Phong trào bảo vệ môi trường của các tôn giáo tại tỉnh Trà Vinh
Ngày đăng: 23/07/2024Trà Vinh là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, không chỉ nổi tiếng với những cảnh đẹp thiên nhiên mà còn là nơi sinh sống của đồng bào theo nhiều tôn giáo khác nhau. Trên địa bàn tỉnh hiện có 09 tôn giáo, gồm: Phật giáo, Công giáo, Cao Đài, Tin Lành, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, Hồi giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa và Bửu Sơn Kỳ Hương, với 376 cơ sở tôn giáo, gần 600.000 tín đồ, chiếm 59,1% dân số toàn tỉnh. Mỗi tôn giáo không chỉ góp phần làm phong phú đời sống tâm linh mà còn có vai trò quan trọng trong việc xây dựng cộng đồng và bảo vệ môi trường.
Môi trường và biến đổi khí hậu đang đặt ra những thách thức to lớn đối với toàn nhân loại, không chỉ ở mức độ toàn cầu mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của từng cộng đồng, từng gia đình. Ở tỉnh Trà Vinh, những hệ lụy của biến đổi khí hậu như: lũ lụt, sạt lở đất, cạn kiệt nguồn nước, sự mất đa dạng sinh học đã, đang ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế và cuộc sống của người dân địa phương. Vì vậy, việc bảo vệ môi trường, thực hiện các biện pháp phòng chống biến đổi khí hậu là vấn đề cấp bách, yêu cầu sự hợp tác từ mọi tầng lớp trong xã hội, bao gồm các cộng đồng tôn giáo.
Góp sức vì môi trường xanh - sạch - đẹp
Tại tỉnh Trà Vinh, hoạt động bảo vệ môi trường của các tôn giáo không chỉ giới hạn trong phạm vi của từng tôn giáo mà còn thường xuyên phối hợp với nhau và với các tổ chức, chính quyền địa phương để tăng cường hiệu quả và phạm vi của các hoạt động này. Sự phối hợp kể trên giúp tiết kiệm tài nguyên, nguồn lực và tạo ra những ảnh hưởng tích cực hơn đối với môi trường, cộng đồng. Thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa và tôn giáo, các lễ hội, ngày lễ của các tôn giáo được tổ chức công khai, mở rộng đã khuyến khích sự kết nối, giao lưu văn hóa giữa các tín đồ, góp phần tăng cường sự đoàn kết, đồng thời, là cơ hội để chia sẻ những giá trị, quan điểm chung về bảo vệ môi trường. Cùng với đó, các hoạt động xã hội và bảo vệ môi trường được tổ chức chung, giúp thúc đẩy hợp tác cộng đồng, tạo ra sức mạnh tập thể trong việc giải quyết các vấn đề môi trường. Các tổ chức tôn giáo cũng có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, như: hợp tác với cơ quan chức năng tại địa phương, tổ chức phi chính phủ để triển khai các dự án về tái lập rừng ngập mặn, xử lý nước thải, giảm thiểu rác thải. Các tổ chức phi chính phủ và quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các dự án bảo vệ môi trường của các tôn giáo khi cung cấp nguồn lực tài chính, kỹ thuật và khả năng mở rộng quy mô để các hoạt động này có thể lan rộng, bền vững hơn.
Sư tăng Phật giáo Nam tông Khmer hướng dẫn bà con phật tử ủ rác thải sinh hoạt thông thường làm phân bón hữu cơ để trồng cây cảnh, cây ăn quả
Cuối năm 2023, tỉnh Trà Vinh tổ chức sơ kết công tác xây dựng mô hình khu dân cư tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2020-2023 tại 11 mô hình điểm trên địa bàn tỉnh. Mỗi mô hình được xây dựng tại một khu dân cư gắn với cơ sở tôn giáo, gồm: (1) nhà thờ Phước Hảo xã Phước Hảo, huyện Châu Thành; (2) chùa Arunrănsi Chacakrôn (chùa Đại Trường) xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần; (3) chùa Piseyvararam (chùa Ba Si) xã Phương Thạnh, huyện Càng Long; (3) chùa Mê Păng (chùa Mỹ Văn) xã Phong Phú, huyện Cầu Kè; (5) thánh thất Cao Đài Đôn Xuân xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải; (6) thiền viện Trúc Lâm Trà Vinh xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải; (7) chùa Phước Hiệp xã Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang; (8) chùa Pnô Om Pung (chùa Long Trường) xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú; (9) chùa Âng, Phường 8, thành phố Trà Vinh; (10) chùa Long Bửu, xã Nhị Long, huyện Càng Long; (11) chùa Chrôi Tansa (chùa Bãi Xào Giữa) xã Kim Sơn, huyện Trà Cú.
