Người Công giáo Hà Tĩnh trong sự nghiệp chung của đất nước
Ngày đăng: 18/09/2018
Đồng bào Công giáo Hà Tĩnh có gần 16 vạn người, (thuộc 60 giáo xứ và 176 họ đạo), sinh sống đều khắp 13/13 huyện, thành phố, thị xã. Nhiệm kỳ Đại hội 5 năm qua (2013-2018), người Công giáo Hà Tĩnh có nhiều đóng góp trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, góp phần xây dựng cuộc sống giàu, đẹp, văn minh.

Khởi sắc những vùng giáo

Về các huyện miền núi như Hương Khê, Hương Sơn, hay vùng đồng bằng Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên của tỉnh Hà Tĩnh…đều nhận thấy sự thay đổi rõ rệt ở vùng giáo. Giáo dân mạnh dạn đầu tư vốn phát triển kinh tế, tạo ra những vườn đồi, trang trại, gia trại trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế hay những mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản hiệu quả. Những nỗ lực của đồng bào Công giáo đã dấy lên phong trào thi đua sản xuất, phát triển kinh tế.

Có thể kể đến các hộ gia đình giáo dân tại các giáo xứ Kim Cương, Kẻ Đọng (Hương Sơn), Tràng Lưu, Thịnh Lạc, Tân Hội (Hương Khê), Đông Cường, Nghĩa Yên (Đức Thọ), Quang Lộc, Tân Thành (Can Lộc)…tại đây có nhiều mô hình thu lợi nhuận từ 200 đến 400 triệu đồng/năm. Đến nay đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp của giáo dân có lợi nhuận cao như Công ty TNHH XNK Châu Tuấn (Nghi Xuân), Công ty TNHH XD&TM Trung Anh (Can Lộc), Công ty TNHH Thương mại Kim Ngân (TP Hà Tĩnh), Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhân Nghĩa (huyện Kỳ Anh), các HTX Tràng Đình (Yên Lộc), Tân Hồng (Hồng Lĩnh)…

Đồng bào Công giáo còn duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống, coi đó là “điểm tựa” kinh tế - văn hóa của mình. Bởi vậy, nghề làm ruốc, nước mắm ở giáo xứ Trung Nghĩa (Lộc Hà), Thu Chỉ (Thạch Hà), Nhượng Bạn (Cẩm Xuyên) hay nghề làm bánh đúc, làm bún, làm thuốc bắc gia truyền ở giáo xứ Nghĩa Yên (Đức Thọ), Ninh Cường (Hương Khê)…gắn liền với cuộc sống của đồng bào Công giáo. 

Giáo dân Bùi Văn Huy (giáo xứ Trung Nghĩa, Lộc Hà) chia sẻ: “Nghề làm nước mắm đã nuôi sống gia đình tôi từ thế hệ này sang thế hệ khác, đó không chỉ là nghề giúp gia đình khá lên về kinh tế mà còn góp phần giữ gìn nét văn hóa truyền thống của quê hương. Ý thức được điều đó nên giáo dân chúng tôi ở đây luôn trân trọng và phát huy nghề truyền thống”.

Tại Hà Tĩnh hiện nay có trên 4.225 hộ gia đình giáo dân có mức thu nhập từ 60 - 80 triệu đồng/năm, 2.370 hộ có mức thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng/năm, 1.647 hộ có thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng/năm, 1.418 hộ có mức thu nhập trên 130 triệu đồng/năm, 718 hộ có mức thu nhập trên 150 triệu đồng/năm. Mức thu nhập này cho thấy, cuộc sống của người Công giáo Hà Tĩnh đã nâng lên rõ rệt, mặt khác, đời sống tinh thần cũng ngày một văn minh, tiến bộ hơn. 

Trong 5 năm qua, có 100% các giáo xứ, giáo họ trong tỉnh đã cùng các tầng lớp nhân dân ở các khu dân cư, khối phố xây dựng quy ước, hương ước, đăng ký thi đua xây dựng “Làng văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”,“Gia đình văn hóa”. Kết quả đã có trên 267 thôn, tổ dân phố có đông đồng bào Công giáo sinh sống đạt danh hiệu “Làng văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, chiếm trên 60%, số gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” năm sau cao hơn năm trước, chiếm trên 80%. 

Những tấm gương “tốt đời, đẹp đạo”

Thực hiện cuộc vận động (CVĐ) “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Sống tốt đời, đẹp đạo” (gắn với nội dung “7 tốt đời, 3 đẹp đạo” gồm: Phát triển kinh tế tốt; xây dựng nếp sống tốt; an ninh chính trị- quốc phòng- trật tự xã hội tốt; giáo dục-y tế- dân số, môi trường, an sinh xã hội và nghĩa vụ công dân tốt. 3 đẹp đạo gồm: Đẹp trong đạo đức, đẹp trong tinh thần bác ái yêu thương và đẹp trong lối sống do Ủy ban ĐKCG Việt Nam phát động đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, trở thành tấm gương sáng cho đồng bào Công giáo noi theo. CVĐ này trở thành nơi gắn kết sâu đậm giữa lương và giáo. Ở đâu có phong trào, ở đó có sự đồng lòng, góp sức của nhân dân.

