Đoàn Công tác Ban Tôn giáo Chính phủ làm việc với các cơ sở đào tạo tôn giáo tại An Giang
Ngày đăng: 19/04/2021
Quang cảnh cuộc họp
Đoàn Công tác Ban Tôn giáo Chính phủ do bà Nguyễn Thị Định, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Ban Tôn giáo Chính phủ làm Trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với các cơ sở đào tạo tôn giáo trên địa bàn tỉnh An Giang về việc triển khai giảng dạy 02 môn học Pháp luật Việt Nam và Lịch sử Việt Nam.

Đại biểu tham dự phát biểu ý kiến

Toàn tỉnh An Giang hiện có 02 cơ sở đào tạo tôn giáo: Trường Trung cấp Phật học tỉnh An Giang và trường Trung cấp Phật giáo Hòa Hảo. Việc giảng dạy 02 môn học Pháp luật Việt Nam và Lịch sử Việt Nam được thực hiện theo Điều 40 của Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Quyết định số 35/QĐ-TGCP ngày 20/02/2020 của Ban Tôn giáo Chính phủ về việc ban hành Chương trình môn học Lịch sử Việt Nam và Pháp luật Việt Nam trong các cơ sở đào tạo tôn giáo. Theo đó, Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ tỉnh đã triển khai chủ trương của Ban Tôn giáo Chính phủ và bàn giao sách 02 môn học Pháp luật Việt Nam và Lịch sử Việt Nam đến 02 trường đào tạo tôn giáo và một số tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh, đồng thời đề nghị trường Đại học An Giang hỗ trợ giảng viên trong việc giảng dạy 02 môn học này. Đến nay, trường Trung cấp Phật học tỉnh đã hoàn thành việc đưa vào giảng dạy môn Lịch sử Việt Nam (đang đào tạo khóa IV, học kỳ 4 với 38 tăng, ni sinh), các công tác chuẩn bị đề cương, giáo trình, ra đề thi, chấm thi,.. đều đảm bảo quy trình chặt chẽ, đúng quy định pháp luật. Riêng đối với trường Trung cấp Phật giáo Hòa Hảo dự kiến cuối năm 2021 sẽ tiến hành chiêu sinh khóa I.

Bà Nguyễn Thị Định, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Ban Tôn giáo Chính phủ phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Định, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Ban Tôn giáo Chính phủ đã ghi nhận và đánh gia cao công tác triển khai chủ trương của Ban Tôn giáo Chính phủ về việc triển khai 02 môn học Pháp luật Việt Nam và Lịch sử Việt Nam trong các cơ sở đào tạo tôn giáo của Ban Tôn giáo tỉnh An Giang và các cơ sở đào tạo tôn giáo trên địa bàn. Đồng thời mong muốn các cơ sở đào tạo tôn giáo tiếp tục nghiên cứu, có những đóng góp, kiến nghị để hoàn thiện nội dung trong giáo trình giảng dạy 02 môn học; có thể vận dụng linh hoạt lồng ghép lịch sử địa phương với lịch sử Việt Nam trong quá trình giảng dạy để tạo sự hấp dẫn, thực tiễn và phong phú nội dung bài giảng; đối với giáo trình về Lịch sử Việt Nam (phần khái quát các tôn giáo tại Việt Nam) sẽ được lấy ý kiến hoặc chính tổ chức tôn giáo có liên quan biên soạn lại để phù hợp với quá trình hình thành, phát triển, giáo lý, giáo luật của từng tôn giáo,…/.

 

Tiến Lên