Tôn giáo vùng dân tộc thiểu số - Một cuốn sách chuyên khảo rất hữu ích
Ngày đăng: 18/12/2024
Thân mến gửi Quý độc giả!

Một trong những nét đặc trưng của Việt Nam là quốc gia đa dân tộc và đa tôn giáo. Về dân tộc, Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số với 14,10 triệu người chiếm tỷ lệ chiếm 14,7% dân số cả nước. Về tôn giáo, Việt Nam có nhiều tôn giáo và tổ chức tôn giáo với số lượng hơn 26,5 triệu tín đồ chiếm 27% dân số. Đặc biệt, một số tôn giáo phát triển trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số như ở Tây Nguyên có hơn 55% người dân tộc thiểu số tại chỗ là tín đồ tôn giáo, chủ yếu là Công giáo và Tin Lành, ở Tây Nam Bộ có đến 95% người Khmer theo Phật giáo Nam tông, ở miền núi phía Bắc có gần 30% người Hmông mới theo đạo Tin Lành, và ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ hơn 95% người Chăm theo đạo Bà-la-môn và Hồi giáo,... Cộng đồng dân tộc thiểu số theo tôn giáo đặt ra cho hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội cần quan tâm đến hai vấn đề đặc thù: dân tộc và tôn giáo, cùng một lúc phải thực hiện tốt chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo.

Để cung cấp thông tin cũng như hiểu biết về quá trình hình thành và thực trạng những cộng đồng tôn giáo trong dân tộc thiểu số, về chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo hiện nay, dựa trên các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, nhà quản lý, PGS, TS. Nguyễn Thanh Xuân, nguyên cán bộ Ban Tôn giáo Chính phủ, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và TS. Nguyễn Quỳnh Trâm, cán bộ Ban Dân tộc, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoàn thành tập chuyên khảo Tôn giáo vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Sách gồm 575 trang khổ 14,5x20,5 với ba phần:

Phần I: Dân tộc thiểu số và một số tôn giáo liên quan đến dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Chương này giới thiệu dân tộc thiểu số và tín ngưỡng của các cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam, giới thiệu về một số tôn giáo có liên quan đến vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Phần II: Tôn giáo vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Chương này giới thiệu Công giáo và Tin Lành trong cộng đồng người Hmông ở Tây Bắc, Công giáo và Tin Lành trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, Phật giáo Nam tông trong cộng đồng người Khmer ở Tây Nam Bộ, đạo Bà-la-môn và Hồi giáo trong cộng đồng người Chăm, hiện tượng tôn giáo mới trong cộng đồng dân tộc thiểu số.

Phần III: Chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo. Chương này giới thiệu chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo thời kỳ đổi mới, những kết quả đạt được, những vấn đề đang đặt ra và những điều cần tham chiếu,...

Ấn phẩm cấu trúc ba phần để mở rộng các vấn đề có liên quan, trong đó có những thông tin về lịch sử vùng đất và con người cần quan tâm, thông tin về quá trình chuyển biến về nhận thức và ứng xử đối với tôn giáo trong một số trường hợp cụ thể. Ấn phẩm còn có 20 trang gồm 40 ảnh tiêu biểu về dân tộc, về tôn giáo vùng dân tộc thiểu số để tham khảo. Ấn phẩm được ông Vũ Hoài Bắc, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ đọc và có Lời giới thiệu khi xuất bản đã đánh giá cao về chất lượng chuyên môn.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!