Ông Địa trong đời sống người Nam bộ
Ngày đăng: 30/01/2018
Hình ảnh ông Địa bụng bự, gương mặt vui tươi, cười hớn hở dẫn đầu đoàn lân trong mỗi dịp Tết đến luôn tạo không khí náo nhiệt, rộn ràng. Ông Địa trong bàn thờ của người Nam bộ cũng vậy, cầm quạt phe phẩy mà cười. Sự gần gũi, bộc trực của ông Địa trở nên khắn khít trong đời sống người Nam bộ.

Chuyện kể về ông Địa

Theo tập tục, múa lân không thể thiếu ông Địa với cái bụng to, tay cầm quạt mo phe phẩy, bông lơn, bước đi nhún nhảy, chạy theo giỡn với lân và khán giả. Tập tục này xuất phát từ truyện cổ dân gian “Sự tích con lân và ông Địa”. Chuyện kể rằng, xưa có con quái thú từ dưới biển lên quấy nhiễu dân lành, tục gọi là lân. Ông Địa đã chế ngự quái thú, biến lân thành con thú ăn chay, hiền lành, tu tâm dưỡng tánh. Từ đó, mỗi năm, ông Địa lại dẫn lân xuống núi chúc Tết mọi người. Bởi thế, nhà nào có bàn thờ ông Địa, lân phải vái chào rồi mới múa. Ông Địa và lân đi đến đâu cũng chúc phúc lành, xua đuổi tà khí nên được mọi người chào đón và thưởng bằng cách treo rau xanh, giấy đỏ. Từ đó, tục múa lân ngày Tết ra đời.

Theo truyện “Ông Tà kiện ông Địa” được tác giả Nguyễn Hữu Hiếu thuật lại trong cuốn “Truyện kể dân gian Nam bộ”, ngày trước, người dân Nam kỳ lục tỉnh thờ ông Tà trong nhà chớ không phải ông Địa. Nhưng rồi ông Tà mải mê ngao du thiên hạ, ít lo chuyện dân tình, làm ăn của người dân. Bẵng đi một thời gian, ông Tà thấy người dân thờ ông ở bờ mương, ruộng vườn, mé sông còn ông Địa thì được thờ trang trọng trong nhà. Tức chí, ông Tà đến đình làng, tìm Thần hoàng để kiện.

Ông Thần vốn đã nắm rõ sự tình nên phân xử kiểu “Hùm bắt được hùm ăn, sấu bắt được sấu ăn”. Ông Địa có công theo sát dân tình nên tiếp tục ở trong nhà còn ông Tà vốn thích du sơn ngoạn thủy nên được thờ ngoài ruộng rẫy. Ông Địa nghe vậy nên xoa bụng, tay phe phẩy quạt, tay vỗ vai ông Tà mà rằng: “Tà cũng đừng buồn. Địa với Tà cùng màu da màu máu. Dù ở trong nhà hay ngoài ruộng cũng cùng ở trên mảnh đất này, đều là anh em bè bạn. Tôi và anh hãy cũng hòa thuận hãy hợp nhau giúp đỡ độ hộ dân chúng làm ăn, giữ gìn đất đai”. Nghe chí lý, ông Tà đổi giận làm vui. Câu “Ông Địa giữ nhà, ông Tà giữ ruộng” ra đời từ đó.

Ở Bạc Liêu, vẫn còn lưu truyền một truyện vui, lý giải vì sao ông Địa bụng bự. Truyện này cũng được chúng tôi nghe những người lớn tuổi kể và sau này bắt gặp trong cuốn “Văn học dân gian Bạc Liêu” do Nguyễn Văn Thanh biên soạn, NXB Hội Nhà văn ấn hành. Truyện rằng, ngày xưa có bà góa phụ nọ chua ngoa, cay nghiệt nhưng có cô con gái dịu hiền, hương sắc. Hễ giận con hay bất cứ việc gì, bà lại mắng câu cửa miệng: “Hà Bá đ. mày!”. Ông Địa biết chuyện đi chọc ông Hà Bá: “Nè Hà Bá, anh tốt phước quá! Ở đây, ngày nào cũng có người nói muốn hiến con gái cho anh đó. Mà lại con gái đẹp kia chớ”. Hà Bá nghe vậy sướng rơn, đòi ông Địa nhanh chân tìm cô gái đẹp chỉ cho biết.

Tới nơi, trời còn sớm, cô con gái ngủ chưa dậy, chỉ mới có bà mẹ đang quét sân. Giữa sân có con chó nằm cản bà quét tước, đuổi chẳng chịu đi. Bà ta nổi xung thiên, trở cán chổi đập con chó mà mắng: “Hà Bá đ. mày!”. Hà Bá nghe vậy tức quá quay sang nhìn ông Địa đang cười lại càng thêm tức giơ chân đạp ông Địa té xuống mương. Không ngờ tình thế oái oăm đó nên dù té xuống mương mà ông Địa vẫn chưa nín được cười, thành thử uống nước đầy bụng, đến nỗi bụng phình ra, dần dần lớn chang bang như vậy.

