Tăng ni, phật tử Thành phố Hồ Chí Minh chung tay hành động bảo vệ môi trường, vì dòng kênh xanh
Ngày đăng: 19/06/2024
Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều tôn giáo lớn hoạt động như Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Hòa Hảo, Hồi giáo, Cao Đài... với khoảng trên 1,6 triệu tín đồ, chiếm hơn 25% trong tổng số khoảng 10 triệu dân của Thành phố. Đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không theo tín ngưỡng, tôn giáo sống hòa thuận, đoàn kết. Những năm qua, chức sắc, chức việc, tín đồ các tổ chức tôn giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh luôn tích cực tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với bảo vệ môi trường bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như: tham gia các hoạt động ngày Chủ nhật xanh, 15 phút vì thành phố văn minh sạch đẹp, đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, thực hiện quy ước tổ dân phố về việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, phải kể đến hoạt động hiệu quả của tăng ni, phật tử Thành phố Hồ Chí Minh chung tay hành động bảo vệ môi trường, vì dòng kênh xanh của Thành phố.

Thành phố Hồ Chí Minh có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, tạo nên gần 100 tuyến đường thủy nội địa. Hệ thống tài nguyên ven sông, giao thông thủy thuận lợi là yếu tố quan trọng đưa thành phố trở thành đầu tàu kinh tế suốt nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, với tốc độ gia tăng dân số nhanh (hiện khoảng 13 triệu dân), chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh khó khăn giải quyết các vấn đề về ô nhiễm kênh rạch và vấn đề định cư cho người dân sống ở các “khu ổ chuột” hình thành tự phát ven và trên kênh rạch… Trên những dòng kênh, không ít người dân đang trong hoàn cảnh sống lay lắt với bầu không khí ô nhiễm, dù rằng nhiều con kênh đã được cải tạo, nhưng thường xuyên tái ô nhiễm, ùn ứ rác thải và bốc mùi hôi thối. Kênh Tàu Hủ, Quận 8, những hộ dân sinh sống tạm bợ ở kênh không chỉ chịu tình trạng ô nhiễm mà còn bị đe dọa bởi dịch bệnh và hỏa hoạn. Ở rạch Xuyên Tâm, lúc trước, nước ở con rạch này rất sạch, nhưng giờ ô nhiễm khiến màu nước đen kịt, mùa mưa thì cống nghẹt ùn ứ rác, mùa nắng thì mùi hôi hắt lên nồng nặc, người dân nơi đây sống chung với ô nhiễm đã mấy chục năm qua, chờ được di dời đến nơi ở mới.

Những năm qua, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều nỗ lực cải tạo các dòng kênh đen trở thành các dòng kênh xanh, tạo mỹ quan và phát triển du lịch.

Chính quyền vận động “Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường”, đồng thời, yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa của hệ thống mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác giám sát, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét về vệ sinh môi trường tại các khu dân cư, cơ quan, đơn vị trú đóng trên địa bàn. Mục tiêu cụ thể, phấn đấu 80% phương tiện thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được chuyển đổi, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, chất lượng vệ sinh và bảo vệ môi trường theo quy định; 80% trạm trung chuyển đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành; vận động 100% khu phố - ấp - sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch; giảm 70% sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong việc đóng gói, đựng sản phẩm đối với tiểu thương tại các chợ dân sinh.

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sau cải tạo, chỉnh trang trở thành con kênh đẹp nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay

Trước cuộc vận động “Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường”, những năm qua, tăng ni, phật tử Thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực góp sức cùng chính quyền và người dân chung tay hành động bảo vệ môi trường, vì dòng kênh xanh góp phần xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho Phật tử, tín đồ hiểu rõ và ứng dụng giới luật Phật giáo vào trong đời sống hằng ngày, thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 19-CT/TU năm 2018 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về việc thực hiện cuộc vận động “người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”, gọi tắt là Cuộc vận động “Không xả rác ra đường và kênh rạch”. Đến nay, Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện tốt Quyết định số 3202/QĐ-UBND của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố ban hành ngày 01/9/2021 về Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19/10/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường”. Kế hoạch thực hiện nhằm mục tiêu tăng cường các giải pháp nhằm tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU; phổ biến, nhân rộng, lan tỏa các công trình, giải pháp, sáng kiến, mô hình có hiệu quả và đề xuất các giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế sau những năm triển khai để việc thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU đạt hiệu quả, đồng bộ với việc triển khai thực hiện Kế hoạch “Xây dựng Thành phố xanh - thân thiện môi trường giai đoạn 2020-2025”. Kế hoạch giúp tình hình vệ sinh môi trường trên địa bàn Thành phố có nhiều chuyển biến tích cực, việc thực hiện tổng vệ sinh định kỳ ở các khu dân cư đã tác động tích cực đến nhận thức của một bộ phận người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường.

