Chúc mừng cộng đồng Hồi giáo nhân dịp kết thúc tháng Ramadan
Ngày đăng: 07/06/2019
Nhân dịp kết thúc tháng Ramadan (ngày 05/5) của người Hồi giáo,ông Nguyễn Ánh Chức, Vụ trưởng Vụ Tín ngưỡng và Các tôn giáo khác, Ban Tôn giáo Chính phủ đã tới thăm, chúc mừng Ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo (CĐHG) TP. Hồ Chí Minh và Ban đại diện CĐHG tỉnh Tây Ninh.

Ông Nguyễn Ánh Chức đã chúc mừng thành viên các Ban đại diện và cộng đồng người Hồi giáo nhân dịp tín đồ Hồi giáo thế giới nói chung, Hồi giáo Việt Nam nói riêng thực hiện xong nghĩa vụ cao cả - “tháng Ramadan”, một trong 5 trụ cột tinh thần của tín đồ Hồi giáo. Đồng thời, ông đánh giá cao sự chung tay của cộng đồng người Hồi giáo cùng với chính quyền và Mặt trận Tổ quốc các cấp đã làm tốt công tác từ thiện xã hội, chăm lo giúp đỡ người nghèo. Ông mong muốn trong thời gian tới, các Ban đại diện và cộng đồng Hồi giáo phát huy hơn nữa tinh thần tương thân, tương ái và có các hành động cụ thể của mình để cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.

Ông Lý Du Sô, Trưởng Ban đại diện CĐHG TP. Hồ Chí Minh và ông Chàm Xá, Trưởng Ban đại diện CĐHG tỉnh Tây Ninh đã thay mặt Cộng đồng Hồi giáo cảm ơn sự quan tâm của Lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ, khẳng định Ban đại diện và cộng đồng Hồi giáo sẽ tiếp tục phát huy tinh thần tương thân tương ái của tín đồ Hồi giáo, cùng chính quyền các cấp hướng dẫn tín đồ Hồi giáo thực hiện nghiêm chỉnh giáo lý, giáo luật Hồi giáo và tuân thủ pháp luật nhà nước.

Trong tháng Ramadan, thời gian làm việc của các tín đồ Hồi giáo sẽ được giảm ít nhất 2 giờ mỗi ngày, trong khi giờ học trong ngày của học sinh cũng được rút ngắn xuống 5 tiếng. Thay vào đó, người dân Hồi giáo sẽ dành nhiều thời gian hơn để đi cầu nguyện tại nhà thờ và tham gia vào các hoạt động thiện nguyện. Ngoài các lợi ích về sức khỏe, “tháng nhịn ăn” là lúc để người Hồi giáo học cách trân trọng lương thực, thực phẩm, đồng thời bày tỏ lòng trắc ẩn với những ai có hoàn cảnh kém may mắn hơn. Chính vì thế mà tại nhiều quốc gia như Ấn Độ, Sudan hay Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất, bữa ăn iftar thường diễn ra trên đường phố để ai cũng có thể vừa ăn vừa ý thức được đến mọi người xung quanh.

Trong tháng chay Ramadan, sau 3:54 (giờ IMSAK- theo tiếng Ả Rập) là không được ăn uống  và sau 18 giờ 15 (giờ IFTAR) thì được xả chay và ăn uống bình thường. Theo quy định của người Hồi giáo, trong suốt một tháng lễ này, tất cả các tín đồ theo đạo đều thực hiện nghiêm túc quy định: không ăn, không uống, không hút thuốc… nhưng quy định này chỉ áp dụng vào ban ngày, cụ thể là là từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn. Luật của đạo Hồi cũng quy định rõ: những người đang bệnh, phụ nữ có thai, trẻ em dưới 5 tuổi và những người đang đi du lịch ở nước ngoài mà nước này không lấy đạo Hồi làm quốc giáo thì được miễn trừ. Ở một số quốc gia, và tháng chay Ramadan có quy định học sinh nhỏ tuổi, binh lính và công nhân lao động nặng thì không phải nhịn. Tuy nhiên, họ phải bù lại vào những dịp khác. Việc quy định như vậy có ý nghĩa: thứ nhất, nhịn ăn uống là để có sự thông cảm với những người nghèo đói, những đồng đạo còn chưa đủ ăn, đủ mặc; thứ hai, hành động này nhằm luyện cho con người một sự tiết chế, chống những cám dỗ vật chất, để tạo thuận lợi cho việc sau này lên thiên đàng.

Bữa ăn xả chay (hay còn gọi là giờ IFTAR) bắt đầu vào lúc 18 giờ 15. Vào thời điểm này các tín đồ Hồi giáo mới bắt đầu được ăn uống trở lại sau một ngày nhịn ăn. Các bữa ăn vào giờ này đều bắt đầu bằng những phần ăn nhẹ và nước để ổn định lại cơ thể./.