Thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội: Chuyển biến trong nhận thức cộng đồng
Ngày đăng: 01/07/2021
Nghi lễ rước cầu quốc thái dân an tại Khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh) được thực hiện đơn giản, bảo đảm quy định phòng, chống dịch
Nếu như cách đây vài năm, dư luận thường xuyên lên tiếng về một số lễ hội “điểm nóng” với những hiện tượng tiêu cực, phản cảm, trái ngược thuần phong mỹ tục, thì nay bức tranh đời sống lễ hội đã ngày càng đi vào nề nếp, những biểu hiện tiêu cực, phản cảm dần được dẹp bỏ, đẩy lùi.

Nhận thức của người dân trong thực hiện các quy định pháp luật về nếp sống văn minh trong lễ hội ngày càng có chuyển biến tích cực, góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, đẩy lùi những hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.

Nghiêm túc đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch

Đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, trong hai mùa lễ hội 2020, 2021 vừa qua, Ban quản lý (BQL) di tích, Ban tổ chức (BTC) lễ hội tại các địa phương đã xây dựng nhiều phương án về tổ chức và quản lý lễ hội trong bối cảnh dịch bệnh đã hoặc chưa được kiểm soát, với tiêu chí an toàn được đặt lên trên hết.

Trong đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về thực hiện nếp sống văn minh lễ hội được triển khai thường xuyên, với những nội dung quan trọng đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 được xác định là trọng tâm. Theo Cục Văn hóa cơ sở, ở hai mùa lễ hội gần đây, trong việc tăng cường thực hiện nếp sống văn minh lễ hội, tiêu chí hàng đầu được BQL các di tích, BTC lễ hội và chính quyền địa phương đẩy mạnh là tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm túc mọi văn bản chỉ đạo từ Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL và UBND các tỉnh, thành về các giải pháp phòng, chống dịch cũng như các quy định pháp luật liên quan. “Nhiều hình thức tuyên truyền được các BQL di tích, BTC lễ hội triển khai như tuyên truyền trên loa, hệ thống pano, khẩu hiệu và nhắc nhở trực tiếp... Trong đó, các nội dung về công tác phòng, chống dịch được đặc biệt chú trọng, kể cả trong thời điểm lễ hội, di tích mở cửa hoặc tạm đóng cửa vì dịch bệnh bùng phát. Nhờ vậy, nhận thức trong cộng đồng khi tham gia các hoạt động lễ hội nói riêng và trong xây dựng môi trường văn hóa nói chung tại các di tích, lễ hội ngày càng chuyển biến rõ nét”, Trưởng phòng Nếp sống văn hóa, Cục Văn hóa cơ sở Nguyễn Quốc Huy nhận định.

Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng BQL Khu di tích, danh thắng Hương Sơn nhấn mạnh, kế hoạch tuyên truyền, xây dựng nếp sống văn minh tại lễ hội chùa Hương hằng năm luôn được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm. Mùa lễ hội năm 2021, dù thời gian mở cửa di tích, đón du khách không xuyên suốt do đại dịch Covid-19 nhưng công tác tuyên truyền vẫn thường xuyên được đẩy mạnh trên hệ thống loa truyền thanh của địa phương cũng như được tăng cường trên các phương tiện truyền thông... Do vậy, đã có tác động điều chỉnh ý thức của người dân tham gia lễ hội. Các hiện tượng vi phạm quy tắc phòng dịch 5K cơ bản được đẩy lùi. Diện mạo lễ hội ngày càng trở nên gọn gàng, ngăn nắp hơn, không xảy ra những hiện tượng phản cảm như chen lấn, xô đẩy, rải rắc tiền lẻ, ăn mặc không phù hợp với không gian thiêng tại di tích, lễ hội.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, BQL di tích đền Cửa Ông đã xây dựng và triển khai nhiều phương án phòng, chống dịch một cách bài bản. Theo bà Nguyễn Thị Bích Thương, Phó Phòng VHTT TP Cẩm Phả, tại di tích đền Cửa Ông vào thời điểm được phép mở cửa đón nhân dân và du khách đến thực hành các hoạt động nghi lễ, tâm linh, BQL di tích đã tích cực triển khai nhiều nội dung tuyên truyền về thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K, hướng dẫn khai báo y tế, đeo khẩu trang, sát khuẩn, thực hiện giãn cách tại nơi thờ tự, hành lễ... Nhờ vậy, du khách hành hương đến di tích đã thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch cũng như các nội dung về nếp sống văn minh lễ hội.

