Phật giáo Hòa Hảo 20 năm hoạt động và phát triển
Ngày đăng: 16/04/2019
Nguyễn Huy Diễm Từ năm 1939, Phật Giáo Hoà Hảo đã hình thành, tuỳ duyên tồn tại và phát triển ngót 80 năm qua, bởi giáo lý của tôn giáo này được thắp sáng từ những đề thuyết giản dị đặc thù; lấy vô vi chân truyền của Phật tổ làm nòng cốt. Đức Huỳnh Giáo Chủ đã dung hoà nhuần nhuyễn tinh hoa tam giáo Nho, Lão, Phật; Bửu Sơn Kỳ Hương và tư tưởng của riêng mình để hình thành một giáo thuyết mới vừa phù hợp nếp sống dân tộc, vừa có thể áp dụng được trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.

Xuất phát từ giáo pháp “Học Phật – Tu Nhân”, Giáo chủ đã giáo huấn sâu sắc tín đồ bằng tiếng Việt thân yêu về lý tưởng hành đạo, về cách ăn ở, tu hiền, nghi thức lễ bái, đối nhân xử thế; minh giải dễ hiểu về Tứ Diệu Đế, nhiếp hoá pháp tu Thiền, Tịnh; bàn Tứ ân, giảng Tam nghiệp, luận Bát chánh .v.v. Ngài khẳng định “ Cái hành đạo đúng theo ý tưởng xác thực của nó là làm thế nào phát hiện được những đức tánh cao cả và thực hành trên thiệt tế bằng mọi biện pháp để đem lại cái phước lợi cho toàn thể chúng sanh, thì đó là sự thoả mãn trong đời hành đạo của mình”.

Vì vậy, việc “đem lại cái phước lợi cho toàn thể chúng sanh” luôn vừa là mục tiêu cũng vừa là động lực của mỗi người tín đồ PGHH trong suốt quá trình hình thành và phát triển Đạo đồng hành cùng dân tộc. Phước lợi chúng sanh chính là Dân giàu, nước mạnh, thế giới hoà bình, an lạc, dân chủ, văn minh…

Hai mươi năm qua, kể từ Kỷ Mão (1999) đến nay, hòa cùng xu thế hội nhập, phát triển toàn diện của đất nước, dưới sự điều hành của  Ban Trị sự Trung ương Phật giáo Hòa Hảo, hệ thống Giáo hội và hầu hết tín đồ đã đoàn kết một lòng, tin tưởng, tích cực hưởng ứng các chương trình đạo sự do Đại hội toàn đạo 4 nhiệm kỳ đề ra .

Trong 20 năm ấy, tuy có lúc, có nơi, có không ít vấn đề mới phát sinh, gây tâm lý bức xúc băn khoăn trong một bộ phận tín đồ, chức việc, nhân viên… về các biểu hiện lệch tôn chỉ, giáo lý, về mâu thuẫn nội bộ, về đoàn kết đạo, đời… nhưng xét toàn cục và tổng thể, có thể nói thành tựu của các chương trình đạo sự 20 năm là to lớn; vị trí của tôn giáo Phật giáo Hòa Hảo được nâng lên; dư luận xã hội đồng tình và đánh giá cao tâm huyết của người tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đối với các thành quả đạo sự từ thiện góp phần ổn định an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh…, thực hiện tốt theo lời dạy của Giáo chủ:

“Tu đền nợ thế cho rồi,

Thì sau mới được đứng ngồi toà sen”

Hình thành và phát triển

Hai mươi năm qua (1999 – 2019) là giai đoạn mà Phật giáo Hòa Hảo có một bước phát triển đặc thù. PGHH được Nhà nước công nhận tổ chức (1999), có bộ máy mới được hình thành đó là Ban Đại diện (nay là Ban Trị sự Trung ương) đặt trụ sở làm việc tại An Hoà Tự và các Đại diện (nay là Ban Trị sự các xã, phường, thị trấn) tại các cơ sở. Sự kiện nầy được hầu hết tín đồ phấn khởi vì từ đây bà con đã có người đại diện cho mình, có Sấm giảng (tái bản) để đọc, có chân dung Giáo Chủ để chiêm ngưỡng…

- Nhiệm kỳ I (1999 - 2004)

Ban vận động Đại hội PGHH được hình thành theo công văn số 51/TCGP-V3 ngày 08/4/1999 của Ban Tôn giáo Chính phủ, ra mắt tại An Hoà Tự (thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) ngày 19/4/1999. Danh sách gồm 20 vị, do ông Nguyễn Văn Tôn làm Trưởng ban.

