Lễ hội Katê của người Chăm theo đạo Bàlamôn tỉnh Ninh Thuận
Ngày đăng: 05/10/2018
Lễ hội Katê được tổ chức mỗi năm một lần bắt đầu từ ngày mùng 01, 02 và 03 tháng 7 Chăm lịch (năm nay nhằm vào ngày 08, 09 và 10/10/2018 Dương lịch). Đây là lễ hội của người Chăm nhằm tưởng nhớ các vị thần như Po Klaung Garai , Po Rame... và tưởng nhớ ông bà tổ tiên, trời đất đã phù hộ độ trì cho con người. Katê là lễ hội lớn của cộng đồng người Chăm, được diễn ra trình tự từ đền tháp (Bi mon, kalan) đến làng (palei) và sau đó đến gia đình (mưngawôm). Lễ hội được lần lượt tổ chức theo thứ tự trước sau tạo thành một dòng chảy của lễ hội Chăm phong phú, đa dạng.

* Lễ hội Katê ở Tháp Chăm:

Tháp Chăm là nơi diễn ra lễ hội chính thức và long trọng. Lễ hội Katê của người Chăm Ninh Thuận được diễn ra ở cả 3 đền tháp Chăm như: Tháp Po Klaung Garai (phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm), Tháp Po Rame (thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước) và Đền Po Nưgar (thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước). Tất cả đền tháp Chăm đều diễn ra lễ hội Katê cùng ngày cùng giờ với nhau và cùng các bước hành lễ như: Lễ rước trang phục, Lễ mở cửa tháp, Lễ tắm thần, Lễ mặc trang phục, đại lễ, hội… Lễ hội Katê ở đền tháp được điều hành bởi ban tế lễ bao gồm: Cả sư (Po Dhia) trụ trì đền tháp làm chủ lễ; Thầy kéo đàn Rabap (On Kadhar) hát thánh ca; Bà bóng (Muk Payâu) dâng lễ vật lên các vị thần; Ông Từ (Camưnay) chủ trì lễ tắm tượng và cùng một số tu sĩ (Paseh) phụ lễ. Ban tế lễ đã sẵn sàng thì lễ hội bắt đầu tiến hành theo các bước sau:

Lễ rước trang phục (Raukaw khan Po yang)

Đoàn rước y trang từ  về Đền Po Nưgar

Tất cả các trang phục của vua chúa thờ ở đền tháp Chăm đều do người Raglai cất giữ. Do vậy khi đến ngày lễ Katê thì người Chăm phải làm lễ đón rước người Raglai chuyển trang phục về lại các đền tháp Chăm. Đây là nghi lễ mở đầu cho ngày hội diễn ra rất trọng thể.

Đội coòng chiêng người Raglai hát mừng trước Tháp Po Klaung Garai

Lễ rước trang phục diễn ra ở 3 đền tháp (Tháp Po Klaung Garai, Tháp Po Rame và Đền Po Nưgar). Trong ngày lễ rước trang phục Po Klaung Garai vào buổi sáng tại đền thờ Po Klaung Garai ở thôn Phước Đồng xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước, đoàn người Raglai đã tập trung đầy đủ, ông Camưway (Ông Từ giữ đền) dâng cúng lễ vật rượu trứng xin phép thần linh cho rước trang phục về Tháp Po Klaung Garai cúng lễ. Khi lễ đón rước kết thúc thì trang phục vua Po Klaung Garai được đưa lên kiệu để đưa về tháp. Đoàn rước lễ có đội múa quạt tập thể trong tiếng trống Ginăng, kèn Saranai... Khi đoàn rước kiệu vua PoKlaung Garai về đền tháp thì đội múa lễ của đoàn múa mừng trước tháp. Đây cũng là điệu múa mừng khi kết thúc một công đoạn trong nghi thức hành lễ của người Chăm.

Đội múa lễ của đoàn rước y trang múa mừng trước Tháp Po Rame

Lễ mở cửa tháp (Pơh băng yang): Sau khi kết thúc lễ rước trang phục thì các tu sĩ xin phép thần Siva (Po Ginôr Mưtri) làm lễ mở cửa tháp. Lễ này được diễn ra trước cửa tháp, được sự điều hành bởi Cả sư (Po Dhia) và Ông Từ giữ tháp (Camưney). Lễ vật cúng xin mở cửa tháp gồm có: rượu trứng, trầu cau, nước tắm thần có pha trầm hương và các hương vị khác. Sau khi đọc xong lời cầu nguyện Ông Camưnay cầm lọ nước tắm thần tạc lên tượng phù điêu thần Siva trên vòm cửa chính của tháp. Tiếp đó, Thầy kéo đàn Rabap và Bà bóng (Pajau) tiến đến trước cửa tháp chính ngồi bên tượng Bò thần Nadin để hát lễ xin mở cửa tháp...Khi đoạn hát lễ kết thúc, thì đoàn lễ tiến vào tháp, Bà Bóng (Pajau) và Ông Từ (Camưnay) bắt đầu mở cửa tháp trong khói hương trầm toả ra nghi ngút. Lễ mở cửa tháp kết thúc.