Qua 03 năm xây dựng và đi vào hoạt động, ban chủ nhiệm các mô hình đã phối hợp tổ chức gần 2.500 cuộc tuyên truyền cho khoảng 150 nghìn lượt chức sắc, chức việc, tín đồ của các tôn giáo và người dân ở khu dân cư; vận động các hộ gia đình, hộ chăn nuôi, người sản xuất, kinh doanh cam kết bảo vệ môi trường, không vi phạm các quy định của pháp luật về môi trường, đạt tỷ lệ từ 95%-100%; tổ chức gần 200 cuộc ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom rác thải với hơn 5.000 người tham gia; trồng hơn 20.000 cây xanh, hoa, cây cảnh các loại; xây dựng nhiều tuyến đường hoa và tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp với tổng kinh phí gần 450 triệu đồng...
Thanh niên tôn giáo tham gia làm sạch rác trên bãi biển Ba Động, thị xã Duyên Hải
Cách thức bảo vệ môi trường phù hợp với đặc điểm từng tôn giáo
Nhằm thực hiện các mục tiêu chung về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, các tổ chức tôn giáo đều cam kết nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng tôn giáo về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; triển khai các giải pháp, hoạt động cụ thể, thiết thực, góp phần thay đổi hành vi theo hướng tích cực; tiếp tục vận động chức sắc, nhà tu hành, tín đồ xóa bỏ những tập quán, thói quen sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường, xây dựng cơ sở tôn giáo xanh, sạch, đẹp, văn minh...
Phật giáo: với hơn 1/3 số lượng cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh là chùa Phật giáo Nam tông Khmer (143 chùa), Phật giáo ở Trà Vinh đã và đang có những đóng góp đáng kể trong việc bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động: trồng cây, bảo vệ rừng ngập mặn nhằm tái lập rừng ngập mặn, giữ gìn sinh thái đa dạng, góp phần cải thiện chất lượng môi trường địa phương; giáo dục, nâng cao nhận thức, các buổi thuyết giảng về bảo vệ môi trường thường xuyên được tổ chức tại các chùa nhằm giáo dục cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và hành động bảo vệ tự nhiên.
Công giáo: các giáo xứ Công giáo tại Trà Vinh duy trì hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường bằng việc thường xuyên dọn dẹp các khu vực xung quanh nhà thờ và các kênh rạch để duy trì môi trường sạch đẹp cho cộng đồng. Bên cạnh đó, các giáo xứ thường xuyên khuyến khích cộng đồng sử dụng các sản phẩm tái chế để giảm thiểu lượng rác thải và bảo vệ môi trường hiệu quả hơn.
Tin Lành: các nhóm Tin Lành ở Trà Vinh đóng góp vào việc bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động giáo dục, thúc đẩy sử dụng sản phẩm bền vững. Các chương trình giáo dục tín hữu, đặc biệt là tín hữu trẻ về sự cần thiết của việc sử dụng sản phẩm tái chế và bền vững, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường; khuyến khích người trẻ tham gia vào các hoạt động xã hội, hỗ trợ các chiến dịch dọn dẹp môi trường cùng các hoạt động cộng đồng khác như: xây dựng nhà ở cho người nghèo, giúp đỡ trẻ em, người cao tuổi.
Nông dân ở họ đạo Công giáo Phước Hảo, huyện Châu Thành xây dựng chuồng trại rộng thoáng và áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Cao Đài: các họ đạo đã vận động tín đồ đạo Cao Đài và Nhân dân trồng cây xanh, xây dựng hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi, xây dựng hố xí tự hoại hợp vệ sinh, định kỳ phát động chương trình thu gom rác, đồng thời, hưởng ứng xây dựng ống hồ trữ nước mưa, nước ngọt dự phòng khi hạn, mặn.
Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam: các hội quán, phòng thuốc Nam của Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam luôn đề cao việc giữ gìn cảnh quan xanh - sạch - đẹp, mỗi hội quán phải có vườn thuốc Nam, đồng thời, cũng là những trung tâm sinh hoạt cộng đồng, khuyến khích, vận động mỗi vườn nhà tín đồ trồng thuốc Nam, khai thác cây thuốc trong thiên nhiên có chừng mực và theo quy định của giáo hội; thực hành tiết kiệm điện, nước, giảm ăn thịt động vật; không vứt rác, túi ni lông, xác súc vật chết xuống sông, rạch. Giáo hội cũng tuyên truyền cho bà con hạn chế sử dụng túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần để gói thuốc, thay vào đó là các loại giấy hoặc bao bì dễ tiêu hủy, có thể tái sử dụng được; thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn, tập kết rác đúng nơi quy định; vận động tín đồ ở nông thôn làm nông nghiệp hữu cơ, hạn chế phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, sử dụng phân bón hữu cơ an toàn cho môi trường và sức khỏe con người.
