Xây chùa, trường học bằng vỏ chai nhựa tái chế
Ngày đăng: 23/06/2021
Đại đức Thích Minh Trí kết nối bức tường bằng những vỏ chai nhựa vào lớp lưới B.30
Xuất phát từ ý tưởng tái chế rác thải nhựa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sáng kiến xây chùa, trường học từ vỏ chai nhựa đã được hiện thực hóa tại Trà Vinh và Quảng Ngãi.

Tại xã Nhị Long Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, chùa Long Bửu đã dựng lên ngôi trường cộng đồng nhằm giúp các em học sinh vùng sâu tại địa phương có địa điểm học thêm vào ban đêm. Điều đặc biệt ở chỗ, ngôi trường được làm từ những vỏ chai nhựa đã qua sử dụng.

Ý tưởng nêu trên được khởi xướng bởi Đại đức Thích Minh Trí, Trụ trì chùa Long Bửu. Sau một thời gian vận động, Phật tử, người dân các nơi đã gửi về chùa được 5.152 vỏ chai nhựa. Những vỏ chai nhựa tái chế này được dùng thay thế gạch ống để gắn kết, xây dựng nên những bức tường.

Ngôi trường cộng đồng này gồm 2 phòng học với chức năng dạy nghề và ngoại ngữ cho các em học sinh nghèo trong và ngoài xã, tọa lạc trên mảnh đất có diện tích 100m2 do các hộ dân ở ấp Sơn Trắng, xã Nhị Long Phú hiến tặng.

Theo thiết kế, ngôi trường được đổ cột bằng bê-tông cốt thép, mái lợp tole. Riêng phần vỏ chai nhựa, các Phật tử phải “gia công” nhét đầy bọc ni-lông đã qua sử dụng và cát được làm sạch… kết thành những bức tường có hoa văn theo mô hình đã thiết kế trước, bao quanh bởi 2 lớp lưới B30 và tô xi-măng bên ngoài.

Một vách tường từ vỏ chai nhựa, lưới B30 đã hoàn thành

Đại đức Thích Minh Trí cho biết, công trình cộng đồng này có kinh phí khoảng 300 triệu đồng, do nhà chùa vận động sự đóng góp công sức, tài chính của nhiều người, nhằm tạo điều kiện để các em học sinh vùng sâu có chỗ để học thêm vào ban đêm và các dịp hè. Qua đó cũng lan tỏa đến mọi người thông điệp về những hành động bảo vệ môi trường, biết cách tái chế, sử dụng các loại rác thải nguy hại khó phân hủy thành những sản phẩm hữu ích phục vụ cuộc sống.

Đây cũng là bài học sinh động nhất để tuyên truyền cho các em học sinh về việc tái chế rác thải một cách hiệu quả, nâng cao ý thức về việc bảo vệ môi trường sống xanh - sạch - đẹp.

Do ảnh hưởng của việc giãn cách xã hội để phòng, chống Covid-19, tiến độ xây dựng ngôi trường chậm hơn dự kiến. Được biết, khoảng 2 tháng nữa ngôi trường mới chính thức khánh thành. Hiện nay, chùa Long Bửu đang tiếp tục vận động, thu gom vỏ chai nhựa để xây dựng thêm công trình phụ như hàng rào, nhà vệ sinh công cộng.

Ngôi trường cộng đồng hiện đã xong phần khung cứng và đang tiếp tục được hoàn thiện

Tại Quảng Ngãi, chùa Đức Lâm tọa lạc tại xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức khiến du khách ấn tượng với kiến trúc khách đường được làm từ chai nhựa và lợp lá dừa nước.

Quang cảnh xanh mát của chùa Đức Lâm

Trong khi hầu hết các ngôi chùa tại Quảng Ngãi đều được xây dựng trên núi, đồi hoặc nằm sâu trong xóm, làng thì chùa Đức Lâm tọa lạc ngay trên bờ biển, tạo cho ngôi chùa cảnh quan vô cùng thoáng đãng và yên bình.

Nằm ngay bên bờ biển với bốn bề là cát trắng, nhưng chùa Đức Lâm lại được bao phủ bởi không gian xanh ngập tràn. Trên toàn bộ phần khuôn viên xung quanh chùa gần 8.000m2, Đại đức Thích Hạnh Nhân, Trụ trì chùa cùng người dân và Phật tử đã vun trồng hàng trăm nghìn cây, hoa các loại.

Không chỉ có không gian xanh, chùa Đức Lâm còn tạo ấn tượng mạnh mẽ khi khách đường rộng 60m2 của nhà chùa được xây từ vỏ chai nhựa và lợp bằng lá dừa nước.

Được biết, để làm nên công trình này, Đại đức Thích Hạnh Nhân cùng người dân địa phương và Phật tử đã mất hơn 1 tháng để thu gom gần 60.000 vỏ chai nhựa, đưa về làm sạch, dồn cát vào bên trong và dùng xi măng kết dính lại để thay thế cho phương pháp xây nhà bằng gạch thông thường.

Công trình vừa hoàn thành vào dịp hè năm 2020, ngoài kiến trúc độc đáo, ngôi chùa còn có ý nghĩa trong việc vận động người dân, du khách không vứt rác thải nhựa ra biển và lan tỏa ý thức về bảo vệ môi trường./.

Người dân và Phật tử xã Đức Lợi đang dồn cát vào chai nhựa phế thải

Trụ trì chùa Đức Lâm đã vận động người dân cùng thu gom rác thải làm sạch bờ biển. Riêng chai nhựa được mang về làm sạch để xây dựng khách đường trong khuôn viên chùa

Ngọc Linh t/h