 Khu di tích, danh thắng Hương Sơn (Hà Nội) triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện nếp sống văn minh lễ hội

Xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội

Theo các chuyên gia nghiên cứu về văn hóa, những chuyển biến ngày càng rõ nét trong thực hiện nếp sống văn minh lễ hội thời gian qua, ở thời điểm trước và sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát đều cho thấy tác động thiết thực, hiệu quả của các biện pháp tuyên truyền, góp phần quan trọng vào việc xây dựng môi trường văn hóa trong các lễ hội, di tích. ThS Nguyễn Thị Hạnh (Viện VHNT Quốc gia Việt Nam) nhìn nhận, trong bối cảnh môi trường văn hóa tại các di sản lễ hội đang biến đổi, việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh nhằm duy trì, gìn giữ, phát huy các di sản lễ hội văn hóa đã trở thành một yêu cầu cấp thiết.

Trước các làn sóng dịch bệnh phức tạp, khó lường, vấn đề xây dựng môi trường văn hóa tại các di tích, lễ hội càng được các địa phương chú trọng, đẩy mạnh. Không gian dành cho các hoạt động phần hội sôi nổi như những mùa lễ hội trước đây hầu như tạm dừng không tổ chức. Các hoạt động thực hành nghi lễ truyền thống, thể hiện tri ân công đức tổ tiên được duy trì tại hầu hết các lễ hội trong cả nước như chùa Hương, Yên Tử, Đền Trần... hay một số lễ hội từng là “điểm nóng” một vài năm trước như hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ), hội Phết Bàn Giản (Vĩnh Phúc), lễ hội Đúc Bụt (Vĩnh Phúc)...

Trước bối cảnh xã hội ngày càng thay đổi theo hướng hiện đại và văn minh hơn, các chuyên gia cho rằng, cần đặt ra vấn đề xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tích cực, phù hợp với sự biến đổi văn hóa mà không làm mất giá trị tích cực của di sản lễ hội văn hóa. Theo đó, trong các thành tố của môi trường văn hóa trong di sản lễ hội, cần chú ý đến bộ quy tắc ứng xử. ThS Nguyễn Thị Hạnh cho rằng, tiêu chí về xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong lễ hội rất cần thiết đối với du khách tham gia lễ hội, với BQL di tích và với người dân bản địa. Quy tắc ứng xử là những điều đặt ra để mong muốn các thực hành văn hóa được diễn ra tốt đẹp. Một cách chủ động nhất thì đây là các kịch bản đặt ra để nhằm hạn chế những ảnh hưởng xấu. Trong hoạt động lễ hội, đó cũng là quan hệ ứng xử văn hóa của cộng đồng.

Từ góc nhìn này soi chiếu vào bối cảnh hiện nay, khi nhiều nhu cầu thực hành tín ngưỡng, tâm linh của người dân tại các di tích, lễ hội đã tạm thời dừng lại để tập trung cho công tác phòng, chống dịch, các nhà quản lý, chuyên gia văn hóa cho rằng, việc nghiêm túc chấp hành những quy định về phòng, chống dịch trong bối cảnh hiện nay chính là thể hiện thái độ ứng xử văn minh của mỗi cá thể trong cộng đồng. Nói như PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam, trong hoàn cảnh đặc biệt này, việc hy sinh những lợi ích cá nhân vì lợi ích chung không chỉ là bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, mà còn thể hiện trách nhiệm đạo đức của mỗi cá nhân đối với cộng đồng. Năm nay không đi lễ hội thì có thể sang năm, nhưng những quy tắc ứng xử thì luôn cần tạo thành chuẩn mực để nhân lên những giá trị tích cực, đẩy lùi các yếu tố tiêu cực. 

Theo vanhoa.vn