Hội nghị phổ biến Luật An ninh mạng
Ngày đăng: 16/10/2018Ngày 16/10, Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức hội nghị phổ biến Luật An ninh mạng tới toàn thể công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan.
Chủ trì Hội nghị, TS. Vũ Chiến Thắng, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ phát biểu khai mạc, khẳng định: hiện nay, an ninh mạng là vấn đề quan tâm của toàn cầu, có tác động mạnh mẽ, toàn diện đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhiều quốc gia đã ban hành các luật, đưa ra chính sách phát triển công nghệ thông tin. Việc nâng cao năng lực phòng ngừa, phòng thủ, ngăn chặn, tấn công trên không gian mạng nhằm bảo vệ các giá trị, lợi ích, an ninh của đất nước là việc rất cần thiết. Để hiểu, nắm bắt và thực hiện theo quy định của Luật, TS. Vũ Chiến Thắng yêu cầu toàn thể công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nghiêm túc tiếp thu những nội dung cơ bản của Luật An ninh mạng. Sau hội nghị, mỗi người cần tiếp tục nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật đến chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tổ chức tôn giáo và người dân.
TS. Vũ Chiến Thắng phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Trao đổi với các công chức, viên chức và người lao động Ban Tôn giáo Chính phủ, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đã phân tích tình hình an ninh mạng hiện nay trên thế giới và Việt Nam; tính cấp thiết, những nội dung cơ bản của Luật An ninh mạng. Luật An ninh mạng có 7 chương, 43 điều và có hiệu lực từ ngày 01/01/2019. Việc ban hành Luật An ninh mạng vừa để bảo vệ an ninh quốc gia, đồng thời thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong hợp tác giải quyết các vụ việc sử dụng không gian mạng để khủng bố, phá hoại an ninh, hòa bình thế giới. Đây là văn bản có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Chương III Luật An ninh mạng đã quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nhằm loại bỏ các nguy cơ đe dọa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Đây là hành lang pháp lý vững chắc để người dân có thể yên tâm buôn bán, kinh doanh hay hoạt động trên không gian mạng. Chương IV của Luật An ninh mạng tập trung quy định về triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng một cách đồng bộ, thống nhất từ Trung ương tới địa phương, trọng tâm là các cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị, quy định rõ các nội dung triển khai, hoạt động kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức này. Với các quy định chặt chẽ, sự tham gia đồng bộ của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân, việc sử dụng thông tin để vu khống, làm nhục, xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ được xử lý nghiêm minh. Các hoạt động nghiên cứu, phát triển an ninh mạng, phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng nhằm bảo vệ an ninh mạng, nâng cao năng lực tự chủ về an ninh mạng và bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cũng được quy định chi tiết.
Thiếu tướng Lê Minh Mạnh phổ biến Luật An ninh mạng
Thiếu tướng Lê Minh Mạnh cho biết, hiện nay Bộ Công an đang khẩn trương xây dựng 03 văn bản trình Chính phủ gồm: Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục áp dụng một số biện pháp bảo vệ an ninh mạng; Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều trong Luật An ninh mạng và Quyết định của Thủ trướng Chính phủ ban hành Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
Công chức, viên chức và người lao động Ban Tôn giáo Chính phủ tiếp thu Luật An ninh mạng
Việt Bách