Đại hội Đại biểu tín đồ PGHH nhiệm kỳ 1 được tổ chức trong 2 ngày 25 – 26/5/1999 tại An Hoà Tự. Có 210 Đại biểu chính thức và 250 khách mời, bao gồm các cấp Uỷ Đảng, Chính quyền, HĐND, UBND, BDV, BTG các tỉnh đồng bằng Nam bộ như: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Tp Hồ Chí Minh; cùng các huyện thị, thành và sở tại trong tỉnh An Giang. Đại hội thống nhất suy cử ra 11 vị vào Ban Đại diện PGHH lần 1 nhiệm kỳ 1999 – 2004, trong đó có 6 vị Ủy viên Ban Đại diện.

Đại hội thông qua Quy chế Phật Giáo Hoà Hảo, tổ chức hoạt động của Ban Đại diện PGHH gồm: Lời nói đầu, 7 chương, 24 điều được Ban Tôn Giáo Chính phủ chấp thuận tại QĐ số 21/ QĐ –TGCP ngày 11/6/1999 do ông Lê Quang Vịnh, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ ký.

Ban Đại diện PGHH (nhiệm kỳ 1) đã tập trung triển khai có hiệu quả bốn chương trình đạo sự trọng tâm: Tổ chức – Nhân sự; Từ thiện – xã hội; Phổ truyền giáo lý và kiểm soát giữ gìn sự trong sáng của nền đạo. Trong đó hoạt động từ thiện góp phần an sinh xã hội đạt 22.342.267.729 đồng (cất nhà tình thương, nhà Đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, sửa chữa, cất cầu, nâng cấp nhựa nông thôn…)

- Nhiệm kỳ II (2004 - 2009)

Căn cứ công văn số 681/ TGCP – TGK ngày 29/10/2003 của Ban Tôn giáo Chính phủ, thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho Ban Đại diện Phật Giáo Hoà Hảo tiến hành Đại hội PGHH lần II trong quý 2/ 2004.

Đầu tháng 4/ 2004, 245 xã, phường, thị trấn của 10 tỉnh, thành phố tổ chức Đại hội cấp cơ sở vòng 1, chọn cử 507 Đại biểu chính thức về dự Đại hội. Ban Đại diện đã hiệp thương ở những nơi chưa có tổ chức cơ sở chỉ định 81 Đại biểu chính thức cùng 11 vị Đại biểu đương nhiệm về dự Đại hội; tổng số Đại biểu chính thức là 599.

Đại hội ngày 09/5/2004 thống nhất suy cử 21 vị vào Ban Trị sự Trung ương PGHH lần II, nhiệm kỳ 2004 – 2009, trong đó Ban Thường trực có 7 vị và 14 Trị sự viên Trung ương.

Đại hội thông qua Hiến chương Giáo hội gồm: Lời nói đầu, 7 chương, 31 điều được Ban Tôn giáo Chính phủ quyết định tại số 106/QĐ – TGCP ngày 18/6/2004 do ông Ngô Yên Thi, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ ký.

Hiến chương Giáo hội và chương trình đạo sự nhiệm kỳ 2 đã phát huy tích cực hoạt động toàn diện của Ban Trị sự Trung ương, đặc biệt là đạo sự phổ truyền giáo lý và từ thiện – xã hội. Đạo sự Tổ chức, Kiểm soát, góp phần ổn định an sinh xã hội với số liệu thống kê chưa đầy đủ là 197.238.311.000 tỷ đồng (tăng hơn gấp 7 lần so với nhiệm kỳ I).

- Nhiệm kỳ III (2009 - 2014)

Căn cứ kết quả của 327 Đại hội cấp cơ sở, ngày 21/5/2009, Đại hội toàn đạo có 21 vị Đại biểu đương nhiệm, 556 Đại biểu chính thức của cơ sở và 72 Đại biểu chỉ định. Tổng số 649 Đại biểu về dự Đại hội đã thống nhất suy cử ra 27 vị trong Ban Trị sự Trung ương lần III, trong đó Ban Thường trực 9 vị và 18 Trị sự viên Trung ương.

