Sống “tốt đời, đẹp đạo” và giúp nhau phát triển sinh kế từ sinh hoạt tôn giáo
Ngày đăng: 20/05/2021
Mục sư Hanh – Trưởng Ban đại diện Tin lành tỉnh Gia Lai, Quản nhiệm Chi hội Plei Ia Lang, phường Chi Lăng, Thành phố Pleiku, Gia Lai
Chia sẻ từ quan điểm phải sống như thế nào với cộng đồng, giúp đỡ những người neo đơn, khó khăn ra sao, phải thể hiện tinh thần như thế nào với người trẻ cũng như với người lớn tuổi, trách nhiệm của một công dân đối với quốc gia, dân tộc… đến cách trồng rau xanh cải thiện đời sống… là những chủ đề được thông tin tại nhà thờ tin lành Plei Ia Lang, phường Chi Lăng, Thành phố Pleiku, Gia Lai. Cứ thế, mỗi tuần, vào ngày chủ nhật, hàng trăm bà con giáo dân lại sum vầy tại đây, cùng nhau giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong đời sống tinh thần và vật chất.

Để hiểu sâu hơn về đời sống, sinh hoạt tôn giáo của bà con giáo dân, tín hữu, trao đổi với Mục sư Hanh – Trưởng Ban đại diện Tin lành tỉnh Gia Lai, Quản nhiệm Chi hội Plei Ia Lang, phường Chi Lăng, Thành phố Pleiku, Gia Lai.

- Thưa mục sư, ông hãy giới thiệu đôi nét về Chi hội tin lành Plei Ia Lang, phường Chi Lăng, Thành phố Pleiku, Gia Lai?

Hội thánh tin lành Plei Ia Lang được thành lập vào năm 2005 và hiện có khoảng trên 1.700 tín đồ. 100% tín đồ của Hội thánh tin lành Plei Ia Lang đều là đồng bào người Ja Rai. Số lượng tín đồ sinh hoạt tập trung hàng tuần tại nhà thờ khoảng 500 người. Số tín đồ còn lại sinh hoạt ở 3 điểm sinh hoạt tôn giáo khác do địa bàn rộng, giao thông còn chưa thuận lợi. Các dịp lễ lớn như Giáng sinh thì tất cả tín đồ sẽ tụ tập dâng Chúa ở nhà thờ chính Plei Ia Lang.

Nhà thờ Plei Ia Lang được khởi công xây dựng vào năm 2007; năm 2009 hoàn thành và đi vào sử dụng, trở thành nơi sinh hoạt chính thức của bà con giáo dân, tín hữu nơi đây.

- Việc sinh hoạt tôn giáo ở đây diễn ra như thế nào, thưa mục sư?

Chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi sinh hoạt tôn giáo. Từ trước khi chuẩn bị ra mắt Hội đồng cho đến khi thành lập Hội thánh, sau đó là tiến hành để làm thủ tục đất đai và xây dựng đều có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, tạo điều kiện từng bước hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn. Như ngày hôm nay quý vị thấy, chúng tôi đã có một cơ sở khang trang, đủ chỗ để bà con giáo dân sinh hoạt thờ phụng Chúa mỗi buổi sáng chủ nhật hay trong những ngày lễ.

Hiện tại, chúng tôi sinh hoạt đều đặn hàng tuần vào ngày chủ nhật. Thường có 2 lễ vào buổi sáng và buổi chiều tối. Buổi sáng là lễ chính thức của ngày Chủ nhật, buổi tối là lễ cầu nguyện. Về nội dung thì có hát Thánh ca, đọc Kinh thánh, có lễ cầu nguyện. Các sinh hoạt khác được chia vào các buổi tối để các ban, nhóm tập hát hoặc sinh hoạt riêng. Ví dụ như ban Trung chánh, ban Thanh niên, ban Thiếu niên nhi đồng... họ tự định ra lịch sinh hoạt sao cho thuận tiện nhất.

Hàng tuần, giáo dân sinh hoạt ở các điểm nhóm. Những ngày lễ trọng như: lễ giáng sinh, phục sinh chúng tôi mới tập trung đông đủ giáo dân ở khắp các bản làng do đường xá xa xôi, bà con đi làm ăn xa…

- Là người gắn bó với bà con giáo dân địa phương 10 năm, mục sư thấy sự thay đổi trong đời sống giáo dân Chi hội tin lành Plei Ia Lang như thế nào?

