Gắn kết các tôn giáo cùng bảo vệ môi trường
Ngày đăng: 18/02/2019Qua 3 năm thực hiện chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Những mô hình điểm trong bảo vệ môi trường được nhân rộng gắn kết các tôn giáo cùng hành động vì một thế giới trong lành, sạch đẹp.
Hưởng ứng cam kết cùng đồng hành bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn Thủ đô đã ủng hộ và tích cực tham gia có hiệu quả vào các chương trình hành động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp tích cực của chính quyền, MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên, các tín đồ và nhân dân tại các mô hình và các khu dân cư đã ý thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường. Tại các khu dân cư, cơ sở thờ tự, các hộ gia đình đã có nhiều hoạt động cụ thể bảo vệ môi trường, như chống ô nhiễm và rác thải; tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước; tiêu dùng xanh được nhân rộng.
Tại chùa Trung Hậu (xã Tiền Phong, huyện Mê Linh) để giữ gìn vệ sinh trong chùa, 30 thùng rác đã được lắp đặt để cho nhân dân, tín đồ, phật tử bỏ vào, tạo môi trường sạch sẽ. Tại các buổi thuyết giảng kinh nhà Phật, sư thầy trụ trì đều lồng ghép các chủ đề bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm… cho tăng, ni, phật tử và nhân dân tạo chuyển biến về nhận thức, thay đổi hành vi, sống có trách nhiệm với xã hội, góp phần thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác môi trường. Sau tuyên truyền và vận động, người dân trong khu vực đã có ý thức trong bảo vệ môi trường nơi mình ở, tình trạng xả vỏ thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi đã giảm tới 90%.
Với những hiệu ứng tích cực từ chùa Trung Hậu, Giáo hội Phật giáo Hà Nội đã đưa hoạt động bảo vệ môi trường vào chương trình Phật sự của năm để triển khai đến toàn thể tăng ni, phật tử. Ban Trị sự Phật giáo các quận, huyện đã có những cách làm thiết thực, hiệu quả để vận động người dân cùng chung tay bảo vệ môi trường như phối hợp nhân dân lao động dọn vệ sinh tại khu dân cư, tổ chức xây dựng đoạn đường nở hoa, vận động người dân giảm đốt vàng mã, hỏa táng đối với người đã mất.
Còn tại Giáo xứ Cẩm Cơ (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín), toàn bộ 198 hộ gia đình đã đăng ký mô hình “sống xanh, sạch, đẹp” tại khu dân cư. Điển hình là việc đăng ký trồng rau sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các khu chăn nuôi tập trung để ở địa điểm xa khu dân cư sinh sống.
Ngoài ra, Ban hành giáo huyện Thường Tín đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ trong giáo xứ, họ đạo thực hiện công tác bảo vệ môi trường như vận động bà con không vứt rác bừa bãi, xuống kênh, mương; tuyên truyền thực hiện bảo vệ môi trường vào ngày thứ 7, Chủ nhật hàng tuần khi giáo dân đi lễ tại nhà thờ, tổ chức những đợt ra quân vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung để nâng cao nhận thức của người dân, MTTQ thành phố phối hợp với Sở TN&MT cùng các tổ chức tôn giáo tổ chức 197 hội nghị tuyên truyền cho hơn 41.000 lượt người nghe nhằm nâng cao năng lực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. 30/30 quận, huyện, thị xã đã tổ chức ký kết tại địa phương. Đến nay, có 584 xã, phường, thị trấn; 5.136 ban công tác Mặt trận ở khu dân cư ký cam kết thực hiện bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đến từng hộ gia đình và các cơ sở thờ tự của tôn giáo.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, trong giai đoạn 2019-2020, Ủy ban MTTQ thành phố cùng Sở TN&MT và các tôn giáo trên địa bàn sẽ tiếp tục tuyên truyền, tập huấn và nâng cao nhận thức cho chức sắc tôn giáo, tín đồ tôn giáo và các tầng lớp nhân dân nhằm thực hiện tốt hơn Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với công tác vệ sinh môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Từ những kết quả đạt được trong 3 năm thực hiện chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, thành phố sẽ duy trì hiệu quả hoạt động của các mô hình điểm để nhân rộng, chia sẻ kinh nghiệm tại các tôn giáo trên địa bàn dân cư. Cùng với đó đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường và sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên, từng bước tạo thói quen, nếp sống và ý thức về bảo vệ tài nguyên môi trường, giữ gìn vệ sinh trong nhân dân, tiến tới xây dựng xã hội ít chất thải, thân thiện với môi trường.
Theo daidoanket.vn