Sai phạm ở di tích quốc gia chùa Đậu: Cấy thêm công trình hoành tráng
Ngày đăng: 13/04/2021Dư luận những ngày qua xôn xao về Tam quan của chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội) được tu bổ sai lệch với nguyên gốc. Đó chưa phải điều ngỡ ngàng nhất khi mục sở thị di tích quốc gia chùa Đậu.
Ngỡ ngàng
Có mặt tại chùa Đậu cuối tuần, chúng tôi tận thấy Tam quan gần như xong hạng mục chính, kể cả phần tường bao. Sau khi tu bổ, Tam quan có sự sai lệch so với hạng mục gốc. Tường bao Tam quan không được quét vôi mà đổi sang màu sơn xanh xám. Phía trong Tam quan dẫn tới Tiền đường ngổn ngang gạch, ngói, gỗ để phục vụ hạng mục nhà Hữu mạc. Khu nhà Hữu mạc khởi công 4/3/2021, dự kiến hoàn thiện tháng 6 tới.
Không ít du khách cũng ngỡ ngàng khi về chùa Đậu những ngày này. Đường vào phía trước Tam quan - gác chuông (phía trước Tam bảo) bị quây tôn bịt kín lối đi cũ. Lần theo tấm biển chỉ đường mới, du khách được dẫn tới lối cổng vào- xây mới hoàn toàn, có bãi để xe miễn phí rất rộng. Để vào khu chùa chính- được công nhận di tích quốc gia năm 1964 - du khách phải đi men theo con đường mới xây ven hồ. Một số người dân bán rau ở lối cổng vào chùa cho biết, phần đất mở rộng vốn là đất của người dân được nhà chùa mua lại.
Công trình mới xây trong vùng bảo vệ di tích quốc gia chùa Đậu. Ảnh: Nguyên Khánh
Khu chùa chính nằm khuất sau những hạng mục mới được “cấy” vào, khiến khó mà nhận ra quần thể từng được vua Lê Thần Tông phong “Đệ nhất danh lam”. Ven đường dẫn vào chùa có thêm khoảng chục pho tượng đá kích cỡ lớn. Một vài cụm công trình bên tay phải lối đi còn dang dở. Giữa hồ nước bên tay trái lối vào có công trình mới theo kiến trúc lạ. Trong công trình đặt tượng Phật quan âm. Chùa chính bị các hạng mục mới xây vây bủa, lấn át.
Văn bản ngày 5/4 do ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) Hà Nội ký gửi cho UBND huyện Thường Tín nêu rõ: “Tại vị trí lối đi phía sau bên trái khu vực nhà Tổ có xây dựng thêm một hạng mục cổng quy mô khá lớn. Khu vực phía sau hành lang gần với am thờ bên trái Tam bảo có xây một công trình, kết cấu cột tôn cuốn tròn, vì kèo sắt, mái lợp ngói tây. “Việc làm này có dấu hiệu vi phạm quy định của Luật Di sản Văn hóa và các quy định hiện hành của pháp luật và thành phố”, lãnh đạo Sở nêu.
Ai chịu trách nhiệm?
Sai phạm trong tu bổ di tích không là chuyện mới. Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Trần Hậu Yên Thế, một trong những tệ nạn thường thấy là làm biến mất màu vàng của di tích sau khi tu bổ. Nhìn chung kiến trúc cổ Bắc Bộ luôn giữ vẻ khiêm nhường, nhỏ bé ẩn mình dưới các tán cây. Giữ hòa sắc vàng chủ đạo, các tam quan vì thế không bị các tán cây che lấp, mà trái lại có ánh sáng rọi vào khiến bừng chói lên một cách rực rỡ hơn bất cứ hòa sắc nào.
Rộng hơn câu chuyện tu bổ Tam quan chùa Đậu chính là việc “cấy” thêm nhiều công trình mới trong khu vực bảo vệ di tích quốc gia này. Giám đốc Sở VHTT Hà Nội đề nghị UBND huyện Thường Tín chỉ đạo các phòng, ban liên quan, UBND xã Nguyễn Trãi khẩn trương rà soát, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về di tích lịch sử văn hóa, báo cáo Sở trước 15/4.
Trao đổi với phóng viên sáng 12/4, ông Kiều Xuân Huy, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết, huyện nhận được văn bản của Sở, đang trong quá trình rà soát, chỉ đạo địa phương hoàn thiện báo cáo.
Được hỏi về hồ sơ quy hoạch của các hạng mục mới, Đại đức Thích Quang Minh - trụ trì chùa Đậu nói, năm 2014 huyện Thường Tín từng hình thành quy hoạch này trên bản đồ. “Nhà chùa khi làm đều có báo cáo chính quyền địa phương”, Đại đức nói. Tuy nhiên câu chuyện mới này chưa được làm rõ, bởi lãnh đạo UBND huyện Thường Tín phát biểu không biết về quá trình xây dựng này, tất cả đều do nhà chùa tự làm. Về quy hoạch, lãnh đạo huyện nói “đang trong quá trình hoàn thiện”.
Theo tienphong.vn