Ban Tôn giáo Chính phủ nghiệm thu chính thức Đề án nghiên cứu thực trạng tín ngưỡng của người Mông
Ngày đăng: 22/12/2023Ngày 19/12/2023, Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức đánh giá, nghiệm thu chính thức Đề án “Nghiên cứu thực trạng tín ngưỡng của người Mông - Những vấn đề đặt ra và đề xuất chủ trương, chính sách”. TS. Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ làm Chủ tịch Hội đồng.
Tham dự Hội nghị nghiệm thu có ông Nguyễn Ánh Chức, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ và các nhà khoa học trong Hội đồng; các thành viên thực hiện Đề án.
Đề án đã phân tích thực trạng hoạt động tín ngưỡng của người Mông ở các vùng miền, khái quát truyền đạo của các tôn giáo như: Công giáo, Tin Lành vào người Mông; chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về dân tộc, tôn giáo và công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo của người Mông; dự báo xu hướng vận động, biến đổi trong hoạt động tín ngưỡng của người Mông và một số nhận định và đề xuất chủ trương, chính sách đối với hoạt động tín ngưỡng của người Mông. Các đại biểu tham dự đồng tình đánh giá cao giá trị thực tiễn của Đề án. Đề án hàm chứa nhiều nội dung, thông tin vừa mang tính thực tiễn, vừa mang tính khoa học giúp khái quát được lịch sử hình thành người Mông, làm rõ được cơ sở tính cách của người Mông. PGS, TS. Nguyễn Quang Hưng đã đề xuất Ban Chủ nhiệm Đề án tiếp tục nghiên cứu, xây dựng những đề án quy mô lớn hơn, chuyên sâu hơn về người Mông.
TS. Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu
Phát biểu tại Hội nghị, TS. Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao các ý kiến đóng góp đầy tâm huyết của thành viên hội đồng cũng như Ban Chủ nhiệm đề án đã nghiêm túc tiếp thu để hoàn thiện đề án. Đề án đã triển khai các phương pháp nghiên cứu, đánh giá cụ thể, khoa học, tổng hợp đầy đủ số liệu khảo sát và biên tập, thống kê chi tiết về thực trạng tín ngưỡng của người Mông. Thông qua sản phẩm của Đề án làm rõ được thực trạng đời sống tín ngưỡng của người Mông, cung cấp những tư liệu khoa học, cơ sở lý luận thực tiễn, luận giải được xu hướng biến đổi thực hành tín ngưỡng của người Mông; nguyên nhân và những vấn đề đặt ra đối với chính sách của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng của người Mông.
Người Mông Việt Nam gồm 06 nhóm: Mông Trắng, (Mông Đơuz), Mông Hoa (Mông Lêngz), Mông Đen (Môngz Đuz), Mông Đỏ (Mông Siz), Mông Xanh (Môngz Njuôz) và nhóm Nà Miểu, với dân số khoảng 1,4 triệu người, tập trung chủ yếu tại khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Cam-pu-chia, khu vực Tây Nguyên và tỉnh Tây Ninh. Người Mông có hoạt động tín ngưỡng phong phú, đa dạng, có bản sắc riêng, không pha trộn với các dân tộc khác thể hiện qua các lễ hội tín ngưỡng truyền thống điển hình như: lễ hội Gầu Tào, lễ hội Nào Sồng, lễ hội Nào Cống ở Sa Pa (Lào Cai). Người Mông rất sùng tôn giáo, tín ngưỡng; tôn giáo, tín ngưỡng của người Mông thiên về đa thần giáo, nhưng lại tập trung vào một số vị thần quan trọng, trong đó rõ nhất là thờ Tổ tiên. Cùng với sự phát triển đất nước, một số phong tục tập quán lạc hậu trong hoạt động tín ngưỡng đã được người Mông dần loại bỏ, vừa bảo tồn, phát huy giá trị tốt đẹp, vừa phù hợp với đời sống văn minh ngày nay. Việc này cũng đã tạo ra nhiều biến đổi trong văn hóa, tín ngưỡng của người Mông và đặt ra một số vấn đề trong việc lựa chọn, bảo lưu, gìn giữ các giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc này.
Bà Trần Thị Minh Thu, Trưởng phòng Tín ngưỡng và Tôn giáo khác, Ban Tôn giáo Chính phủ phát biểu
Thành Long