Hoạt động từ thiện xã hội ở nhiệm kỳ III tiếp tục tăng, đạt 734.447.232.000 đồng (gấp 4,5 lần so với NK II). Trên cơ sở Hiến chương mới gồm 7 chương, 33 điều được chấp thuận tại công văn số 697/ TGCP ngày 14/7/2009 do ông Nguyễn Thế Doanh, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ ký.

- Nhiệm kỳ IV (2014 - 2019)

Căn cứ kết quả của 391 Đại hội cấp cơ sở, ngày 22/5/2014, Đại hội toàn đạo được tổ chức tại An Hoà Tự với 800 Đại biểu tham dự. Trong đó có 26 Đại biểu đương nhiệm, 657 Đại biểu chính thức của cơ sở và 117 Đại biểu chỉ định.

Đại hội thống nhất suy cử ra 27 vị trong BTSTƯ, gồm 9 vị Ban Thường trực và 18 vị Trị sự viên Trung ương.

Đại hội thông qua Hiến chương gồm 7 chương, 33 điều được Ban Tôn giáo Chính phủ chấp thuận tại công văn số 608 ngày 16/6/2014 và 808/ TGCP – TGK ngày 31/7/2014 do ông Dương Ngọc Tấn, Phó Trưởng ban và ông Bùi Thanh Hà, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ ký.

Hiến chương Phật Giáo Hoà Hảo nhiệm kỳ IV có nhiều điểm đổi mới được bà con tín đồ toàn đạo phấn khởi và nhiệt liệt hưởng ứng. Hoạt động từ thiện xã hội tiếp tục tăng (năm 2014 đạt 301.666.531.000 đồng; năm 2015 đạt 373.441.438.000 đồng; năm 2016 đạt 363.325.515.000 đồng; năm 2017 đạt 404.846.113.000 đồng; năm 2018 đạt 484.935.996.000 đồng).

Tính từ nhiệm kỳ I (1999 - 2004) đến nay:

- Hoạt động từ thiện, góp phần ổn định an sinh xã hội nhiệm kỳ IV tăng đột biến, đã đạt trên 1.928.215.593.000 đồng (một ngàn chín trăm hai mươi tám tỷ, hai trăm mười lăm triệu, năm trăm chín mươi ba ngàn đồng) với số liệu thống kê chưa đầy đủ (tăng gần 100 lần so với nhiệm kỳ I).

- Hoạt động phổ truyền giáo lý đã mở được 388 lớp Bồi dưỡng giáo lý căn bản với trên 41.200 học viên, đào tạo 270 Giáo lý viên đi thuyết giảng trong vả ngoài cơ sở thờ tự 15.807 lần với gần 2.600.000 lượt người tham dự. Phát hành gần trên 2.200.000 ấn bản các loại gồm Sấm giảng, Thi văn, Tôn chỉ hành đạo, Chân dung, Tám điều răn cấm, Tạp chí Hương Sen, băng đĩa, phụng tạo trần dà vv…

- Về Tổ chức và Nhân sự: Giáo hội hiện có 17 tỉnh, Tp từ Bịnh Định đến Cà Mau đang hoạt động hợp pháp với 14 Ban Đại diện PGHH tỉnh, Tp; 400 Ban Trị sự xã, phường, thị trấn; trên 4000 Trị sự viên, chức việc; 49 chùa PGHH được công nhận và triển khai tổ chức tốt các ngày lễ trọng của đạo phục vụ trên triệu lượt người hàng năm tại trung tâm An Hoà Tự, Tổ Đình và hầu khắp các BTS xã, phường, thị trấn trong toàn đạo.

- Các hoạt động đạo sự khác như: Đạo sự hành chánh văn phòng, đạo sự tài chính, đạo sự kiểm soát, giữ gìn sự trong sáng của nền đạo v.v.. luôn được Giáo hội quan tâm củng cố, nâng chất. Đã mở trên 54 lớp Bồi dưỡng đạo sự hành chính cho Trị Sự viên, chức việc, nhân viên. Hiện đang mở liên tục các lớp tin học văn phòng tại trung tâm An Hoà Tự, từng bước đưa công nghệ thông tin vào quá trình quản lý điều hành hệ thống Giáo hội.

