Halloween và những lễ hội ma quỷ lâu đời trên thế giới
Ngày đăng: 31/10/2019
Nguồn gốc Halloween Halloween là một lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày 31 tháng 10 hàng năm, vào buổi tối trước Lễ các Thánh trong Kitô giáo.

Từ "Halloween" bắt nguồn từ nhà thờ Thiên chúa giáo, là dấu vết còn lại của lễ hội All Hallow Eve (lễ Thánh). Ngày 01/11 là ngày lễ của người Thiên chúa bày tỏ lòng thành trước thánh thần. Nhưng vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, ở xứ Celtic (Ireland) mùa màng kết thúc vào ngày 31/10 và ngày hội Halloween được gọi là ngày lễ Samhain (gieo trồng). Ngày này cũng chính thức bắt đầu một năm mới của người Celtic.

Người Celtic tổ chức kỷ niệm năm mới với lễ hội Samhain. Vào thời gian này vị thần của mùa xuân và mùa hè không còn ngự trị và nhường chỗ cho thần Chết. Lễ hội bắt đầu vào ngày 01/11, khi linh hồn của người chết quay trở lại nhà người thân để xin thức ăn và nước uống. Trong suốt đêm lễ thánh Hallow’s Eve, diễn ra vào đầu mùa đông - thời điểm kết thúc một năm, các xác chết đi lại tự do.

Người xưa kể lại, vào ngày lễ Samhain linh hồn của người chết trong năm trước sẽ tìm đến một thể xác khác để bắt đầu cuộc sống mới trong năm tiếp theo. Tuy nhiên, người sống không muốn linh hồn người chết nhập vào mình, vì thế vào ngày 31/10 dân làng dập tắt lửa trong nhà để làm cho nhà cửa lạnh lẽo và tẻ ngắt. Sau đó họ hoá trang thành ma cà rồng và lặng lẽ đi vòng quanh nhà hàng xóm vẻ hăm doạ để xua đuổi những hồn ma tìm thể xác.

Theo giải thích khác thì người ta cho rằng vào đêm Samhain, người Celtic dập tắt lửa không phải để xua đuổi những linh hồn mà để sau đó họ cùng nhau đi lấy lửa tại nguồn sáng gọi là Druidic, liên tục cháy ở Usinach thuộc miền trung Ireland.

Sau này, người La Mã đã biến những tục lệ trên của người Celtic thành tục lệ của mình. Tuy nhiên, vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, họ bỏ tục lệ hiến người sống và thay vào đó là hiến hình nộm. Theo thời gian, niềm tin vào việc tồn tại linh hồn có sự biến đổi, nên tục lệ hoá trang thành ma quỷ hay phù thuỷ chỉ còn là hình thức.

Lễ hội Halloween ngày nay là kết quả của nhiều sự biến đổi trong hàng thế kỷ. Cùng với Halloween, một số lễ hội ma quỷ khác cũng xuất hiện từ lâu đời và tồn tại trong văn hóa các quốc gia.

Lễ cúng cô hồn

Đây là nghi lễ để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói, cúng cô hồn, tức là cúng thí cho những vong hồn vật vờ, không có ai là thân nhân trên trần gian cúng bái. Ngày lễ này thường được tổ chức tại châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore. Vào ngày này, người ta thường cúng đồ ăn, đốt tiền giấy.

Đêm đốt lửa (Guy Fawles Night)

Đây là lễ hội được tổ chức thường niên ở Anh để gọi lại một sự kiện lịch sử diễn ra vào năm 1605 khi một người Anh có tên là Guy Fawkes âm mưu lật đổ vua vua James I, hoàng tử xứ Wales cùng các thành viên quốc hộ, họ dự định làm nổ tòa nhà quốc hội. Tuy nhiên cuối cùng âm mưu bị bại lộ. Guy Fawkes bị bắt ngay trong ngày 4/11/1605, những người trung thành với đức vua vui mừng đốt lửa và thiêu cháy những hình nộm được gọi theo tên của "kẻ phản bội" Guy Fawkes.

Wider Mann

Wider Mann không phải là một kì nghỉ, đây là một nghi lễ được tổ chức bởi một số tốc người thổ dân ở Châu Âu. Vào dịp này, mọi người sẽ hoá thân thành những "Wider Mann" với bề ngoài nửa người nửa động vật đầy ma quái.

Lễ hội người chết - Mexico

Lễ hội người chết hay lễ hội Día de Los Muertos (ngày của những người chết). Lễ hội này được tổ chức vào ngày 02/11 hàng năm tại toàn bộ các nước Châu Mỹ La tin và nói tiếng Tây Ban Nha. Đây là lễ hội tương tự như Haloween của châu Âu.

Vào ngày này mọi người thường đeo mặt nạ có hình ma quỷ hoặc sọ người. Sô-cô-la nóng là một trong những món đồ uống không thể thiếu trong ngày lễ “quái dị” này. Đồng thời mọi người sẽ ăn những loại bánh làm từ bột mì có hình dạng giống như đầu lâu, sọ người.

Lễ Gai Jatra

Gai Jatra là một lễ hội được tổ chức bởi người Nepal để tưởng nhớ những người đã qua đời vào năm trước. Nếu gia đình nào có người chết, họ sẽ mang theo một con bò đến lễ hội.

Trong khi những lễ hội khách thường mang bầu không khí đáng sợ, thì Gai Jatra lại là lễ hội của những trò đùa, tiếng cười, những câu chuyện châm biếm. Tập tục bày bắt nguồn từ việc một nhà vua muốn tưởng niệm ngày mất của con trai này bằng cách làm cho vợ mình cười, ông ban thưởng cho những ai có thể làm cho nụ cười xuất hiện trên môi vợ mình.

Lễ Famadihana

Famadihana có lẽ là lễ hội ma quỷ kì lạ và đáng ám ảnh nhất thế giới. Đây là một nghi lễ được tổ chức bởi người Malagasy ở Madagasca. Người ta tin rằng người chết không thể siêu thoát nếu như thân xác của họ vẫn chưa tiêu huỷ hết, vì vậy người ta muốn đẩy nhanh quá trình này. Những người Malagasy đã đào xác chết lên, quấn bằng vải và nhảy múa với thi thể đó.

 

Thảo Nhi (thethaovanhoa.vn)