Thiền viện “xanh” ở Tiền Giang
Ngày đăng: 25/05/2021
Thiền viện nhìn từ trên cao
Tọa lạc tại ấp 1, xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác được khởi công xây dựng vào năm 2012 theo mô hình truyền thống của hệ phái Trúc Lâm Yên Tử.

Theo quy hoạch tổng mặt bằng, Thiền viện có 25 hạng mục, trong đó khu ngoại viện bao gồm các hạng mục: chánh điện, tổ đường, thiền đường, giảng đường, thư viện, nhà trưng bày,… với tổng diện tích hơn 47.000m2; khu nội viện có tổng diện tích gần 16.000m2, bao gồm: 4 tăng đường, 1 thiền đường và 10 thất chuyên tu.

Nhưng ở đây, điểm khác biệt so với tất cả hệ thống các Thiền viện trong cả nước chính là việc xây dựng thánh tích Tứ động tâm (tháp Lâm-tì-ni - nơi Phật Thích Ca đản sinh; tháp Bồ Đề Đạo Tràng - nơi Phật thành đạo; tháp Lộc Uyển - nơi Phật chuyển pháp luân và Câu-thi-na - nơi Phật nhập diệt) theo đúng nguyên mẫu các công trình ở Ấn Độ và Nepal với tỷ lệ 6-10. Trong đó tượng đức Phật Đản Sanh cao 1,4 mét;  đức Phật hành đạo cao 2,4 mét; đức Phật chuyển Pháp Luân cao 1,8 mét và tượng đức Phật nhập Niết Bàn dài 06 mét.

Được biết, khu đất mà nơi Thiền viện tọa lạc có cao độ thấp hơn mặt đường giao thông từ 2,5-3 mét, vì vậy Thiền viện đã xây dựng bốn đoạn đê bao quanh với tổng chiều dài 2.200 m và cát được bơm vào để tạo mặt bằng xây dựng. Hệ thống đê bao quanh Thiền viện này có khả năng ngăn được nước lũ dâng trong vài chục năm tới.

Huyện Tân Phước của tỉnh Tiền Giang là vùng đất nhiễm phèn nặng, chỉ trồng được một số loại cây cho nên trong quá trình xây dựng Thiền Viện để có được quần thể cây xanh như hiện nay là cả quá trình cố gắng của Thiền viện.

Đại đức Thích Thanh Đạo, Phó Ban Quản lý Thiền viện chia sẻ Thiền viện trước kia từng bị chết rất nhiều cây cổ thụ khi đem về đây trồng do đất bị nhiễm phèn nặng. Song song với việc trồng các cây phù hợp với điều kiện ở nơi đây, Thiền viện cũng đã tìm cách để xử lý vấn đề nhiễm phèn ở vùng này. Các cây cổ thụ được đưa về đây sẽ trải qua một quá trình chăm sóc rất cẩn thận để có thể tiếp tục sống.

Thiền viện duy trì việc tổ chức sinh hoạt đạo tràng tu học thu hút đông đảo Phật tử tham dự. Chương trình mang tính truyền thống gồm tụng kinh, lễ bái sám hội, nghe giảng pháp, ngồi thiền,…vào tuần thứ ba trong tháng theo dương lịch. Trong các khóa tu, các chư tăng cũng nhắc nhở Phật tử giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh Thiền viện, tham gia hưởng ứng các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tại gia đình và cộng đồng dân cư do địa phương phát động, Đại đức Thích Trúc Thanh Đạo cho biết. Thiền viện cũng thường xuyên tổ chức lễ phóng sanh vào lễ Phật đản, lễ Vu Lan và các khóa tu hàng tháng.

Với một hệ thống nhiều hạng mục công trình như ở nơi đây, việc xử lý rác thải  và sử dụng nước sạch cũng là một vấn đề. Thiền viện cũng đã có một khu riêng để tập kết, phân loại rác thải và hệ thống xử lý nước. Nhằm chăm sóc hệ thống cây xanh, Thiền viện hiện nay cũng đã xây dựng hệ thống bơm nước tự động theo giờ để có thể cung cấp nước đầy đủ cho cây.

Thiền viện đã tham gia chương trình quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam đã được tỉnh Tiền Giang phát động thực hiện, với 17.000 cây xanh được trồng dọc theo Tỉnh lộ 867 đến kênh Bắc Đông và đường dẫn vào khu Thiền viện, tạo nên một môi trường xanh cho điểm văn hóa tâm linh mới ở vùng đất này.

Một cây cổ thụ được chăm sóc tại Thiền viện

Hệ thống xử lý nước ở Thiền viện

Lối đi rợp bóng cây xanh

Cây sala được trồng ở tháp Phật Niết Bàn

Cây cối ở Thiền viện được cắt tỉa cẩn thận

Các cây cổ thụ được trồng trong khuôn viên Thiền viện

Lối đi vào Thiền viện được giữ gìn sạch sẽ

Anh Khôi