Lễ tắm tượng thần (Mưney yang): Lễ tắm tượng thần được diễn ra bên trong tháp. Lễ này gồm có Cả sư (Po Dhia), Thầy kéo đàn Rabap, Bà Bóng (Pajau), Ông Từ (Camưnay) và một số tín đồ nhiệt thành thực hiện. Khi mọi người đã ngồi vào bàn lễ, xung quanh bệ thờ thần thì Bà Bóng rót rượu dâng lễ, thầy kéo đàn Rabap bắt đầu hát lễ theo. Trong Tháp thầy Kabap kéo đàn Rabap đang hát thì Ông Từ cầm lọ nước tắm lên pho tượng đá, mọi người bắt tay cùng nhau tắm thần. Lúc này những tín đồ nhiệt thành lấy nước từ trên thân tượng bôi lên đầu, lên thân thể mình để cầu sức khoẻ, tài lộc, may mắn.

Lễ mặc trang phục cho tượng thần (Angui khan aw Po yang): Sau khi lễ tắm Thần kết thúc thì đến nghi lễ mặc áo cho Thần. Lễ chính thức được tiến hành theo lời hát thánh ca của thầy Rabap. Lời thầy hát lễ đến đâu thi trang phục thần được mặc vào đến đó. Đầu tiên là lễ mặc váy, áo, khăn đội, thắt dây lưng, rồi mang giầy, đội mão...Khi thầy Kadhar kéo đàn Rabap hát thì Ông Từ (Camưney), Bà Bóng (Pajau) mặc váy, áo cho tượng Thần, cứ tuần tự như vậy đến đội vương miệng thì kết thúc bài hát.

Đại lễ (mưliêng yang): Sau khi lễ mặc trang phục hoàn tất, lúc này tượng thần đã mang trên mình bộ long bào lộng lẫy, thì cũng là lúc vật dâng cúng được bày ra trước bàn thờ. Đại lễ bắt đầu, lúc này Cả sư (Po Phia) làm chủ điều khiển nghi lễ, Bà Bóng dâng lễ vật, Thầy kéo đàn Rabap hát mời các vị thần về dự lễ. Các vị thần được mời là các vị thần có công với dân với nước được dân làng ngưỡng mộ suy tôn như thần Po Nưgar (Thần mẹ xứ sở) , thần Po Klaung Garai, Po Par (tướng quan văn)... Mỗi vị thần được mời về dự thì Bà Bóng dâng lễ vật, Thầy kéo đàn Rabap hát bài thánh ca, bà con dự lễ chấp tay cầu thần phù hộ độ trì cho họ sức khoẻ, mùa màng.

Cứ như thế thầy kéo đàn Rabap hát mời trên 20 vị thần về dự, mỗi vị thần là một bài hát lễ. Thầy Cả sư thì làm phép đọc kinh cầu nguyện xin Thần về hưởng lễ vật mà phù hộ độ trì dân làng. Phần đại lễ kết thúc bằng vũ điệu múa thiêng của Bà Bóng.

Trong lúc Bà Bóng đang xuất thần điệu múa thiêng trong tháp để kết thúc đại lễ thì bên ngoài bắt đầu mở hội. Những điệu trống Ginăng, kèn Saranai cùng vang lên, đánh nhịp say xưa với những điệu múa, những dòng dân ca Chăm làm hấp dẫn, say mê lòng người. Không khí hội cứ thế mà náo nhiệt, rộn ràng cho đến lúc mặt trời ngả về chiều thì lễ hội Katê trên các tháp Chăm kết thúc.

(Một số hình ảnh hoạt động lễ hội Katê tại các đền  tháp)

* Lễ hội Katê ở làng:

Sau khi lễ Katê ở tháp kết thúc, thì không khí hội lại bùng lên ở các làng Chăm. Trước ngày lễ dân làng phân công nhau quét dọn đền thờ, nhà làng, chuẩn bị sân khấu, sân bãi... Làng xóm như thay da đổi thịt. Cùng với việc trên, một bộ phận khác chuẩn bị lễ vật cúng thần. Các cô thợ dệt làng Mỹ Nghiệp xem xét kỹ lưỡng khung dệt, tơ sợi chuẩn bị cho phần thi dệt (thi tay nghề), cô gái Chăm ở làng Bầu Trúc chuẩn bị chum (Buk) để dự thi đội nước, do dân làng tổ chức…        

Buổi sáng ngày lễ, mọi người làm lễ cúng Katê ở “nhà làng” để cầu mong thần linh phù hộ cho dân làng làm ăn phát đạt. Tương tự như người Việt, mỗi làng Chăm đều thờ một vị thần riêng, chẳng hạn làng Mỹ Nghiệp thờ thần Po Riyak, làng Hữu Đức thờ Po Klaung Halâu…. Trong lễ cúng tế thần làng, chủ tế lễ không phải là chức sắc tôn giáo mà thường là chủ làng (Po palei) hoặc già làng có uy tín và tinh thông chữ nghĩa, am hiểu phong tục tập quán. Ông thay mặt dân làng cúng lễ vật cho thần và cầu mong thần phù hộ độ trì dân làng.

