Về đền Thánh Mẫu, hiểu thêm đạo hiếu dân tộc
Ngày đăng: 08/03/2021Thị trấn Thanh Lãng (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) trước đây có tên nôm là Kẻ Láng. Cùng với Kẻ Mỏ (thị trấn Minh Tân, huyện Yên Lạc) và Kẻ Cánh (thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên), Kẻ Láng là một trong những “tiểu vùng văn hóa” có truyền thống lâu đời ở khu vực phía Nam đồng bằng tỉnh Vĩnh Phúc.
Thị trấn Thanh Lãng không chỉ nổi tiếng quanh vùng bởi có nghề mộc truyền thống với tuổi đời hàng trăm năm mà nơi đây còn có di tích lịch sử cấp quốc gia được nhiều du khách thập phương biết đến, đó là đền thờ Thánh Mẫu. Tín ngưỡng thờ Mẫu được hình thành rất sớm trong phong tục tập quán truyền thống của người dân Việt Nam. Từ thuở bình minh dựng nước cách đây mấy nghìn năm đến thời hiện đại, cùng với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ Mẫu chiếm một vị trí đặc biệt trong tâm thức của dân tộc Việt. Tại các chùa ở Việt Nam, từ xưa đến nay, ngoài chính điện thờ Phật, bao giờ cũng có ban thờ Mẫu và thờ các Mẫu trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Đặc biệt, Vĩnh Phúc từng là địa phương duy nhất được thờ cả 3 Mẫu đặc trưng trong tín ngưỡng Mẫu Việt Nam, đó là Quốc Mẫu, Vương Mẫu và Thánh Mẫu. Quốc Mẫu được thờ tại Tây Thiên-Tam Đảo; Vương Mẫu được thờ tại đền thờ Hai Bà Trưng-Mê Linh (huyện Mê Linh trước năm 1998 thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, nay thuộc TP Hà Nội), Thánh Mẫu được thờ tại Thanh Lãng-Bình Xuyên.
Theo ông Nguyễn Huy Tiền, người có 20 năm trông đền Thánh Mẫu, đền Thánh Mẫu là nơi thờ Thánh Mẫu Triệu Thị Khoan Hòa. Hiện nay, đền còn lưu giữ cuốn ngọc phả về “Sự tích đức Thánh Mẫu và 5 vị Đại Vương”. Theo ngọc phả ghi lại, Thánh Mẫu sinh ra 5 người con, được nuôi dưỡng lớn khôn và trở thành những người phò tá, những vị tướng quân tài ba giúp Hai Bà Trưng đánh tan quân Hán, đòi lại 64 thành trì, cứu dân ta khỏi ách đô hộ. Do lập được nhiều chiến công hiển hách nên cả 5 vị đều được Hai Bà Trưng ban thưởng, phong chức tước, trở thành 5 vị Đại Vương. Sau khi Thánh Mẫu mất tại chùa vào ngày 10-11 âm lịch, đã được nhân dân địa phương mai táng tại khu Minh Lương, thị trấn Thanh Lãng. Trải qua chiến tranh và những biến động của thời gian, đến nay, khu đền Thánh Mẫu vẫn được người dân bảo vệ chu đáo. Các di vật quý như các sắc phong, bàn thờ, đòn kiệu và các đồ tế khí... được giữ gìn toàn vẹn cho đến ngày nay. Hằng năm, vào ngày 10-11 âm lịch, người dân Thanh Lãng tưng bừng mở hội làng truyền thống tưởng nhớ các bậc tướng quân thuở xưa có công đánh giặc giữ nước. Ngoài nghi lễ rước kiệu truyền thống, người dân náo nức đua nhau đi xem hội với các trò vui như: Vật cổ truyền, đánh cờ người...
Với tấm lòng thành kính, ghi nhớ công ơn các bậc tiền nhân, chính quyền địa phương đã phát động các hộ dân và các nhà hảo tâm tham gia đóng góp xây dựng bia tưởng niệm 5 vị Đại Vương. Ngày 11-5-2017, Ban quản lý di tích lịch sử đền Thánh Mẫu, thị trấn Thanh Lãng đã làm lễ khởi công xây dựng bia tưởng niệm ngũ vị Đại Vương. Theo ông Trần Văn Tư, Trưởng ban quản lý di tích đền Thánh Mẫu, công trình bia tưởng niệm 5 vị Đại Vương không chỉ góp phần tôn lên vẻ đẹp không gian, cảnh quan cho ngôi chùa là di tích cấp quốc gia mà còn góp phần giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, giúp thế hệ hôm nay và mai sau luôn trân trọng tri ân công lao dựng nước và giữ nước của tổ tiên và ông cha ta./.
Theo qdnd.vn