Ban Tôn giáo Chính phủ kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tại UBND tỉnh Hòa Bình
Ngày đăng: 24/07/2023
Thực hiện Quyết định số 1151/QĐ-TGCP ngày 05/7/2023 của Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ về việc thành lập Đoàn kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tại UBND tỉnh Hòa Bình, Đoàn kiểm tra do ông Nguyễn Tiến Trọng, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra tại tỉnh Hòa Bình từ ngày 17-21/7/2023.

Ông Nguyễn Tiến Trọng phát biểu khai mạc tại buổi làm việc với UBND tỉnh Hòa Bình

Đoàn kiểm tra đã làm việc tại UBND tỉnh Hòa Bình, Sở Nội vụ tỉnh, UBND một số huyện, thành phố thuộc tỉnh; Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình và người đại diện một số cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Định, Trưởng Phòng Thanh tra - Pháp chế, Ban Tôn giáo Chính phủ, Phó Trưởng đoàn kiểm tra làm việc với UBND huyện Yên Thủy

Hòa Bình là tỉnh miền núi, nằm ở cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội, có nhiều đồng bào dân tộc cùng chung sống, dân tộc thiểu số chiếm 74,14% (trong đó, dân tộc Mường chiếm trên 63%). Trên địa bàn tỉnh có tổng số 292 cơ sở tín ngưỡng, trong đó 48 cơ sở tín ngưỡng đã được xếp hạng các cấp, 226 cơ sở tín ngưỡng được UBND tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê di tích; phần lớn các cơ sở tín ngưỡng đều có quy mô và phạm vi hoạt động nhỏ; có trên 48.000 tín đồ thuộc 03 tổ chức tôn giáo là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Công giáo Việt Nam và một số người theo các hệ phái Tin Lành, tổng số có 12 tổ chức tôn giáo trực thuộc gồm 05 tổ chức thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam và 07 tổ chức thuộc Giáo hội Công giáo Việt Nam; có 22 cơ sở tôn giáo gồm 9 chùa và 13 nhà thờ.

Bà Nguyễn Thị Định làm việc với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình

Mặc dù là tỉnh có địa bàn miền núi, gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhà nước và thi hành pháp luật,… nhưng, nhìn chung, vai trò quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo của chính quyền các cấp đã được nâng cao. Hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện văn bản quản lý nhà nước và sự chỉ đạo của Trung ương liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo đã được các cấp, ngành của tỉnh ban hành đầy đủ, kịp thời nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tổ chức tôn giáo hoạt động; đảm bảo được quyền tự do, tín ngưỡng của mọi người. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho tổ chức, cá nhân tín ngưỡng, tôn giáo; công tác tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tham mưu quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; công tác thanh tra, kiểm tra được quan tâm thực hiện. Việc nắm bắt tình hình, đảm bảo an ninh, trật tự ở các vùng có đông đồng bào theo tôn giáo, đấu tranh có hiệu quả các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo của phần tử xấu được thực hiện hiệu quả. Việc quản lý đất đai, xây dựng đã được tăng cường, chỉ đạo; việc giải quyết các nhu cầu chính đáng về nhà, đất của các tổ chức tôn giáo từng bước đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của đồng bào có tôn giáo ở địa phương.

Do vậy, đội ngũ cán bộ, công chức; các tổ chức, cá nhân tôn giáo; ban quản lý, người đại diện các cơ sở tín ngưỡng, người tham gia hoạt động tín ngưỡng tin tưởng vào chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước nói chung và chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng, cơ bản tuân thủ, chấp hành đúng quy định. Các hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh diễn ra thuần túy, ổn định, đúng quy định pháp luật và hiến chương của các giáo hội; các hoạt động tín ngưỡng đã giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc; các lễ hội, nghi lễ diễn ra theo chương trình đã đăng ký, an toàn, văn minh, tiết kiệm, đảm bảo an ninh trật tự. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tổ chức tôn giáo, ban quản lý, người đại diện các cơ sở tín ngưỡng tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, các phong trào, cuộc vận động của địa phương; thực hiện nghiêm túc và hỗ trợ tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19; thực hiện phương châm và tinh thần “tôn giáo đồng hành cùng dân tộc”, sống “tốt đời, đẹp đạo”, “đạo đời hòa hợp”. Mối quan hệ giữa chính quyền và các tổ chức tôn giáo trực thuộc, chức sắc, chức việc, tín đồ, ban quản lý, người đại diện ngày càng gắn bó, cởi mở. Đến thời điểm kiểm tra, trên địa bàn không có điểm nóng về tín ngưỡng, tôn giáo; số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo, các vụ việc xảy ra ít so với các địa phương khác.

Những kết quả này đã thể hiện được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền; sự nỗ lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp, các ngành, các cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và của cả hệ thống chính trị; thể hiện được hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước của UBND các cấp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

 

Minh Phương