Những đóng góp của Phật Giáo Hoà Hảo trong bối cảnh Việt Nam hội nhập, đổi mới

Thành công của Đại hội đại biểu lần IV (2014- 2019) đã mở ra giai đoạn mới cho sự phát triển của hệ thống tổ chức Giáo hội nói riêng và cho sự “phát khai” của đạo PGHH nói chung khi đất nước đang trong tiến trình đổi mới toàn diện, từng bước hội nhập vững chắc ngang tầm với khu vực và quốc tế.

Chủ trương chính sách và pháp luật Nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo ngày càng cụ thể, nhất là khi luật Tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành. Các cơ quan chức năng Nhà nước Trung ương, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban MTTQ Việt Nam và các cơ quan thẩm quyền các cấp ở địa phương đã luôn quan tâm hướng dẫn, giúp đỡ tạo điều kiện cho Ban Trị sự Trung ương và cả hệ thống Giáo hội trong suốt quá trình hoạt động. Đường hướng hành đạo “vì Đạo pháp – vì Dân tộc” là sự cụ thể hoá giáo pháp “Học Phật – Tu Nhân”, tại gia cư sĩ đã đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng, tình cảm và nguyện vọng của toàn thể tín đồ.

Đời sống mọi mặt của tín đồ đã từng bước được nâng cao, nhu cầu tín ngưỡng và hoạt động tôn giáo chính đáng được đáp ứng nên hầu hết tín đồ yên tâm, tin tưởng vào đường hướng hành đạo của Giáo hội, tinh tấn tu hành và chuyên cần làm ăn, đoàn kết, ủng hộ các chương trình đạo sự do Ban Trị sự Trung ương đề ra.

Xây dựng được một hệ thống Giáo hội ổn định, đoàn kết, hoạt động theo Hiến chương và pháp luật của Nhà nước.

- Tu chỉnh, hoàn thiện dần hàng chục các văn bản đạo quy phù hợp với Hiến chương Giáo hội.

- Giữ vững mối quan hệ tốt đẹp giữa Giáo hội với hệ thống Nhà nước trong khuôn khổ pháp luật.

- Ban Thường trực BTSTƯ thực hiện nhiệm vụ điều hành giữa hai kỳ họp của BTSTƯ, định hướng và chỉ đạo giải quyết có hiệu quả các vấn đề có liên quan đến hoạt động của Ban Trị sự 2 cấp và sinh hoạt tôn giáo của tín đồ.

- Củng cố, phát triển và kiện toàn tổ chức nhân sự thuộc hệ thống Giáo hội.

Đẩy mạnh hoạt động từ thiện xã hội góp phần an sinh xã hội:

Đạo sự từ thiện xã hội là nét đặc trưng của giáo pháp Học Phật – Tu Nhân, tại gia cư sĩ, là sự thể hiện lòng nhân ái, tình yêu thương con người trong đạo đức truyền thống của dân tộc. Các hoạt động có hiệu quả mà cả xã hội đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao là: cất nhà đại đoàn kết, nhà tình thương, cầu nông thôn, hòm thí, tặng quà đồng bào nghèo vui xuân, hỗ trợ bênh nhân mổ mắt, xe đưa rước bệnh nhân cấp cứu từ tuyến dưới lên tuyến trên, hỗ trợ gạo các tổ từ thiện nấu cơm cháo, nước tại các bệnh viện trong khu vực, sưu tầm thuốc nam chế biến dược thảo, mua đất lập nghĩa địa, tặng sách vỡ học sinh nghèo hiếu học, hỗ trợ tài vật cho các hội khuyến học, tổ chức điều hành các bếp ăn khuyến học, phục vụ nhân dân lao động, cứu trợ hoả hoạn, thiên tai…

Trong những năm gần đây, các hoạt động từ thiện đã mở rộng phạm vi và chuyển biến tích cực như: Vận động cuộc sống mới ở khu dân cư, tham gia quỹ vì người nghèo, vòng tay nhân ái, hiến máu nhân đạo, nắm gạo tình thương, nuôi dưỡng người già và nuôi trẻ mồ côi, kéo dây điện đem ánh sáng đến những hộ nghèo ở nông thôn, tặng quà các hộ chính sách; tặng quà và động viên thanh niên thi hành nghĩa vụ quân sự, ủng hộ quỹ chất độc màu da cam, bệnh nhân AIDS, quỹ học bỗng cho sinh viên, học sinh nghèo hiếu học.

