Ban Tôn giáo Chính phủ làm việc với Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh về việc kiểm tra Sơ kết 3 năm thi hành Luật TNTG và Nghị định 162/NĐ-CP của Chính phủ
Ngày đăng: 02/04/2021
Toàn cảnh hội nghị
Chiều ngày 31/3, tại Sở Nội vụ, Đoàn công tác Ban Tôn giáo Chính phủ làm việc với Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh về việc kiểm tra Sơ kết 3 năm thi hành Luật TNTG và Nghị định 162/NĐ-CP của Chính phủ giai đoạn 2018-2020.

Tham dự có TS. Lê Thị Liên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Tôn giáo; ông Trần Trung Chính, Phó Giám đốc Sở Nội vụ; đại diện các Vụ của Ban Tôn giáo Chính phủ: Quan hệ Quốc tế, Tin Lành, Pháp chế Thanh tra, Trung tâm Thông tin; đại diện các ban, ngành tỉnh: Ban Dân vận, UBMTTQ, Công an, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Văn phòng UBND tỉnh, Ban Tôn giáo tỉnh.

Bắc Ninh là tỉnh có nền văn hoá lâu đời, có nhiều nét đặc thù về tín ngưỡng tôn giáo, có 2 tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động là Phật giáo và Công giáo. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 400 chức sắc, 1.540 cơ sở thờ tự, có trên 25% dân số là tín đồ Phật giáotrên 15 nghìn giáo dân Công giáo sinh hoạt ở 38 xứ, họ đạo (trong đó có 12 họ đạo toàn tòng) của 55 thôn, khu phố thuộc 39 xã, phường của 8 huyện, thị xã, thành phố.

Thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh thường xuyên đạt được những kết quả tích cực; chức sắc, chức việc và tín đồ chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Sau 03 năm thực hiện Luật và Nghị định 162/2017/NĐ-CP, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở tỉnh Bắc Ninh đạt được một số kết quả như sau:

Về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật: Trong 03 năm, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 84 Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật và Nghị định 162 cho 8.284 lượt chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo, phát 8.284 Bộ tài liệu cho các đối tượng tham dự Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật:

Ngoài ra, công tác tuyên truyền còn thực hiện thường xuyên, liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Ninh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Cổng Thông tin điện tử Sở Nội vụ. Đặc biệt, hệ thống loa của xã, phường hoạt động mạnh mẽ hơn vào những ngày lễ trọng của Phật giáo và Công giáo.

Về phong chức, bổ nhiệm, thuyên chuyển chức sắc, chức việc tôn giáo: Trong 03 năm qua, đã thực hiện tiếp nhận 119 trường hợp phong phẩm, bầu cử, suy cử, bổ nhiệm, thuyên chuyển, cách chức, bãi nhiệm chức sắc, chức việc, nhà tu hành. Trong đó, phong chức phong phẩm 47 trường hợp; bổ nhiệm, kiêm nghiệm, công nhận trụ trì, thuyên chuyển 72 trường hợp

Về các hoạt động từ thiện xã hội của các tổ chức, cá nhân chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo:

Các hoạt động này đã và đang được hướng dẫn hoạt động tương đối tốt, phát huy được kết quả tích cực như: Tặng quà cho các trẻ em tàn tật, học sinh nghèo vượt khó, thăm hỏi tặng quà cho các gia đình thương, bệnh binh, các gia đình chính sách, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hộ nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhân các ngày lễ lớn của đất nước, các ngày lễ trọng của các tôn giáo như: Đại lễ Phật đản, Vu lan Báo hiếu của đạo Phật, lễ Noel của Công giáo… được các tôn giáo tích cực tham gia, hưởng ứng. Trong 03 năm qua, hai tổ chức tôn giáo đã quyên góp, ủng hộ, tặng quà và hỗ trợ các đối tượng 33.639 xuất quà trị giá hơn 31,6 tỷ đồng.

Về đất đai tôn giáo: Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 651 cơ sở thờ tự của 02 tôn giáo là Phật giáo và Công giáo hiện đang sử dụng 664 thửa đất với tổng diện tích 178,1ha đất để xây dựng chùa, nhà thờ và các cơ sở  khác của tôn giáo; diện tích đất này được Nhà nước giao cho các cơ sở tôn giáo quản lý và sử dụngt heo đúng quy định của Pháp luật. Đến nay đã có 94.5% cơ sở thờ tự của tôn giáo được cấp GCNQSD đất...

-  Về xây dựng, trùng tu, sửa chữa các công trình tôn giáo: việc nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới cơ sở thờ tự tôn giáo, tín ngưỡng được các cấp chính quyền, ban, ngành trong tỉnh tạo điều kiện giúp đỡ, giải quyết theo đúng trình tự pháp luật. Cụ thể, Phật giáo, tín ngưỡng có 48 công trình; Công giáo 03 công trình, được trùng tu, xây dựng, sửa chữa; trong đó có 04 công trình xây dựng chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Qua 3 năm thực hiện tôn giáo, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo của tỉnh Bắc Ninh những đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít hoạt động tôn giáo chưa tuân thủ theo quy định của pháp luật.

TS. Lê Thị Liên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Tôn giáo

Tại buổi làm việc, bà Lê Thị Liên, Tiến sỹ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Tôn giáo đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Bắc Ninh đạt được trong việc thực hiện Luật tín ngưỡng, tôn giáo 3 năm qua. Đồng thời, chỉ ra những điểm cần chú trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tôn giáo trong thời gian tới:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, triển khai trong cán bộ, Nhân dân nói chung, đồng bào có tín ngưỡng tôn giáo nói riêng về việc thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác tôn giáo. Các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho Nhân dân trong vùng giáo nắm và thực hiện tốt Luật tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản pháp luật có liên quan.

Thứ hai, tập trung nâng cao nhận thức, thống nhất quan điểm, trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn xã hội đối với công tác tôn giáo. Phát huy vai trò vận động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc động viên đồng bào có đạo tham gia thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước. Đồng thời, chủ động đấu tranh chống lại các hoạt động lợi dụng tự do tín ngưỡng tôn giáo để hành nghề mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, lợi dụng, kích động chia rẽ Nhân dân, chia rẽ các dân tộc, chia rẽ lương - giáo, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia. Thực hiện tốt công tác chỉ đạo đấu tranh, ngăn chặn đối với các tà đạo, đạo lạ và các hoạt động mê tín dị đoan.

Thứ ba, vận động đồng bào các tôn giáo tích cực tham gia các phong trào cách mạng, các hoạt động từ thiện nhân đạo. Giải quyết kịp thời những yêu cầu chính đáng, hợp pháp của tổ chức, cá nhân tín đồ các tôn giáo, không để xảy ra các sự việc phức tạp liên quan đến tôn giáo.

Bốn là, quan tâm xây dựng tổ chức, bộ máy cán bộ làm công tác tôn giáo, bố trí đúng người đúng việc; làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức tôn giáo và nghiệp vụ tôn giáo, đặc biệt đào tạo, bồi dưỡng những cán bộ có uy tín, có năng lực vận động chức sắc tôn giáo để tạo mối quan hệ đồng thuận. Tạo điều kiện về mọi mặt để đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo hoạt động, tham mưu ngày càng tốt hơn cho cấp uỷ, chính quyền giải quyết các vấn đề có liên quan đến tôn giáo theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Phạm Hồng Minh