Tín ngưỡng thờ ông Địa

Ông Địa biểu thị cho niềm vui. Đầu tiên phải khẳng định như thế vì ông Địa luôn cười, phe phẩy quạt luôn làm tươi mới không khí gia đình. Ông Địa trong tâm thức người Nam bộ lại khác hẳn so với ông Địa ở các vùng miền khác trong cả nước và càng khác biệt với tín ngưỡng Trung Hoa. Ông Địa ở Nam bộ quấn khăn rằn, một tay cầm quạt mo, một tay cầm điếu thuốc rất bình dân. Càng bình dân hơn với những đồ cúng tế rất đơn giản: nải chuối, chén chè, ly cà phê… và nơi thờ ông Địa thường không có bàn cao mà dưới nền đất, sàn nhà.

Bàn thờ Thần Tài- ông Địa của một gia đình. Ảnh: DUY KHÔI

Ông Địa gần gũi đến độ khi thất lạc đồ đạc, từ chìa khóa, cái ví đến cây dao, lưỡi búa… thì người Nam bộ thường vái: “Vái ông Địa kiếm được con cúng nải chuối”. Và sau khi kiếm được, cúng nải chuối thì người Nam bộ lại bẻ ăn trước một trái. Người Nam bộ lý giải rằng, do một lần ông Địa bị ngộ độc nên sợ, không dám hưởng dùng. Việc ăn trước là để “thử độc”. Niềm tin này phổ biến ở Nam bộ. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, việc làm ấy, phải chăng, đó là biểu thị của sự gần gũi, dân dã, không khoảng cách giữa ông Địa và người dân, ngay trong chuyện ăn uống?

Bổn tính gần gũi của ông Địa còn được lý giải qua câu chuyện về anh lái buôn nhiều lần gạt ông Địa. Lần đầu đi buôn, anh ta vái ông Địa phù hộ cho trót lọt, sẽ cúng ông Địa “con 2 chân”. Nghe qua, ông Địa tưởng là sẽ được cúng con gà, con vịt. Nhưng rồi sau đó anh ta “lật kèo”, hẹn lần sau nếu làm ăn thuận lợi sẽ cúng “con 4 chân”. Nhưng rồi con 4 chân (như con heo) anh ta cũng không cúng, mà tiếp tục hẹn lần sau,  sẽ cúng “con 8 chân”. Lần này anh ta không khất nữa, mà cúng thiệt “con 8 chân”, đó là con… cua! Dù thua trí anh lái buôn nhưng ông Địa cũng cười thôi chớ không giận. Từ hình tượng bụng bự rồi cứ cười miết mà hầu như chỉ ông Địa, người ta mới dám ví von với hình ảnh đứa bé (thậm chí người lớn) giống với ông. Ví như đứa bé mập mạp, cười toe toét thì lại nói: “Thằng bé thấy thương như ông Địa”. Cũng bổn tính gần gũi, dễ dãi của ông mà ai chơi gì, làm gì hễ xả láng, phóng khoáng thì lại có câu: “Mát trời ông Địa luôn!”.

Cũng nói về sự bải buôi của ông Địa, lại nhớ vở kịch hài “Thần tiên cũng nổi điên” do nghệ sĩ Hoài Linh và Trường Giang đóng, được nhiều người yêu thích. Đó là chuyện ông Thần Tài và ông Địa bị bỏ “cù bơ cù bấc” do không hiển linh, phù hộ đôi vợ chồng chủ nhà mê cờ bạc. Dù là chuyện hài nhưng rất đúng với tâm lý: tin vào thần thánh nhưng đôi khi cũng không tuyệt đối hóa của người Nam bộ. Họ thờ cúng ông Địa quanh năm nhưng khi mùa màng thất bát, buôn bán lỗ lã họ van vái ông Địa không “linh” thì  đem ông để ở gốc cây, kẹt đá. Vậy nên ca dao có những câu rằng:

“Đất đâu đất lạ đất lùng

Đi làm lại có thổ công ngồi bờ

Thổ công không có người thờ

Cho nên mới phải vẩn vơ ngoài đồng”

Hay khổ như ông Địa nấu cơm:

“Chiều chiều ngó ngọn cây bần

Thấy ba ông Địa ở trần nấu cơm

Ông kia xách dĩa lại đơm

Ông nọ ứ hự nồi cơm mới vần

Mới vần mặc kệ mới vần

Bây giờ đói bụng xúc lần ra ăn”

Thời chiến, việc xe bọc thép của địch trong những lần đi càn đã bị địa lôi, tức mìn tự tạo của ta phá hủy, được văn học dân gian vùng Bến Tre ghi nhận trong câu ca dao:

“Ngày xưa ông địa ăn chè,

Ngày nay ông địa ăn xe nồi đồng”

Trong tín ngưỡng dân gian, ông Địa được xem như một vị Phúc Thần, không chỉ bảo vệ đất đai, ruộng vườn mà còn mang phúc lộc, dẫn lối Thần Tài đến cho gia chủ. Có lẽ vậy mà Thần Tài- Thổ Địa như một “cặp đôi hoàn hảo”, song hành trong bàn thờ người Việt ở Nam bộ. Hiếm (thậm chí không có) bàn thờ nào chỉ thờ Thần Tài hoặc chỉ thờ ông Địa.

Rốt cùng, mong rằng hình tượng gần gũi và vui vẻ của ông Địa sẽ mang đến sự sung túc, an vui cho nhà nhà, người người trước thềm xuân mới! 

Theo baocantho.com