Hòa thượng Thạch Sông - Vị trụ trì vì con chữ
Ngày đăng: 20/08/2018
Như một thói quen, cứ mỗi dịp hè, Hòa thượng Thạch Sông - Trụ trì chùa Bâng Tôn Sa, xã Viên An, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng và các vị sư sãi lại tất bật chuẩn bị sách vở để các em nhỏ bước vào tháng ngày học chữ Khmer nhiều thú vị. Tuy không phải là người khởi xướng, nhưng Hòa thượng đã viết tiếp truyền thống của chùa Bâng Tôn Sa, góp phần bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer và đưa việc làm ý nghĩa này lên tầm cao mới.

Tâm huyết vì con chữ

Theo lời kể của Hòa thượng Thạch Sông, chùa Bâng Tôn Sa không chỉ đơn thuần là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, văn hóa, giáo dục của cộng đồng, mà còn là một trong những địa điểm hoạt động bí mật của cách mạng giai đoạn trước năm 1975. Cũng trong giai đoạn này, chùa đã bắt đầu dựng tạm phòng học bằng tre, lá dạy chữ Khmer cho các em nhỏ, việc đến lớp thời bom đạn cũng vô cùng vất vả. Sau giải phóng, chùa bắt đầu trùng tu lại một số công trình, trong đó có phòng học ngày càng được làm mới kiên cố hơn.

Năm 2004, Hòa thượng Thạch Sông chính thức tiếp quản làm Trụ trì chùa Bâng Tôn Sa. Nối tiếp truyền thống của thế hệ trước, hòa thượng tiếp tục mở rộng quy mô dạy chữ Khmer. Hiện nay, 4 ấp của xã Viên An đều được Hòa thượng vận động xây dựng salatel với các phòng học khang trang, đây còn là điểm sinh hoạt cộng đồng, là mái nhà chung của đồng bào Khmer. Hòa thượng Thạch Sông bộc bạch: “Những năm trước, dịp hè có khoảng 400 học sinh theo học chữ Khmer do các sư của chùa dạy. Không những được học chữ, các cháu còn được học về Phật pháp, về văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Kết thúc khóa học, mỗi cháu nhận thêm 5 - 10 cuốn tập làm quà khuyến khích, động viên tinh thần hiếu học”.

Khoảng 2 năm trở lại đây, do cha mẹ đi làm ăn xa nên dịp hè các em được gia đình rước đi sống chung, do đó số lượng học sinh giảm đi đôi chút. Hòa thượng Thạch Sông cho biết, nhận thức của bộ phận đồng bào Khmer còn hạn chế, một số gia đình có ý định cho con nghỉ học để phụ làm. Biết được điều này, Hòa thượng đã tuyên truyền, vận động để phụ huynh cho các em được tiếp tục đến trường. Hòa thượng Thạch Sông lý giải: “Trong chiến tranh khó khăn như thế nào, Bác Hồ còn đặt nhiệm vụ diệt giặt dốt lên hàng đầu, giờ thời bình chúng ta càng phải thực hiện tốt lời Bác dạy”.

Tham gia tốt các hoạt động xã hội

Là một trụ trì sống tốt đời, đẹp đạo, học tập tấm gương vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lấy đó làm “kim chỉ nam” trong thực hiện phật sự. Thấm nhuần lời dạy của Bác đối với Phật giáo “Tôn chỉ mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm”, Hòa thượng Thạch Sông luôn chung tay, góp sức làm nhiều việc có ích cho xã hội. Mỗi năm, Hòa thượng trích khoản kinh phí của nhà chùa để hỗ trợ người nghèo, đồng bào gặp thiên tai, gia đình nghèo có tang sự… Bên cạnh đó, Hòa thượng cũng nhận nuôi một người già neo đơn tại địa phương và hỗ trợ hàng tháng sinh viên nghèo đang học tại Trường Đại học Cần Thơ... Vận động bà con xóa bỏ phong tục lạc hậu, bài trừ mê tín dị đoan, đón lễ, tết tiết kiệm, an toàn, nhờ vậy mà bản sắc dân tộc tiếp tục được phát huy.

Hiện tại, chùa Bâng Tôn Sa có 46 vị sư sãi theo tu học, trẻ nhất 15 tuổi. Quan niệm Phật giáo ngày xưa thanh niên cầm đất ném chim bay là có thể đi tu, nhưng giờ xuất gia vào chùa ít nhất phải 14 - 15 tuổi. Độ tuổi này, các sư, sãi mới chịu được sự khắt khe của giới luật, nhận thức được trách nhiệm của mình. Để các sư, sãi có thêm kiến thức, Hòa thượng Thạch Sông mở lớp dạy sơ cấp Pali tại chùa và tạo điều kiện cho cho 10 vị sư học ở trong, ngoài tỉnh, 4 vị đi du học nước ngoài. Bên cạnh đó, Hòa thượng Thạch Sông còn được biết đến như một vị trụ trì nghiêm khắc khi cho 4 vị sư xuất tu vì vi phạm những điều cấm trong Phật giáo.

Ông Lý Thành Tài - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Viên An nhận xét: “Tuy không phải là người khởi xướng nhưng Hòa thượng là người tiếp nối truyền thống tốt đẹp lâu đời của những vị trụ trì trước, góp phần bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer. Phát huy tốt truyền thống hàng trăm năm, để ngôi chùa Bâng Tôn Sa mãi mãi là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần, tâm linh lành mạnh, nơi tập trung giúp mọi người gần nhau hơn, cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng tốt đẹp. Hòa thượng là một trong những điển hình được UBND huyện khen thưởng vì có những thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. 

Theo Báo Sóc Trăng