Dịch vụ công trực tuyến góp phần bảo đảm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam
Ngày đăng: 28/04/2021Nằm trong lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của Ban Tôn giáo Chính phủ ra đời năm 2018 đã góp phần bảo đảm tính công khai, minh bạch hóa thông tin của cơ quan nhà nước và thúc đẩy việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người được quy định trong Hiến pháp 2013, cụ thể hóa bằng Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 và Nghị định số 162/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Hệ thống phần mềm dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 Ban Tôn giáo Chính phủ được xây dựng theo hướng lấy người sử dụng làm trung tâm, bảo đảm tính thân thiện, đơn giản, dễ sử dụng. Toàn bộ quy trình dịch vụ công trực tuyến được thực hiện thống nhất. Hệ thống đảm bảo sự tương thích với các hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin tại Ban Tôn giáo Chính phủ; cho phép mở rộng, tích hợp trên Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ, Cổng thông tin dịch vụ công Quốc gia cũng như hệ thống thông tin của các bộ, ban, ngành có liên quan.
Các tổ chức, cá nhân tôn giáo có thể nộp hồ sơ mọi lúc, mọi nơi, không phân biệt khoảng cách địa lý. Việc này giúp giảm thời gian gửi/nhận hồ sơ và thời gian đi lại cho cá nhân, tổ chức tôn giáo; đồng thời giảm áp lực giấy tờ công việc lên các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo.
Song song với đó, việc tra cứu hồ sơ cũng diễn ra nhanh chóng, dễ dàng thông qua mã hồ sơ, làm tăng tính minh bạch của các cơ quan cung cấp dịch vụ. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc cung cấp thông tin về trạng thái hiện tại của quy trình (hồ sơ đang được thẩm định ở bước nào, do vụ, đơn vị nào xử lý, …) là hoàn toàn có thể.
Hiện tại, Ban Tôn giáo Chính phủ đã xây dựng và đưa vào sử dụng Hệ thống dịch vụ công trực tuyến đối với tất cả 43 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền hoặc được ủy quyền giải quyết của Ban Tôn giáo Chính phủ được quy định tại Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162, trong đó có 10 thủ tục liên quan đến người nước ngoài tại Việt Nam.
Báo cáo viên Ban Tôn giáo Chính phủ giới thiệu về Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến tại Hội nghị gặp mặt người nước ngoài sinh hoạt tôn giáo tại Việt Nam
Tại Cuộc gặp mặt người nước ngoài sinh hoạt tôn giáo tại Việt Nam do Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức ngày 27/4/2021, hơn 100 đại biểu là chức sắc, đại diện điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam đã được giới thiệu, hướng dẫn truy cập và sử dụng Dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.
Mục sư Jang Sang Jin của Hội thánh Bàn Cờ tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi rất hào hứng với Phần mềm Dịch vụ Công trực tuyến của Ban Tôn giáo Chính phủ được giới thiệu trong hội nghị hôm nay. Chúng tôi là những người nước ngoài nên không biết rõ pháp luật Việt Nam, nếu Chính phủ Việt Nam có thể phiên dịch bằng tiếng Anh hoặc tiếng Hàn thì sẽ giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về pháp luật của Việt Nam để sinh sống, làm việc và sinh hoạt tôn giáo ổn định hơn”.
Mục sư Jang Sang Jin (ngoài cùng, bên trái) cùng đại diện các điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tham dự hội nghị tại BTGCP ngày 27/4/2021
Mục sư Tae Won Soo, Quản nhiệm Hội thánh Tin Lành Hàn Quốc tại Hà Nội cho biết, bản thân ông và các cộng sự đã sử dụng Dịch vụ công trực tuyến của Ban Tôn giáo Chính phủ trong hoạt động tôn giáo của điểm nhóm mình và cảm thấy hài lòng. “Tôi mong rằng chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh nền tảng hành chính công trực tuyến, điều đó có ý nghĩa rất thiết thực với những người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam, đặc biệt trong những thời điểm diễn biến dịch bệnh Covid-19 như thời gian qua”, Mục sư Tae Won Soo chia sẻ.
Với chủ trương hội nhập quốc tế rộng mở và quan điểm tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần chính đáng và tự nhiên của con người, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, trong đó có những người nước nước cư trú hợp pháp tại Việt Nam.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo nói chung, phát triển và hoàn thiện hệ thống dịch vụ công trực tuyến nói riêng đã giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; góp phần cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo và phục vụ tốt hơn các nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng của người dân; thúc đẩy và bảo đảm việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, trong đó có những người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại Việt Nam./.
Nguyễn Linh