Quảng Ninh: Chùa Đồng lấp lóa trong chiều thu
Ngày đăng: 09/10/2018
Chùa Đồng ẩn hiện trong sương mù, gió đưa qua, mây đưa lại càng khiến cho không gian nơi đây thêm huyền ảo. Những gì mà Chùa Đồng có được như hôm nay là cả một quá trình lịch sử, cũng như là cả quá trình của con người, một lòng hướng về đạo Phật.

Quảng Ninh, một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi nhiều vẻ đẹp, cùng với đó, nơi đây cũng được coi là điểm đến của đạo Phật. Trong nhiều ngôi chùa nổi tiếng ở “xứ đẹp” này, thì chùa Đồng ở đỉnh thiêng Yên Tử là một kỳ quan, dù kích thước không cao lớn, nhưng đó là ngôi chùa bằng đồng kỳ diệu, ở độ cao hơn 1000m so với mực nước biển.

Lần lại lịch sử, chùa là nơi tu hành của bậc đạo hạnh Trần Nhân Tông. Nơi này sau được khởi xây từ thời hậu Lê, với khung sắt, mái đồng, nhưng diện tích nhỏ. Sau này, qua thời gian và những lần khởi dựng khác, vào năm 2007, ngôi chùa bằng đồng như hiện nay chúng ta thấy được hoàn thành.

Từ chùa Đồng nhìn xuống lưng tượng Phật Trần Nhân Tông

Kiến trúc và hoa văn chùa mang phong cách thời Trần, từ chùa, tượng đến chuông đều được đúc bằng đồng nguyên chất. Trong chùa thờ Phật Thích Ca và Tam Tổ phái Trúc Lâm. Chùa được xác nhận kỷ lục châu Á là chùa trên đỉnh núi bằng đồng lớn nhất.

Với những gì vốn có, nhất là lịch sử gắn liền với vị Tổ sư Trúc Lâm Trần Nhân Tông, và những gì đã có hiện nay, thì Chùa Đồng tự thân đã là một viên ngọc mê hoặc lòng người. Tôi đến ngôi chùa vào mùa thu, và đã cuối giờ chiều.

Do mải mê chiêm bái, và nhìn khung cảnh xung quanh mà mãi hơn 6 giờ tối, tôi mới bắt đầu từ chùa Đồng đi xuống. Ở đây, chúng ta bao quát được không gian rộng, mọi thứ như chìm vào cõi Tiên nào đó. Thời tiết ở đây lành lạnh, dễ chịu, sương vạt qua người man mát.

Từ lối đi lên chùa Đồng, khung cảnh đã ảo mờ trong sương mây

Và quan trọng là chúng ta được đắm chìm vào tích xưa, được cảm nghiệm lại, hồi tưởng lại vị Phật của Việt Nam khi xưa đã từng kiên trì tu hành ở đây. Đó là những dòng hồi tưởng giúp cho tâm hồn thanh tịnh lạ thường. Và không phải ngẫu nhiên mà một vị vua đã từ bỏ ngai vàng để tu theo Đạo Phật.

Đó là điều chúng ta phải suy ngẫm. Vua Trần Nhân Tông ít ra là bỏ được danh lợi, điều mà chúng ta rất khó bỏ khi đang ở danh vị cao. Ngài đã vì Đạo Phật, và cũng vì để đi tìm đến giác ngộ hoàn toàn. Từ đó, giúp lòng người hướng đến từ bi, an lạc.

Theo vanhien.vn