MENU
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU
Tình yêu biển của đồng bào các tôn giáo Việt Nam
Ngày đăng: 14/11/2018Đến nay, Nhà nước đã công nhận hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 42 tổ chức thuộc 15 tôn giáo với khoảng 25,3 triệu đồng bào có đạo, chiếm 27% dân số, trong đó có 60.799 chức sắc, 133.662 chức việc, 27.916 cơ sở thờ tự và khoảng 45.000 cơ sở tín ngưỡng.... Hầu hết các tôn giáo lớn trên thế giới như: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo... đều có mặt tại Việt Nam; đang chung sống hòa bình, đoàn kết, chung sức xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Cũng như muôn triệu người dân Việt Nam, chủ quyền biển đảo luôn được bà con và các chức sắc tôn giáo hết sức quan tâm, canh cánh trong lòng...
Những năm qua, đại diện đồng bào các tôn giáo ở Việt Nam đã thỏa nguyện ước mong được đặt chân tới huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Những chuyến tàu của Hải quân nhân dân Việt Nam đưa các đoàn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ và chức sắc tôn giáo ra thăm và hành lễ tại nơi đã thấm đẫm khúc tráng ca này chính là những chuyến tàu mang sức mạnh của khối đại đoàn kết.
Khát vọng hòa bình là khát vọng ngàn đời của người Việt Nam. Còn khát vọng khơi xa là khát vọng của người lính biển cũng như người dân đang sinh sống ở các vùng biển đảo xa bờ. Lần đầu tới quần đảo bão tố, ông Issa Tâm đại diện cho cộng đồng người Hồi giáo Việt Nam ở Ninh Thuận bồi hồi chia sẻ: Bộ đội Hải quân rất gần gũi với chúng tôi trong suốt hải trình trên biển và trên đảo. Tôi muốn được ở lại cùng các anh lâu hơn nữa”. Ông nói, sẽ về kể lại cho cộng đồng người Hồi giáo về những gì mình đã thấy và vận động bà con hướng về biển, đảo bằng những hành động thiết thực.
Trong những hải trình ấy của đồng bào tôn giáo không thể thiếu được các nghi thức tôn nghiêm. Những lễ tưởng niệm tại vùng biển Gạc Ma-Cô Lin, Nhà giàn DK1; lễ cầu siêu cho các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc với sự góp mặt của các vị chức sắc nhiều tôn giáo khác nhau như Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo, Cao Đài, Hòa Hảo… đã thắp lên ngọn lửa ấm, nguyện cầu cho các anh linh được mãi siêu thoát.
Hòa thượng Thích Tâm Sang thuộc Tỉnh hội Phật giáo Bình Thuận tâm sự, Cuộc sống hòa bình, hạnh phúc như hôm nay có được là nhờ sự hy sinh của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã và đang kiên gan bám trụ bảo vệ chủ quyền đấ nước. Chúng tôi luôn ghi nhớ và biết ơn điều đó. Chuyến đi này mang ý nghĩa vô cùng cao cả và thiêng liêng. Đảng, Nhà nước và Quân chủng Hải quân đã tạo điều kiện cho các thành viên trong đoàn công tác tận mắt chứng kiến đời sống vất vả và những cống hiến lặng thầm của anh em bộ đội Hải quân vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thân yêu.
Những cây bồ đề đã được trồng trên các đảo ở Trường Sa. Những nắm cát được mang về từ dãy Himalaya để trao cho trụ trì các chùa Song Tử Tây, Nam Yết, Trường Sa-đó là những món quà được mang về từ đất Phật và để minh chứng một điều rằng: Tôn giáo luôn đồng hành với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam./.
Nguồn: baohaiquanvietnam.vn