Hồi giáo: cộng đồng Hồi giáo tại Trà Vinh tham gia tích cực vào các hoạt động bảo vệ môi trường, bao gồm: tiết kiệm năng lượng, khuyến khích sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng và các biện pháp tiết kiệm tài nguyên trong sinh hoạt hằng ngày; tham gia vào các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, đặc biệt là bảo tồn rừng ngập mặn, duy trì hệ sinh thái đa dạng ở địa phương.
Phật giáo Hòa Hảo: đề cao việc sống hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, sử dụng năng lượng tiết kiệm để giảm thiểu tác hại tới môi trường. Nếp sống đạo của người tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tại Trà Vinh không tách rời tôn chỉ của Giáo hội là coi trọng bổn phận phải bảo vệ môi trường tốt đẹp, an toàn và bền vững. Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo cấp cơ sở đã triển khai tuyên truyền nâng cao nhận thức của bà con tín đồ về tác hại của rác thải đối với môi trường, hệ sinh thái; vận động bà con tín đồ tích cực tham gia các hoạt động thu gom, phân loại rác thải tại hộ gia đình; hạn chế sử dụng các vật dụng dùng một lần như túi ni lông hộp xốp; triển khai mô hình thu gom vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, xây dựng các lò mini để đốt rác thải.
Họ đạo Cao Đài Ban Chỉnh đạo ủng hộ xây các ống hồ dự trữ nước mưa, nước ngọt dự phòng hạn mặn
Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong cộng đồng các tôn giáo ở Trà Vinh
Bên cạnh những thành tựu đáng khích lệ, các cộng đồng tôn giáo ở tỉnh Trà Vinh phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc bảo vệ môi trường và phòng chống biến đổi khí hậu. Mặc dù, mỗi tôn giáo đều có giáo lý và giảng dạy về sự cần thiết của bảo vệ môi trường, nhưng mức độ nhận thức, hành động của từng nhóm tín đồ chưa đồng đều. Bên cạnh đó, hoạt động bảo vệ môi trường thường đòi hỏi nguồn lực tài chính cũng như nhân lực đáng kể, điều này đặt ra thách thức đối với các tôn giáo khi đời sống của bà con tín đồ nhiều nơi còn khó khăn, dẫn đến việc huy động nguồn lực của các cộng đồng tôn giáo ở địa phương còn hạn chế.
Nhằm tiếp tục phát huy vai trò của các tôn giáo trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tại tỉnh Trà Vinh, cần tăng cường hoạt động giáo dục, thông tin và giao tiếp về bảo vệ môi trường trong các hoạt động và sinh hoạt tôn giáo hằng ngày; tăng cường sự phối hợp giữa các tôn giáo, chính quyền địa phương và các tổ chức phi chính phủ để tối ưu hóa nguồn lực, triển khai hiệu quả các chương trình, dự án bảo vệ môi trường; khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động sáng tạo hướng đến mục tiêu bền vững như phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, tái chế rác thải.
Sự hợp tác và chung tay của đồng bào các tôn giáo tại tỉnh Trà Vinh đã và đang tạo ra những tác động tích cực đáng kể đối với cộng đồng, môi trường sống. Để duy trì, phát huy kết quả đã đạt được, cần thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa các tôn giáo và chính quyền địa phương nhằm kiến thiết, phát triển một môi trường sống lành mạnh, bền vững cho tương lai. Trong Chương trình phối hợp giữa các tôn giáo về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2023-2026 tại tỉnh Trà Vinh, các tổ chức tôn giáo đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc điểm từng tôn giáo, nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành vi của tín đồ, Nhân dân theo hướng tích cực. Cơ quan chức năng tại địa phương tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các cộng đồng tôn giáo và người dân xây dựng năng lực tự ứng phó khi có rủi ro, thiên tai xảy ra bằng việc xây dựng, nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu ở các địa phương phù hợp với đặc điểm, điều kiện của mỗi tôn giáo và khu vực.
Trong công tác tuyên truyền, mỗi tôn giáo cụ thể hóa các nội dung phù hợp với từng nhóm chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ; vận động Nhân dân hưởng ứng các hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nếp sống vệ sinh, xanh, sạch, đẹp; tạo thói quen hạn chế vứt rác; ăn uống khoa học, thanh tịnh, hợp vệ sinh, bảo đảm sức khỏe; hưởng ứng các phong trào xanh: “Chủ nhật xanh”, “5 không, 3 sạch”, trồng cây, trồng rừng, không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản, không lạm dụng đốt rơm rạ, đốt vàng mã, rải tiền vàng mã, nhang hương gây ô nhiễm; vận động Nhân dân thực hiện việc hỏa táng, chôn cất đúng nơi quy định, hạn chế rác thải nhựa; tăng cường sử dụng, khai thác các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời mái nhà, áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả…
Minh Thanh