Đến Bali mùa Kuningan: Đền thiêng thanh tẩy tâm hồn
Ngày đăng: 11/01/2018Khi thửa ruộng bậc thang ở Tegallalang vàng ươm, nương cà phê Temen dưới đỉnh Agung vào vụ, cây thông Giáng sinh tràn ngập khu Nusa Dua… cũng là lúc các tín đồ Hindu giáo Bali vào mùa lễ hội trọng đại Kuningan, mùa của ánh sáng tiêu diệt bóng tối, của cái thiện chiến thắng cái ác… Riêng với lữ khách đến Indonesia, đây là mùa tuyệt vời nhất trong năm để khám phá những nét duyên ngầm của Bali nơi miền vạn đảo.
Nếu như cây thông biểu trưng cho mùa lễ hội Giáng sinh, thì riêng Bali, cây nêu (tiếng bản ngữ là penjor) chính là biểu trưng đặc biệt báo hiệu mùa lễ hội Kuningan lại đến, khi mà nhà nhà đều cắm một cây nêu làm từ thân tre đổ ngọn cong vút trước cổng. Lữ khách phương Tây khi thấy cả rừng nêu trong các làng mạc ở Bali đã đặt tên là “cây thông Giáng sinh Bali”.
Lễ hội Kuningan thường được tổ chức hai lần trong năm, đánh dấu năm mới theo lịch riêng của người Bali, gọi là Pawukon với một năm gồm 210 ngày. Dịp đầu thường diễn ra vào giữa năm, dịp còn lại vào cuối năm theo dương lịch. Trong mùa lễ hội Kuningan, người Bali quan niệm tiền nhân đã khuất sẽ rời thiên đường về thăm viếng gia đình, vị thần linh như thần sáng tạo thế giới Ida Sang Hyang Widi cũng sẽ ngự xuống ban phước lành cho họ. Do vậy Kuningan là mùa lễ hội trọng đại thứ hai của cư dân Bali theo tín ngưỡng Hindu giáo.
Ý nghĩa của Kuningan mang đậm tính triết lý từ bộ sử thi Ramayana, nơi hai tuyến nhân vật chính diện và phản diện tồn tại song hành, định hình hai thế lực Dharma và Adharma (thiện và ác). Người Bali thuộc nằm lòng câu chuyện huyền tích về sự hình thành lễ hội Kuningan, đó là chiến thắng của vị thần cao cả Indra (thần sấm) trước vua Mayadenawa kiêu căng của Bali xưa, người khước từ tôn thờ các linh thần trong Hindu giáo. Mayadenawa hùng mạnh, không thế lực nào đánh bại nổi, ngay cả vương triều Majapahit ở Java cũng không chế ngự được. Thần Indra đã hạ giới để giao tranh khiến vị vua tháo chạy, dùng phép thuật lần lượt biến thành bức tượng, tảng đá, lợn rừng để che mắt quân truy đuổi nhưng không qua mắt được thần Indra. Cuối cùng nhà vua bị tiêu diệt, những bước chân trốn chạy của vua trong vùng thung lũng được đặt tên là Tampak Siring (dấu chân nghiêng). Ngày chiến thắng được người Bali và đạo quân của vương triều Majapahit ăn mừng, gọi là lễ hội Kuningan để tôn vinh cái thiện đã chiến thắng cái ác.
Người làng Kalisat, Ubud mang đồ cúng lên đền làng trong mùa Kuningan
Ngoài các nghi thức cúng tế diễn ra liên tục trong mùa lễ hội Kuningan (kéo dài trung bình từ 10 ngày đến 30 ngày tùy địa phương), điểm nhấn nhận biết Kuningan dễ thấy nhất là cây nêu. Mùa Kuningan đến, các thành viên gia đình (chủ yếu là đàn ông) sẽ tự tay trang trí cây nêu, họ dồn cả tinh thần, niềm vui và các kỹ thuật được truyền dạy qua nhiều thế hệ cách thức trang trí chứ không thuê mướn người khác thực hiện. Trong khi phụ nữ lo việc bếp núc, nấu các loại bánh và chuẩn bị vật phẩm cúng tế cho thần linh và tổ tiên. Cây nêu có độ cao khoảng 10m, với cột trụ làm từ thân tre có ngọn võng, lá trang trí trên cây nêu là lá dừa, trên đó đính các bông lúa đang trổ hạt. Mùa cuối năm cũng là vụ lúa chín ở các thửa ruộng thang khắp Bali. Đường cong của cây tre tượng trưng cho hình ảnh đỉnh núi thiêng, đoạn giữa treo nhiều vật phẩm cúng tế gọi là Sanggah Cucuk, gia chủ sẽ chọn những vật cúng phù hợp với gia cảnh và nhu cầu, thói quen tổ tiên - ông bà thường sử dụng, đặt vào một cái am nhỏ đan khéo léo từ nan tre gọi là Canang Sari. Cây nêu khi dựng lên, còn được mệnh danh là những ngọn núi. Và trong quan niệm Hindu giáo, linh thần luôn ngự trị trên các đỉnh núi cao. Mùa Kuningan nếu có cây nêu, đồng nghĩa với việc gia đình hưng vượng, hạnh phúc, thành đạt.
