Độc đáo Lễ Vu lan, báo hiếu của đồng bào Khmer Nam bộ
Ngày đăng: 05/10/2018
Theo phong tục của đồng bào Khmer Nam bộ, hàng năm cứ vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9 âm lịch, bà con lại nô nức tổ chức lễ Sene Dolta - Lễ Vu lan, báo hiếu nhằm tưởng nhớ công ơn cha mẹ, họ hàng, cầu phước cho linh hồn những người đã khuất và tri ân tổ tiên...

Người Khmer quan niệm: “Kiếp này, con người sống ở trần gian làm nhiều việc thiện thì chết sẽ được lên các cõi trời, còn làm nhiều điều ác khi chết sẽ bị giam cầm nơi địa ngục... Hàng năm, cứ vào thời gian từ ngày 15 đến 30 tháng 8 âm lịch thì Diêm Vương xá tội vong nhân, những vong hồn đói khát này sau khi rời ngục tối tìm đến chùa chiền để hưởng vật thực của con cháu cúng kiến. Nhân mùa lễ Sene Dolta, người Khmer trong phum, sóc mang thức ăn và bánh trái ngon đến chùa, nhờ các nhà sư tụng kinh cầu nguyện cho vong hồn người thân quá cố sớm siêu thoát, đầu thai kiếp khác được phước báo sung túc hơn”.

Lễ hội Sene Dolta thường diễn ra dưới 2 dạng hình thức đó là Sene Dolta tổ chức tại nhà và Phchumbinh (có nghĩa là hội cơm nắm, cơm vắt) tổ chức tại chùa. Sene Dolta mang màu sắc tín ngưỡng dân gian, còn Phchumbinh mang màu sắc tôn giáo và là cách gọi chung của 3 lễ tiết được cử hành tại chùa trong thời gian diễn ra lễ hội. Ngày nay, giữa hai dạng thức Sene Dolta và Phchumbinh đã có sự kết hợp hài hoà, tế nhị, sâu sắc và rất thú vị thường gọi chung là Lễ Sene Dolta.

Thời xưa, khi người đất phương Nam còn “làm chơi ăn thiệt”, theo phong tục của đồng bào Khmer Nam bộ Lễ Sene Dolta cổ truyền kéo dài đến nửa tháng, lúc công việc ruộng nương đã hoàn tất phần cày cấy cho vụ lúa mùa. Nhưng ngày nay, đồng bào Khmer Nam bộ tổ chức lễ Sene Dolta chỉ trong 3 ngày.

Đồng bào Khmer thấm nhuần giáo lý nhà Phật, luôn tâm niệm tưởng nhớ công đức sinh thành dưỡng dục thể hiện ở tấm lòng thành kính, bởi vậy lễ vật dâng cúng ông bà tổ tiên trong lễ Sene Dolta không phô trương hình thức, mâm cao cỗ đầy, mà tùy theo điều kiện kinh tế mỗi gia đình. Lễ vật thường là những món ăn bình dị, gần gũi hàng ngày, như trái cây vườn nhà, sản vật chợ quê. Trong dịp lễ này, con cháu người Khmer còn chuẩn bị các thức ăn ngon, lễ vật có ý nghĩa, dâng lên ông bà cha mẹ còn sống để tỏ lòng hiếu kính. Kết thúc 3 ngày Lễ, chủ nhà thu xếp mùng, mềm, chiếu, gối và bộ đồ mới trên giường thờ cất vào tủ để đón lễ Sene Dolta năm sau.

Lễ Sene Dolta cổ truyền của đồng bào Khmer năm 2018 sẽ diễn ra vào các ngày 8, 9 và 10-10 tới

Trong những ngày Lễ Sene Dolta, tại các chùa Khmer diễn ra nhiều lễ hội, biểu diễn nghệ thuật với các loại hình đặc sắc mang đậm đà bản sắc văn hóa Khmer như hòa nhạc ngũ âm, hát dì kê, múa các điệu múa truyền thống… nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và các họat động khác biểu hiện phong tục, tập quán của đồng bào Khmer Nam bộ. Đặc biệt là đông đảo bà con tập trung về một chùa để tổ chức đua bò kéo bừa truyền thống. Nổi bật nhất là Hội đua bò Bảy Núi của đồng bào Khmer tỉnh An Giang.

http://www.bienphong.com.vn