Mộc mạc hương Tết Việt ở Đình làng So
Ngày đăng: 08/02/2018Đây là năm thứ 3 sự kiện “Tết Việt” được nhóm Đình làng Việt tổ chức tại Đình làng So (xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Nội), một ngôi đình tiêu biểu về giá trị di sản kiến trúc, nghệ thuật, cách trung tâm Hà Nội 25km.
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đức Bình (trưởng nhóm Đình làng Việt) cho biết, năm nay Tết Việt có sự tham gia tổ chức của Nhóm Đình làng So, tập hợp những con người làng So với tâm huyết gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. “Tết Việt qua hai năm tổ chức đã đạt được mục tiêu bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của người Việt; đề cao giá trị của ngôi đình làng, đặc biệt là không gian văn hóa xung quanh ngôi đình đang có nguy cơ bị mai một. Thông qua Tết Việt, giới trẻ sẽ quan tâm nhiều hơn đến những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông…”, ông Nguyễn Đức Bình chia sẻ.
Cũng theo Ban tổ chức, sau hai năm, công tác tổ chức đã dần rút kinh nghiệm để trở nên bài bản hơn, không để diễn ra tình trạng lộn xộn, mất trật tự; không tổ chức các hoạt động xa rời bản sắc văn hóa truyền thống. Một số hoạt động được xây dựng đảm bảo các tiêu chí văn minh như không xâm hại di tích, không thắp hương, đốt vàng mã tràn lan, giữ gìn mỹ quan di tích, vệ sinh môi trường…
Cố vấn chương trình có các nhà quản lý, chính quyền địa phương, đặc biệt có sự tham gia của Đại sứ Phạm Sanh Châu, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Gần 90 nghệ sĩ, nghệ nhân đến từ Giáo phường Đình làng Việt, nghệ nhân Ca trù Hải Phòng; nhóm Linh Xẩm Hải Phòng; nhóm hát Then Xuân Bách từ Thái Nguyên; phường múa rối Minh Tân, Vĩnh Bảo, Hải Phòng; phường Xoan An Thái, Việt Trì, Phú Thọ; tranh Kim Hoàng (Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội); tranh Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh)… hứa hẹn sẽ mang đến nhiều lát cắt thú vị. Theo Ban tổ chức, các nghệ nhân sẽ mang đến cái Tết mộc mạc dưới mái đình So truyền thống nhiều di sản văn hóa đặc sắc của khu vực châu thổ Bắc Bộ như thao tác in tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh dân gian Kim Hoàng (Hà Nội), ca trù, hát cửa đình, chiếu chèo sân đình, hát xẩm, hát then, hát Xoan Phú Thọ…
“Chương trình năm nay sẽ được tổ chức công phu, phong phú hơn trước, quy mô và thời gian chương trình được mở rộng, với sự tham gia của thành viên Nhóm Đình làng Việt từ nhiều tỉnh, thành và các nhà ngoại giao của các nước tại Hà Nội, bà con Việt kiều, đặc biệt có sự tham gia đông đảo của bà con nhân dân làng So và khu vực lân cận…”, ông Nguyễn Đức Bình cho biết thêm.
Trong không gian cổ kính, Tết Việt cũng sẽ tái hiện những cổ tục như dựng cây nêu, mặc và trình diễn trang phục truyền thống, viết thư pháp, gói bánh chưng, nấu chè kho... Các nhà nghiên cứu như họa sĩ Phan Cẩm Thượng, thư pháp gia Nguyễn Quang Thắng, TS. Trần Hậu Yên Thế, nhà thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Lưu Ngọc Đức, TS. Trần Đoàn Lâm sẽ là những người dẫn dắt chương trình, góp phần làm nổi bật những phong tục đẹp đẽ, tạo nên hồn cốt dân tộc.
Lễ Cáo yết Thành Hoàng và dựng cây nêu là hoạt động được nhiều người đón đợi. Trên cây nêu treo các biểu tượng, đồ vật theo đúng với phong tục và quan niệm của người xưa. Sau lễ dựng, dưới chân cây nêu sẽ là một số tiết mục hát Xoan của vùng trung du Phú Thọ, với những tiết mục trình diễn đặc sắc của các nghệ nhân từ phường Xoan An Thái, TP Việt Trì. Đan cài là các hoạt động như luộc bánh chưng, sắm sửa bày đặt bàn thờ ngày Tết, viết thư pháp, giảng giải về chữ nghĩa ngày Tết, giao lưu các bộ môn âm nhạc truyền thống như Xẩm, Ca trù, Quan họ, Chèo, Hát Then, Hát văn…
Trình diễn áo dài nam truyền thống mang tên Nay & Xưa cũng là điểm nhấn của Tết Việt 2018. Bộ sưu tập bao gồm 30 mẫu thiết kế áo dài nam và 10 mẫu thiết kế áo dài nữ được may theo cách truyền thống nhưng sử dụng những chất liệu vải hiện đại như vải bò, tuytxi... Cùng với đó, không gian Tết Việt cũng trở nên sôi động, ý nghĩa hơn với các hoạt động như Lễ dâng Thành hoàng, Chiếu chèo sân đình, hát cửa đình, chợ quê. Đây là năm đầu tiên Tết Việt tại đình làng So tổ chức chợ quê nhằm tạo không khí trước Tết, với sự giao lưu cộng đồng, giới thiệu các mặt hàng nông thổ sản, đặc sản của địa phương…
“Với rất nhiều hương vị cổ truyền, Tết Việt 2018 sẽ là nơi quy tụ những nét tinh hoa của ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thị trường, khi hương vị ngày Tết truyền thống dần trở nên nhạt nhòa thì Tết Việt chính là một nốt trầm sâu lắng đóng góp vào quá trình phục dựng những nét đẹp truyền thống…”, trưởng nhóm Đình làng Việt Nguyễn Đức Bình chia sẻ.
Theo baovanhoa.vn