Tiếp tục nhân rộng mô hình xây cầu bê tông nông thôn bằng nguồn vốn huy động theo công thức “Nhà nước hỗ trợ tín đồ và Mạnh thường quân đóng góp + Ban Trị sự cơ sở và bà con tín đồ trực tiếp thi công”.

Mô hình này là sự cụ thể hoá chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm các công tác phúc lợi xã hội, gắn với chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới do Nhà nước phát động vì lợi ích của cộng đồng, trong đó có tín đồ PGHH.

Có thể khẳng định rằng, hoạt động từ thiện xã hội của toàn đạo PGHH luôn thể hiện tính nhân văn sâu sắc theo giáo lý chân truyền của Đức Huỳnh Giáo Chủ, được Uỷ ban Trung ương MTTQVN, UBMTTQVN các tỉnh, thành phố và tôn giáo bạn thừa nhận.

Tổng số quy thành tiền các hoạt động từ thiện xã hội và nhân đạo, trong các nhiệm kỳ từ 1999 đến nay đã thống kê được trên 2.882.243.403.000 đồng với con số tổng hợp hoàn toàn chưa đầy đủ từ hàng loạt hoạt động nhân đạo tự phát, tự nguyện của bà con tín đồ chân tu tâm đạo. Họ âm thầm thực hiện theo lời dạy của Giáo chủ “Giúp đời đừng đợi trả ơn/ Miễn tròn bổn phận hay hơn bạc vàng”. Hay là “Làm hết các việc từ thiện, tránh tất cả điều độc ác, quyết rửa tấm lòng cho trong sạch”, hãy “Tuỳ tài tuỳ sức nỗ lực hy sinh cho xứ sở”v.v..

Tiếp tục mở rộng đạo sự phổ truyền giáo lý, tăng cường bồi dưỡng, nâng cao trình độ thuyết giảng cho đội ngủ giáo lý viên, tích cực góp phần phát huy giá trị đạo đức và tinh hoa văn hóa dân tộc, nâng dần nhận thức, tư tưởng, thái độ, hành vi… qua đó cũng cố lòng tin của toàn đạo vào tiền đồ tươi sáng của đất nước, đạo pháp và dân tộc.

Tích cực giữ gìn sự trong sáng vốn có của nền đạo, ngăn ngừa và đẩy lùi dần các hiện tượng biến tướng, tiêu cực, chống đối trái chiều… đáp ứng từng bước yêu cầu phát triển của Giáo hội trong giai đoạn mới.

- Củng cố đạo sự tài chính, quản lý tốt giáo sản, triển khai trùng tu xây dựng các chùa theo đúng nguyên tắc, quy định của pháp luật.

- Nâng dần chất lượng hoạt động đạo sự hành chính – văn phòng, đảm bảo thông tin thông suốt.

- Tiếp tục củng cố, nâng chất hoạt động Ban Đại diện các tỉnh, thành phố và hoạt động đạo sự toàn diện của các Ban Trị sự cơ sở trong toàn đạo.

- Nâng chất hoạt động của Tạp Chí Hương Sen, trang Website, Tổ thời sự, Tin học văn phòng với mục tiêu giải pháp cụ thể để nâng tầm phục vụ đồng đạo, đồng bào.

- Hướng dẫn xây dựng trụ sở xã, phường, thị trấn nơi có đủ điều kiện theo Hiến chương Giáo hội nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động tôn giáo “vị nhân sinh” của tổ chức đạo trên từng địa bàn. Thông qua công văn số 54/TGCP- TGK, ngày 19/1/2016 của Ban Tôn giáo Chính phủ, về việc xây dựng trụ sở BTS xã, phường, thị trấn, hiện nay đã và đang xây dựng 2 mô hình trụ sở theo mẫu của Ban Trị sự Trung ương tại xã Tân Bình, huyện Mõ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre và xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

- Triển khai đề án xây dựng và đưa vào hoạt động trường Trung cấp PGHH để đào tạo giáo lý viên, Trị sự viên, chức việc trong hệ thống Giáo hội. Giúp nhiều đối tượng học viên nắm vững tôn chỉ, giáo lý, Hiến chương Giáo hội và chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước để đáp ứng tốt các hoạt động đạo sự.