Vũ điệu Sư tử Barong Ket luôn khép lại với phần thắng thuộc về sư tử linh thiêng
Kuningan cũng là dịp người Hindu giáo Bali tìm đến gia đình người thân trong họ hàng, thôn xóm chung vui, tìm đến các đền thiêng để thanh tẩy tâm hồn và thân xác.
Những ngôi đền lớn nhất ở Bali như Pura Besakih dưới chân đỉnh Agung - ngọn núi lửa vừa thức giấc sau đợt phun trào mạnh vào tháng 11 vừa qua - để dâng cúng các con vật hiến tế lên thần linh ngay trước ngày chính của lễ hội, gọi là Panampahan. Những đền đài nổi tiếng khác được người Hindu giáo tìm đến không chỉ bởi niềm tin vào sự linh thiêng, mà còn là một tuyệt tác nghệ thuật ở góc độ kiến trúc như đền Gunung Kawi, nơi những bảo tháp được tạc thẳng vào vách đá núi. Không gian Gunung Kawi được các thiền sư thường tìm đến để hành thiền mỗi dịp cuối ngày, và đây cũng là nơi khám phá những nét đẹp trong kỹ thuật tạo tác đền thờ Hindu độc đáo nhất ở Bali.
Hành thiền trong không gian tĩnh lặng của đền núi Gunung Kawi
Huyền tích về Kuningan cũng dẫn lối đến một ngôi đền đặc biệt là Tampak Siring (dấu chân nghiêng) kể trên. Đền toạ lạc trong một vùng thung lũng bình yên, tĩnh lặng với những cây rừng cổ thụ trăm năm tuổi. Du khách dễ bị cuốn hút bởi vẻ đẹp cổ kính của kiến trúc đền, hoà trộn trong không khí thành kính của người mộ đạo đến nguyện cầu, trầm mình bên hồ nước để thanh tẩy tâm hồn và thân xác. Những hoạt động cúng tế, chiêm bái diễn ra liên tục từng giờ khắc, minh chứng một dòng chảy mạnh mẽ trong nhịp sống tâm linh của người bản địa, được bảo tồn và gìn giữ từ những lễ hội, những nghi thức tôn giáo đã bao năm qua chưa hề mai một.
Tín đồ Hindu giáo thanh tẩy bên dòng nước thiêng ở đền Tampak Siring
Khách phương xa tìm đến Bali đúng mùa Kuningan chỉ là cái cớ, bởi ngoài nét đẹp từ những nghi thức đậm sắc màu Hindu giáo, còn là dịp để khám phá thêm góc độ nghệ thuật bản địa cũng mang một tinh thần và ý nghĩa của Kuningan. Tiêu biểu trong đó là vũ điệu Sư tử (Barong Ket) diễn ra ở các đền đài vào mỗi tối (lịch công bố chi tiết tại các điểm du lịch và khách sạn). Người xem sẽ gặp hình ảnh một con sư tử là sự kết hợp các vóc dáng của hổ, rồng, bò, sư tử, tượng trưng cho sức mạnh, hạnh phúc, và cái thiện. Hai người điều khiển sư tử sẽ biểu đạt các cảm xúc thông qua làn điệu cung đình Gamelan Semar Pegulingan - ra đời từ thế kỷ 17 - gồm các nhạc cụ cồng, chiêng, sáo, trống, thanh la... Và rồi sân khấu xuất hiện các nhân vật phản diện, tượng trưng cho cái ác tìm đến quấy phá, chọc ghẹo theo vũ điệu gọi là Rangda.
Màn trình diễn giữa thiện - ác luôn khép lại với phần thắng thuộc về sư tử linh thiêng, cũng giống như cái kết đẹp của mỗi lần đến xứ vạn đảo lại có thêm nhiều chuyện kể, cùng những trải nghiệm đặc biệt giống như hành trình mùa Kuningan này.
Theo nguoidothi.net.vn