Người dân rất ấn tượng với hình ảnh linh mục Nguyễn Thái Từ (nguyên quản xứ Nghĩa Yên, xã Đức Yên, huyện Đức Thọ; hiện đang quản xứ An Nhiên, xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh); linh mục Nguyễn Tiến Dũng (nguyên quản xứ Kim Lâm, xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc); linh mục Thân Văn Chất (quản xứ Cam Lâm, xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân)… xắn quần, đội nón, cầm cào, cuốc trực tiếp làm nông thôn mới với bà con nhân dân. 

Linh mục Nguyễn Thái Từ chia sẻ: “Tôi rất tán thành về chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước. Chính bản thân mỗi giáo dân, khi chưa có chủ trương xây dựng nông thôn mới đã muốn có đường sá rộng rãi, hạ tầng đồng bộ, thuận tiện để phát triển kinh tế. Ở xã Đức Yên phần lớn đường giao thông nông thôn đều do  tôi đứng ra chủ trì vận động con chiên hiến đất, tham gia lao động công ích. Sau phong trào rầm rộ ở Đức Yên, các xã lân cận như Đức Lâm, Đức Thủy… cả giáo dân và lương dân thấy vậy liền hưởng ứng. Chúng tôi không chỉ vận động, khuyến khích mà còn trực tiếp làm với giáo dân. Có như vậy mới nhận được sự đồng lòng của dân”. 

Khi còn quản xứ ở Nghĩa Yên, linh mục Nguyễn Thái Từ còn vận động làm được 11 nhà tình thương, trong đó có 2 nhà của lương dân. Ngày thứ Bảy hàng tuần, theo lời kêu gọi của linh mục xứ, giáo dân nơi đây tập trung dọn vệ sinh môi trường, làm sạch đường làng, ngõ xóm. 

Từ sự giáo huấn của các linh mục, sự tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền về phong trào xây dựng nông thôn mới, các giáo xứ, giáo họ trong toàn tỉnh Hà Tĩnh đã thấm nhuần ý nghĩa của phong trào này. Hàng nghìn giáo dân tự nguyện hiến đất mở rộng đường làng, ngõ xóm, đường liên thôn, liên xã, thủy lợi nội đồng, nghĩa trang…Tiêu biểu như là các giáo xứ, giáo họ: Đông Tràng, Nghĩa Yên, Cam Lâm, Kim Lâm, Trại Lê, Lộc Thủy, Tân Thành, Vạn Thành, Vĩnh Phước, Kỳ Anh…

Trong 5 năm qua, giáo dân Hà Tĩnh đã có trên 3.500 hộ gia đình hiến trên 220 nghìn m2 đất, 162 nghìn cây trồng các loại để mở rộng đường làng, ngõ xóm, đường liên thôn, liên xã; huy động đóng góp trên 293 nghìn ngày công, làm được trên 48 km đường bê tông, 76 km đường nền cứng, với số tiền hàng chục tỉ đồng…

Linh mục Nguyễn Tiến Dũng khi còn quản xứ Kim Lâm ở xã Vượng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) từng nói: “Mọi người ở đây đã trở thành một gia đình - “gia đình chung”- nơi đó mọi thành viên yêu thương đùm bọc lẫn nhau, trên tinh thần tôn trọng những nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhau. Điểm nổi bật tạo nên sự thành công trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân chính là mỗi người nhận thức rõ mối liên kết máu mủ, giống nòi. Do đó, mỗi người dù là ai, thuộc tín ngưỡng nào, đều có bổn phận xây dựng đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước”. 

Để ghi nhận những thành tích đóng góp trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tặng Bằng khen cho linh mục Nguyễn Thái Từ, linh mục Nguyễn Tiến Dũng và linh mục Thân Văn Chất.

Những nỗ lực và kết quả thiết thực trong đời sống cộng đồng đã góp phần nâng cao trách nhiệm của người Công giáo trong sự nghiệp chung của đất nước, đó cũng là sự hiện thân tiêu biểu cho tinh thần của đồng bào Công giáo Hà Tĩnh thực thi Thư chung năm 1980. 

Và trong đó, nổi bật lên vai trò kết nối của Ủy ban Đoàn kết Công giáo các cấp ở Hà Tĩnh. Mỗi thành viên của Ủy ban đoàn kết Công giáo Hà Tĩnh đều ý thức được vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc tập hợp đoàn kết mọi người Công giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần thực hiện đường hướng Giáo hội gắn bó, đồng hành với dân tộc.     

Theo báo Đại đoàn kết