- Tập trung triển khai hiệp thương suy cử nhân sự Đại hội cấp cơ sở và cấp toàn đạo lần V, đồng thời chuẩn bị tổ chức tốt các ngày Đại lễ kỷ niệm 80 năm ngày khai sáng Đạo và kỷ niệm 100 năm ngày Đản sinh Đức Huỳnh Giáo Chủ trong năm 2019.

Hoạt động của Giáo Hội trong xu thế toàn cầu hóa

1- Trong xu thế phát triển bền vững và ổn định của đất nước, hội nhập toàn cầu (WTO) và phát triển ổn định của đất nước, nhiều công trình kiến trúc hạ tầng ngang tầm khu vực và quốc tế, nhiều loại hình văn hoá mang bản sắc dân tộc Việt Nam được thế giới công nhận,…vai trò của nước ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Hoạt động đạo sự nhiệm kỳ IV (2014 - 2019) và những năm kế tiếp, hệ thống Giáo hội và toàn thể tín đồ vẫn kiên định đường hướng “vì Đạo pháp – vì Dân tộc”, tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được của bốn chương trình đạo sự trọng tâm. Trong đó có chuyển đổi, đặt hoạt động phổ truyền giáo lý làm trung tâm; công tác tổ chức – nhân sự làm nồng cốt; kiên quyết giữ gìn sự trong sáng vốn có của giáo lý chân truyền làm hàng đầu để đẩy mạnh các hoạt động từ thiện – xã hội “mang lại phước lợi cho toàn thể chúng sanh”. Đặc biệt chú ý tập trung đáp ứng những yêu cầu mới của xã hội về các lãnh vực khuyến nông, khuyến học, khuyến tài (bên cạnh, khuyến tu, khuyến thiện). Tiếp tục lập các ban khuyến học, các chi hội khuyến học gắn với Ban Trị sự xã, phường, thị trấn; bếp ăn khuyến học vv… Tham gia và tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Động viên đồng đạo, con em đồng đạo (thế hệ trẻ PGHH) học tập, tăng cường năng lực tiếp cận, ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc - đền ơn đồng bào và nhân loại. Bởi vì ơn Đồng bào và Nhân loại trong tứ đại trọng ân đã được Đức Huỳnh Giáo Chủ mở rộng thành lòng biết ơn và yêu thương cả những người của các dân tộc khác nhau trên thế giới “Đang sinh sống với chúng ta trên quả địa cầu”. Ngài dạy “Hãy nghĩ đến họ cũng như mình nghĩ đến mình và đồng chủng mình. Vả lại cái tình từ bi bác ái của Đức Phật mà ta đã nhận thức, rất thâm huyền hoảng huợt. Cái tình ấy nó không bến không bờ, không phân biệt màu da, không phân biệt chủng tộc; nó cũng không luận sang hèn và xóa bỏ hết các từng lớp đẳng cấp xã hội, mà chỉ đặt vào một: Nhân loại chúng sanh. Thế, ta không có lý do gì chánh đáng để vì mình hay vì đồng bào mình gây ra tại hại cho các dân tộc khác. Trái lại, hãy đặt vào họ một tư tưởng nhân hòa, một tinh thần hỷ xã và hãy tự xem mình có bổn phận giúp đỡ họ trong cơn hoạn nạn”. Do vậy mà hoạt động của Giáo hội trong xu thế toàn cầu hóa luôn được quan tâm và diễn ra thuận lợi, phù hợp, hài hòa trong tiến trình hội nhập, đổi mới, phát triển đất nước; cùng các tôn giáo bạn và các tầng lớp nhân dân cả nước xây dựng một Tổ quốc Việt nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