Lễ Katê ở làng (palei) là dịp tụ họp các vị bô lão, chức sắc, trí thức, nhân hào nhân sĩ Chăm. Ở lễ này không có sự tham gia cúng tế của hộ gia đình. Tất cả người dự lễ đều cầu nguyện với thần làng phù hộ độ trì cho dân làng sức khoẻ bình an, được mùa màng, thịnh vượng. Lễ Katê làng chỉ diễn ra trong buổi sáng. Khi kết thúc lễ, mọi người ăn uống cộng cảm với nhau, chia tay chuẩn bị về họp mặt với Katê gia đình.

Nếu như Katê ở đền tháp nặng về phần lễ, thì Katê ở làng phần lễ rất đơn giản, còn phần hội đóng vai trò quan trọng. Ở làng Chăm phần hội diễn ra các trò chơi như thi dệt, đội nước, đá bóng, bóng chuyền, văn nghệ... nhiều trò chơi và những cuộc thi diễn ra trên một sân bãi rộng. Khi cuộc khi dệt bắt đầu thì các khung cửi đã được xếp thành hàng, các cô gái dự thi đã chuẩn bị sẵn tơ sợi, trong hơn một giờ đồng hồ nếu cô nào dệt được một tấm vải dài nhất, đẹp nhất thì sẽ thắng cuộc, những chiếc thoi đưa hối hả, những sợi chỉ giăng mắc đủ màu tạo nên nền vải Chăm muôn màu, muôn sắc. Ở một địa điểm khác, cuộc thi đội nước diễn ra sôi động. Các cô gái Chăm duyên dáng khéo léo đội chum nước thi nhau về đích với một nét văn hoá độc đáo. Các chàng trai thi đấu bóng đá, bóng chuyền và đặc biệt chương trình hát văn nghệ đua tài với những dòng dân ca, những điệu múa truyền thống của những chàng trai, cô gái Chăm hòa nhịp cùng với tiếng kèn Saranai, tiếng trống Ginang kéo dài đến tận đêm khuya mới kết thúc. Hội làng tan dần. Mọi người hân hoan trở về mái ấm gia đình để họp mặt gia tiên.

Lễ hội Katê tại các làng

* Katê ở gia đình:

Khi lễ hội Katê ở làng kết thúc thì lễ Katê gia đình mới được tổ chức. Xưa kia ngày hội Katê kéo dài đến một tháng. Trong thời gian này gia đình nào có điều kiện thì mới tổ chức, nếu gặp lúc kinh tế khó khăn thì có thể mỗi dòng họ cử một gia đình để tổ chức, chứ không nhất thiết gia đình nào cũng làm. Ngày nay Katê gia đình đã được rút ngắn trong thời gian 01 tuần.

Các bà, các chị, các mẹ gói bánh tét, bánh ít…

Cũng như gia đình người Việt, lễ cúng Katê ở gia đình người Chăm cũng có mâm cơm, bánh tét, hoa quả, trầu cau, rượu trứng... Chủ lễ cúng Katê là người trong gia đình hoặc là người lớn tuổi trong tộc họ. Vào ngày lễ này mọi thành viên trong gia đình đều có mặt đông đủ cầu mong tổ tiên thần linh phù hộ cho con cháu làm ăn phát đạt, tránh rủi ro, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Đây cũng là dịp ông bà, cha mẹ giáo dục cho các thế hệ con cháu nhớ ơn, kính trọng tổ tiên. Trong dịp này, mỗi gia đình các bà, các chị, các mẹ chuẩn bị sắm quần áo mới cho đám nhỏ và quần áo đi lễ hội; đi chợ sắm lễ vật; xay bột để gói bánh tét, bánh ít…mời họ hàng, bạn bè đến thăm viếng, chúc tụng nhau; các chàng trai, cô gái; các chị, các mẹ đang gấp rút tập luyện các tiết mục văn nghệ, thể thao và rèn tay nghề để tham gia hội thi dệt thổ cẩm, hội thi làm đồ gốm, thi đội nước và biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm nhân dịp lễ hội Katê. Làng Chăm chìm trong niềm vui, thân thiện, tình đoàn kết xóm giềng...

Nhân dịp này Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận cũng đã có Văn bản chỉ đạo các Sở, Ban ngành, đoàn thể và các địa phương trong tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho chức sắc, chức việc và bà con tổ chức lễ hội Katê bảo đảm vui tươi, an toàn và tiết kiệm; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phục vụ lễ hội tại các khu vực trung tâm của đồng bào dân tộc Chăm Bàlamôn. Đồng thời tổ chức các đoàn thăm hỏi, động viên các vị chức sắc, chức việc các gia đình chính sách và một số gia đình tiêu biểu tại địa phương./.

Nguyễn Tường