tâm linh của cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan. Ngoài các sinh hoạt tu tập và các sự kiện lễ hội Phật giáo như: lễ Thượng nguyên, Phật đản, Vu lan… thì tất cả sự kiện lớn của dân tộc như: Tết Nguyên đán, Giỗ tổ Hùng Vương, Tết Trung thu… đều tổ chức tại chùa. Năm 2022, cuộc xung đột Nga - Ukraina diễn ra, chùa Nhân Hòa đã đón nhận khoảng 02 nghìn người Việt tại Ukraine sang Ba Lan lánh nạn.
Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng tặng Linh mục Ks. Jarosław Mrówczyński, Phó Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Ba Lan cuốn Sách trắng về Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam
Tại Hội đồng Giám mục Ba Lan, Đoàn công tác thăm và làm việc với Linh mục Ks. Jarosław Mrówczyński, Phó Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Ba Lan.
Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Hoài Bắc và Linh mục Ks. Jarosław Mrówczyński, Phó Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Ba Lan
Linh mục Ks. Jarosław Mrówczyński thông tin Giáo hội Công giáo Ba Lan có khoảng 36 triệu tín đồ/37 triệu dân cư thuộc 44 giáo phận, với 154 giám mục, 33.600 linh mục, 19.000 nữ tu, hơn 02 nghìn tu huynh; khoảng 10.000 giáo xứ và các dòng tu. Hội đồng Giám mục Ba Lan là cơ quan Trung ương của Giáo hội Công giáo tại Ba Lan có 03 hồng y, 24 tổng giám mục và 118 giám mục; đứng đầu là Tổng Giám mục Tadeusz Wojda thuộc Dòng Pallotine, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan, Tổng Giáo phận Gdansk. Ba Lan là một trong những nước châu Âu có số ơn gọi linh mục đông nhất, năm 2023 có 25% số tân linh mục tại châu Âu là người Ba Lan.
Đoàn công tác và Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan thăm cộng đồng Công giáo Việt Nam tại Ba Lan
Tại cộng đồng Công giáo Việt Nam tại Ba Lan, Đoàn công tác thăm và làm việc với Linh mục Nguyễn Huy Thêm, Phụ trách Quản nhiệm cùng một số thành viên Ban Hành giáo. Cộng đồng Công giáo Việt Nam tại Ba Lan có 02 giáo xứ, 06 cộng đoàn, 03 linh mục đã được Tòa Giám mục Vacsava công nhận trực thuộc hoạt động tại Ba Lan.
Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng tặng cộng đồng Công giáo Việt Nam tại Ba Lan cuốn Đặc san Công tác Tôn giáo của Ban Tôn giáo Chính phủ có nội dung Thư Chung của Giáo hoàng Phanxicô gửi Giáo hội Công giáo Việt Nam
Tại các buổi tiếp xúc, làm việc tại Ba Lan, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng trao đổi, thông tin về hoạt động tôn giáo ở Việt Nam, các tôn giáo ở Việt Nam luôn đoàn kết, hòa hợp trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện nhất quán quan điểm tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm bình đẳng giữa các tôn giáo, phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo, coi tôn giáo là nguồn lực để phát triển đất nước. Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan có khoảng 30 nghìn người là nguồn lực to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, trong đó, một bộ phận cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan có tín ngưỡng, tôn giáo cần được quan tâm, hỗ trợ để sinh hoạt tôn giáo được thực hành tín ngưỡng, tôn giáo theo phong tục Việt Nam.
Chuyến thăm và làm việc tại Ba Lan của Đoàn công tác Bộ Nội vụ và Ban Tôn giáo Chính phủ thành công tốt đẹp góp phần tìm hiểu đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan và tăng cường mối quan hệ hợp tác trên lĩnh vực tôn giáo, nội vụ.
Minh Thiện