2- Trên lĩnh vực quan hệ quốc tế, có thể nói tác động và ảnh hưởng biến đổi trong đời sống tôn giáo trên thế giới đến đời sống tôn giáo ở Việt Nam hiện nay là một thực tế trong xu thế toàn cầu hoá. BTS TƯ GH PGHH qua các nhiệm kỳ đã tiếp và làm việc với nhiều đoàn ngoại giao nước ngoài tại trụ sở BTS TƯ và Ban Đại diện PGHH thành phố Hồ Chí Minh như: Tổng lãnh sự quán Hòa Kỳ, Tùy viên chính trị tòa đại sứ Pháp, Lãnh sự quán Úc, Đoàn đại diện các nước Bắc Âu,… BTS TƯ GH PGHH đã cử nhiều đoàn đại biểu tham dự và báo cáo tham luận tại nhiều hội thảo, Hội nghị quốc tế tại Việt Nam như: hội nghị Diễn đàn nhân dân ASEM 5 tại Hà Nội; các hội nghị do liên minh Châu Âu phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức tại Thủ đô Hà Nội từ năm 2012, 2013, 2014; các hội thảo do Viện liên kết toàn cầu Mỹ cùng Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức tại Đà Nẳng 2015; nhiều hội nghị khác tổ chức tại Huế, Tp.Hồ Chí Minh, Tp.Cần Thơ, Học viện Chính Trị Quốc gia Hồ Chí Minh (Hà Nội) và Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tại Hà Nội năm 2017,…

3/- Kinh nghiệm quốc tế mà các đại biểu PGHH trao đổi, thảo luận và tiếp thu tại các diễn đàn trên, đặc biệt về phát huy giá trị tôn giáo trong việc góp phần xây dựng xã hội; sử dụng nguồn lực và vốn xã hội do tôn giáo tạo ra vào sự phát triển xã hội (dịch vụ công và an sinh xã hội) là cơ sở lý luận và thực tiễn để hình thành các chương trình hoạt động đạo sự cho Giáo hội trong hiện tại và tương lai. Và cũng tại các diễn đàn trên, đại biểu đại diện BTSTƯ cũng đã cung cấp cho các Hội nghị, Hội thảo những hiểu biết nhiều hơn về tôn giáo PGHH, qua đó từng bước khẳng định vị trí, vai trò tích cực của PGHH trong việc góp phần phát triển đất nước trong xu thế toàn cầu hoá.

4- Về quan hệ đối ngoại, tại Đại hội Đại biểu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo cấp toàn đạo lần IV ngày 22/5/2014, trên 1000 đại biểu tham dự. Ban Trị sự Trung ương Giáo hội PGHH đã thống nhất tuyên bố Thông điệp về chủ quyền Biển đông. Thông điệp kịch liệt phản đối hành động của Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong và ngoài nước vào thời điểm 2014 – 2015.

***

 

Để tích cực giữ gìn, bảo vệ bền vững sự trong sáng vốn có của nền đạo, BTSTƯ GH PGHH chủ trương lấy xây để chống. Tích cực phát huy giá trị đạo đức tôn giáo chân truyền để đẩy lùi dần các hiện tượng tiêu cực, biến tướng không lành mạnh, không phù hợp với xã hội đang phát triển.

Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức tín đồ qua bốn chương trình đạo sự trọng tâm; giúp bà con hiểu đúng, hành đúng giáo lý, giáo luật của Đạo. Từ sự hiểu biết về chủ trương, chính sách, pháp luật, đồng đạo thấy được sự phù hợp, đồng thuận giữa đạo đức tôn giáo và sự phát triển xã hội mới; an tâm tu hành, có thêm sức đề kháng đối với những tác động gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Với đường hướng “vì Đạo pháp – vì Dân tộc”, Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo không ngừng tiếp tục phát huy những khía cạnh giáo lý phục vụ việc xây dựng và bảo vệ đất nước vì mục tiêu chung; khuyến khích toàn đạo luôn “Cần kiệm sốt sắn lo làm ăn và lo tu hiền chơn chất”, “Làm hết các việc từ thiện, tránh tất cả điều độc ác, quyết rửa tấm lòng cho trong sạch”, “Tùy tài tùy sức nỗ lực hy sinh cho sứ sở…làm cho nước nhà trở nên cường thạnh” theo lời dạy của Giáo chủ; hăng hái tham gia các hoạt động TTXH, thực hành hạnh tu phước thông qua các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh… Giữ vẹn Tứ đại trọng ân “Tránh tam nghiệp và chừa thập ác”… theo giáo lý Phật giáo Hòa Hảo chân truyền.