Tháng 11/2023, tại Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Sở Tài nguyên - Môi trường Thành phố trao giấy khen tuyên dương các tổ chức tôn giáo, đại diện các cơ sở tôn giáo, chức sắc, chức việc có mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả, lan tỏa lối sống xanh trong cộng đồng, trong đó có nhiều chùa, cơ sở Phật giáo, tăng ni. Nhiều mô hình hiệu quả như: mô hình môi trường chùa Vạn Thọ (Quận 1), cơ sở tôn giáo với công tác bảo vệ môi trường tịnh xá Ngọc Quy (Quận 7), ngày hội “Vì dòng kênh xanh” của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Quận 8, tổ tình nguyện vì môi trường chùa Giác Ngộ (Quận 10), Câu lạc bộ Môi trường xanh chùa Liên Hoa (Quận 11), hưởng ứng trồng cây xanh của Phật giáo quận Tân Phú, tuyến đường xanh - sạch - đẹp chùa Từ Vân (huyện Bình Chánh)... góp phần kiểm soát và phòng ngừa ô nhiễm, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang có những diễn biến phức tạp, khó lường.

Nhiều cơ sở tôn giáo được tuyên dương tích cực tham gia bảo vệ môi trường

Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Quận 8 được ghi nhận là cơ sở tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường với việc tổ chức Ngày hội “Vì dòng kênh xanh”, nhằm đẩy mạnh các hoạt động thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường, cải thiện môi trường nước, hệ sinh thái trên địa bàn. Thượng tọa Thích Huệ Công, Trưởng ban Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Quận 8, trụ trì chùa Long Hoa cho biết, năm 2010, chùa có sáng kiến kêu gọi, vận động phật tử chung tay trong các hoạt động giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước trên kênh Tàu Hũ - Bến Nghé, thông qua các hình thức tuyên truyền và tổ chức thả cá phóng sinh định kỳ. Từ 2015, hoạt động được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 8 phối hợp, tổ chức thành Ngày hội “Vì dòng kênh xanh”, nhận được sự ủng hộ, tham gia đông đảo của các lãnh đạo các cấp, phật tử và người dân. Riêng hoạt động thả cá được mở rộng, với số lượng 500-1.000kg mỗi lần thả. Bên cạnh hoạt động thả cá, Ngày hội cũng được tổ chức với hình thức tuyên truyền bằng loa gắn trên thuyền, kêu gọi người dân không vứt rác, đổ chất thải xuống các dòng kênh để giữ gìn môi trường, làm sạch dòng nước cho kênh; kêu gọi vai trò và trách nhiệm của người dân trong việc chung tay tham gia bảo vệ môi trường nước, xây dựng mỹ quan đô thị trên địa bàn quận. Các hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức của các hộ dân sống ven kênh, giảm được tình trạng xả rác và chất thải sinh hoạt xuống kênh Tàu Hủ - Bến Nghé.

https://phatgiaodoisong.vn/wp-content/uploads/2024/05/THG01095.jpg

Đến năm 2022, tại Quận 8, ngày 11/9, chùa Long Hoa tiếp tục phối hợp tổ chức Ngày hội “Vì dòng kênh xanh” lần thứ 12, nhằm đẩy mạnh các hoạt động thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường, cải thiện môi trường nước, hệ sinh thái, góp phần tạo nên sự phong phú của các quần thể đa dạng sinh học và thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”. Tại Ngày hội, Thượng tọa Thích Huệ Công cùng với phật tử và Nhân dân trên địa bàn thả gần 1.000 kg cá xuống dòng kênh Tàu Hủ - Bến Nghé. Qua đó, đã thể hiện vai trò, trách nhiệm của các tổ chức và Nhân dân trong việc tiếp tục chung tay tham gia bảo vệ môi trường, cải thiện môi trường nước, xây dựng mỹ quan đô thị trên địa bàn quận, góp phần xây dựng môi trường nước Quận 8 xanh, sạch, đẹp.

