Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở một số nước trên thế giới – một ấn phẩm “quý và hiếm”
Ngày đăng: 04/03/2024
Thân mến gửi Quý độc giả!

Thời đại toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, qua truyền thông, nhiều vấn đề về kinh tế, văn hóa, xã hội được kết nối và phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, lĩnh vực tôn giáo vì những lý do riêng nên thông tin không nhiều và nếu có vẫn mang tính dè dặt.

PGS, TS. Nguyễn Thanh Xuân, nguyên là cán bộ Ban Tôn giáo Chính phủ, sau này là giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, có thời gian được phân công phụ trách công tác đối ngoại tôn giáo ở Ban Tôn giáo Chính phủ nên có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu về tôn giáo và chính sách tôn giáo ở một số nước. Đặc biệt, ông tiếp xúc với các nguồn tài liệu quý của Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an,… cùng với những tư liệu sau những chuyến công tác nước ngoài qua các bài viết đăng Tạp chí Công tác Tôn giáo giới thiệu về tôn giáo và chính sách tôn giáo của các quốc gia, như: In-đô-nê-xi-a, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ,… Đến nay, ông Nguyễn Thanh Xuân được sự hỗ trợ của con gái là TS. Nguyễn Quỳnh Trâm và các đồng nghiệp trong công tác nghiên cứu và quản lý, đã hoàn thành tập sách Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở một số nước trên thế giới. Ấn phẩm gồm các nội dung chủ yếu như sau:

Giới thiệu về một số tôn giáo, như Công giáo và Chính Thống giáo, Tin lành và Anh giáo, Phật giáo Nam tông và Phật giáo Bắc tông, Hồi giáo và tôn giáo Baha’i, Ấn Độ giáo và đạo Sikh - những tôn giáo có mối quan hệ và ảnh hưởng quốc tế. Theo tác giả, viết về các tôn giáo trên thế giới đã có nhiều công trình được công bố, khi tiếp cận tôn giáo và chính sách tôn giáo ở một số quốc gia cần khái quát về một số tôn giáo để có cách tiếp cận đa dạng và toàn cảnh.

Giới thiệu về tôn giáo và chính sách tôn giáo ở 11 nước châu Âu và châu Mỹ, như: Anh, Ba Lan, Đức, I-ta-li-a, Nga, Pháp, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ (Mỹ) và Cu Ba. Với các nước này, tác giả chú trọng ba nước là Nga, Pháp và Mỹ có đặc điểm tôn giáo nổi bật.

Giới thiệu về tôn giáo và chính sách tôn giáo ở 11 nước châu Á, như: Cam-pu-chia, Hàn Quốc, In-đô-nê-xi-a, Lào, Ma-lai-xi-a, Nhật Bản, Phi-líp-pin, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam và Xinh-ga-po. Với các nước này, tác giả chú trọng ba nước là Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam có đặc điểm tôn giáo nổi bật.

Cùng với nội dung trên, sách có phần phụ lục với nội dung trích nguyên văn quy định về tôn giáo tại Hiến pháp của 18 nước được xây dựng từ năm 1779 đến 1946. Đặc biệt, sách có trích giới thiệu quy định pháp luật hiện hành liên quan đến tôn giáo của 08 nước, như: Lào (2016), Hung-ga-ri (2012), Nga (1997), Nhật Bản (1995), Pháp (1905), Trung Quốc (2004), Việt Nam (2016), Xinh-ga-po (1996).

Khác với các công trình đã công bố mang tính học thuật, tác giả viết về tôn giáo và chính sách tôn giáo từng quốc gia đi theo cấu trúc truyền thống, trước hết là giới thiệu khái quát về lịch sử, tộc người, văn hóa, xã hội, thể chế chính trị - những điều mà tác giả cho rằng rất liên quan đến tôn giáo và chính sách tôn giáo. Giới thiệu về tôn giáo và những nét đặc trưng tôn giáo của từng quốc gia. Điều quan trọng của nội dung là những nhận thức và ứng xử với tôn giáo qua nguyên tắc hiến định và những quy định pháp luật, hoặc chung với các lĩnh vực khác, hoặc riêng đối với tôn giáo. Và điều cuối cùng là chính sách tôn giáo ảnh hưởng đến đời sống chính trị, xã hội của các quốc gia cùng với những vấn đề đặt ra - nếu có.

Đến nay, chưa có ấn phẩm nào mở rộng về tôn giáo và chính sách tôn giáo ở các nước trên thế giới. Với nội dung như nói trên, sách là ấn phẩm  quý và hiếm” ở Việt Nam. Ấn phẩm sẽ giúp độc giả hiểu về tôn giáo và chính sách ở những nước tiêu biểu trên thế giới, hiểu về tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam trong sự tương thích luật pháp quốc tế và tương đồng với các nước trên thế giới.

Phong cách thể hiện của ông Nguyễn Thanh Xuân trong các công trình đã công bố, như: Một số tôn giáo ở Việt Nam (1992, tái bản lần thứ 12 năm 2016), Bước đầu tìm hiểu đạo Tin Lành trên thế giới và ở Việt Nam (2002, tái bản 2019), Đạo Cao Đài - Hai khía cạnh lịch sử và tôn giáo (2013, tái bản 2016), Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam (2015, tái bản 2020, 2023),… đều viết đơn giản, dễ hiểu. Cuốn sách Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở một số nước trên thế giới cũng vậy. Trân trọng giới thiệu.