Về đời sống tôn giáo, tín ngưỡng: Nếu như trước đây, bà con giáo dân phải sinh hoạt rải rác ở nhiều điểm lẻ, trong những ngôi nhà chật hẹp, không bảo đảm về chỗ ngồi, một số mục sư khả năng truyền đạt hạn chế do không được đào tạo, hướng dẫn, không được học kinh thánh sâu… thì từ năm 2009 mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn. Nhà thờ Plei Ia Lang khánh thành, bà con giáo dân tập trung về đây sinh hoạt trong điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất: có bàn, có ghế, có sách Kinh thánh, có quạt mát, không sợ mưa nắng, có chỗ cho con trẻ vui chơi... Các mục sư đều được đào tạo bài bản, chuẩn bị bài chia sẻ một cách kĩ lưỡng mỗi lần đứng trên bục.. Những điều kiện thuận lợi này tạo niềm vui, sự thoải mái trong đời sống tinh thần của bà con giáo dân.

Nhà thờ tin lành Plei Ia Lang, nơi sinh hoạt của bà con giáo dân, tín hữu

Về đời sống kinh tế - xã hội: Bạn có thể nhìn thấy, ở ngay phía dưới nhà thờ có rất nhiều những ruộng rau xanh. Ngày trước chỉ có một vài hộ gia đình biết trồng rau phục vụ kinh tế gia đình. Nhưng hiện kinh tế chính của Chi Lăng với hàng trăm hộ dân sống bằng việc bán rau họ trồng chứ không phải cây cà phê. Để làm được điều này, bà con giáo dân phải có cả một giai đoạn dài để cùng nhau học tập, chia sẻ kinh nghiệm. Và sự thay đổi đó đã đem lại cho đời sinh kinh tế gia đình và xã hội được cải thiện.

10 năm trước, Chi Lăng còn chưa có đường sá, giao thông, đi lại rất khó khăn. Bà con còn thiếu quần áo mặc, xe cộ gần như không có. Nhưng sau 10 năm, nhà nước xây dựng đường xá khang trang, đêm có ánh sáng đèn điện đầy đủ, đời sống sinh hoạt tín ngưỡng của người dân ngày càng được cải thiện, đã có nhiều gia đình có tài sản tích lũy. Trước đây, cả làng không ai có trình độ đại học, nhưng hôm nay đã có một số cháu tốt nghiệp hoặc đang theo học tại các trường đại học trong và ngoài tỉnh.

- Phát huy những thuận lợi trên, Chi hội Plei Ia Lang đã truyền tải tinh thần sống tốt đời đẹp đạo như thế nào tới bà con giáo dân, tín hữu?

Vấn đề sống tốt đời đẹp đạo thể hiện trong nội quy, hiến chương của Hội thánh Tin lành Việt Nam bởi khởi nguồn nền tảng của đời sống đức tin bắt nguồn trong Kinh thánh. Trong Kinh thánh rất đa dạng những thông điệp sống tốt đời đẹp đạo. Chúng ta phải sống như thế nào với cộng đồng, giúp đỡ những người neo đơn, khó khăn ra sao, phải thể hiện tinh thần như thế nào với người trẻ cũng như với người lớn tuổi, vai trò của một công dân đối với quốc gia, dân tộc... đó là những tinh thần mà Kinh thánh đã hướng dẫn rất rõ. Chúng tôi luôn luôn rút ra những điều tốt đẹp đó để áp dụng cho mình khi sống trên thế giới này. Chúng tôi cũng lan tỏa tình yêu, góp phần xây dựng quê hương, đất nước tốt đẹp. Tạo được môi trường sống lành mạnh, đề cao tinh thần tốt đời đẹp đạo là đích đến mà chúng tôi luôn luôn hướng tới.

Cụ thể, ngoài việc dạy tín đồ của mình biết thờ phụng Chúa, biết kính mến Chúa, chúng tôi luôn dạy tín đồ của mình một câu trong Kinh thánh đó là "thỏa lòng ở trong mọi cảnh ngộ". Tín đồ được dạy dỗ là chúng ta không tham lam những gì của người khác, không ganh đua, ganh tỵ. Đó cũng là cách thức mà chúng tôi hướng đời sống của tín đồ nhẹ nhàng, bình yên hơn. Chúng tôi luôn dạy tín đồ của mình phải sống hết lòng, làm việc một cách siêng năng cần cù thì chắc chắn chúng ta sẽ được ban phước. Sống tốt đời đẹp đạo cũng có nghĩa là thực hiện quy định của chính quyền địa phương, các chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần ổn định xã hội, an ninh trật tự nơi mình sinh sống.

- Xin cảm ơn mục sư!

 

Nguồn: thoidai.com.vn