Trước đó, vào tháng 2/2022, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Quận 8 cùng các phật tử tổ chức thả cá vì Ngày hội “Vì dòng kênh xanh”, với chi phí gần 100 triệu đồng. Hơn 01 tấn cá con được thả xuống dòng kênh Đôi và dòng kênh Tàu Hũ đã thể hiện vai trò, trách nhiệm của các tổ chức và Nhân dân trong việc tiếp tục chung tay tham gia bảo vệ môi trường, cải thiện môi trường nước, xây dựng mỹ quan đô thị trên địa bàn quận, góp phần xây dựng môi trường nước Quận 8 xanh, sạch, đẹp. Đại đức Thích Từ Tâm, Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Quận 8 chia sẻ: Rằm tháng Giêng, mở đầu cho một năm mới, thay vì phải chăm chăm vào việc dâng sao giải hạn tốn kém mà không đem lại lợi lạc cho chúng sinh, thì việc phóng sinh là việc thả đi tất cả những loài sinh vật khỏi sự giam cầm, ràng buộc hoặc đang bị đe dọa đến tính mạng, đó là một việc thiện lành để tích tụ công đức, nhằm hoàn thiện tư lương ở trên con đường giác ngộ, giải thoát.

https://phatgiaodoisong.vn/wp-content/uploads/2024/05/THG01143.jpg

Sau thời gian bị gián đoạn, sáng ngày 26/5/2024, “Ngày hội vì dòng kênh xanh Quận 8” đã được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Quận 8, các tự viện trên địa bàn phối hợp tiếp tục thực hiện góp phần tham gia bảo vệ môi trường, cải thiện môi trường nước, xây dựng mỹ quan đô thị Quận 8. Chương trình “Ngày hội vì dòng kênh xanh Quận 8” với sự đóng góp của tăng ni các tự viện Phật giáo Quận 8 đã thả gần 02 tấn cá xuống kênh Đôi và kênh Tàu Hũ, với mong muốn khôi phục lại môi trường trong sạch tự nhiên, tác động đến cộng đồng, tuyên truyền đến tăng ni, phật tử, tổ chức, cá nhân khuyến khích thả phóng sinh vào môi trường tự nhiên. Tổng trị giá chương trình là hơn 120 triệu đồng. Thượng tọa Thích Huệ Công đã vận động phật tử tổ chức thả cá phóng sinh trên kênh Tàu Hủ - Bến Nghé nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân hai bên bờ kênh, cải thiện môi trường nước, cải thiện hệ sinh thái, góp phần tạo nên sự phong phú của các quần thể đa dạng sinh học. Cá được thả xuống kênh là cá trê giống vì loại cá này dễ thích nghi với môi trường nước, ngoài ra, cá trê sống và tìm kiếm thức ăn trong bùn làm trong sạch dòng nước trên kênh. Bên cạnh hoạt động thả cá, “Ngày hội vì dòng kênh xanh” cũng được tổ chức với hình thức tuyên truyền bằng loa gắn trên thuyền, kêu gọi người dân sống ven kênh không vứt rác, đổ chất thải xuống dòng kênh nhằm góp phần giữ gìn môi trường trên kênh. Các hoạt động đã nâng cao nhận thức của những hộ dân sống ven kênh, giảm được tình trạng xả rác và chất thải sinh hoạt xuống kênh Tàu Hủ - Bến Nghé. Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Ngày hội vì dòng kênh xanh” do Thượng tọa Thích Huệ Công phát động là mô hình tiêu biểu về bảo vệ môi trường của các cơ sở tôn giáo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian tới, mặt trận Tổ quốc các cấp ở Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này để phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo trong công tác bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, đồng thời, góp phần phục hồi, cải tạo môi trường từ những việc làm cụ thể.

https://phatgiaodoisong.vn/wp-content/uploads/2024/05/DJI_0267.00_00_46_21.Still003.jpg

Giờ đây, khi tản bộ trên những tuyến đường Trường Sa, Hoàng Sa, Tân Hóa, Tôn Đức Thắng... người dân Thành phố Hồ Chí Minh được tận hưởng không khí trong lành. Bên các tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tham Lương - Bến Cát - Vàm Thuật... người dân Thành phố từng tốp đứng tập thể dục, luyện khí công dưỡng sinh... Đó là thành quả của sự nỗ lực cải tạo, tu sửa, chỉnh trang, nâng cấp mà chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cùng Nhân dân, các tổ chức tôn giáo quyết tâm hồi sinh những giá trị sông nước, gắn liền với chiều dài lịch sử của thành phố. Phật tử Nguyễn Diệu Trang, quận Tân Bình chia sẻ: những dòng kênh xanh, mát, sạch, đẹp như hiện nay là kết quả công sức và sự chung tay của toàn thể nhân dân, trong đó có các tôn giáo giữ cho kênh, sông sạch sẽ, không tùy tiện xả thải nước bẩn, vứt rác xuống dòng kênh.

Vũ Minh Trang