Phát huy nguồn lực của Phật giáo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Hà Tĩnh trong tình hình mới
Ngày đăng: 18/12/2024Phát huy nguồn lực của Phật giáo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Hà Tĩnh trong tình hình mới là chủ đề của Hội thảo khoa học diễn ra vào sáng ngày 17/12/2024, tại tỉnh Hà Tĩnh, với sự tham dự của các nhà quản lý, nhà khoa học, chức sắc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các nhà nghiên cứu Phật giáo trong và ngoài tỉnh.
Phật giáo có mặt ở Hà Tĩnh từ rất sớm và đóng góp quan trọng trong việc kiến tạo nên bề dày truyền thống và các giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc. Sau thời kỳ bị gián đoạn bởi chiến tranh và các nguyên nhân khách quan, hơn một thập niên trở lại đây, Phật giáo ở Hà Tĩnh đã hồi sinh và phát triển mạnh mẽ, bám sát mục tiêu, đường hướng hành đạo “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, có nhiều đóng góp trong đời sống xã hội.
Toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có khoảng 20.100 phật tử (chiếm 1,59% dân số toàn tỉnh), 300 ngôi chùa có dấu tích Phật giáo, trong đó, 07 chùa được công nhận di tích cấp quốc gia; 28 chùa được công nhận di tích cấp tỉnh. Về tổ chức Giáo hội có Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh và 13 Ban Trị sự Phật giáo cấp huyện, 70 sư trụ trì được Giáo hội bổ nhiệm chính thức.
Là bộ phận quan trọng trong khối đại đoàn kết dân tộc, thời gian qua, Phật giáo đã đồng hành cùng chính quyền trong các cuộc vận động tham gia xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn. Ảnh hưởng của tư tưởng, triết lý Phật giáo đã lan tỏa trên nhiều lĩnh vực, nhiều mặt của đời sống xã hội. Nguồn lực Phật giáo góp phần tạo lập sự đoàn kết và đồng thuận xã hội; niềm tin tôn giáo đã tác động đến hành vi, đạo đức ứng xử của mỗi tín đồ và cộng đồng tôn giáo.
Hội thảo khoa học “Phát huy nguồn lực của Phật giáo góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Hà Tĩnh trong tình hình mới” nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nguồn lực tôn giáo; góp phần đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”.
Hội thảo đã nhận được hơn 30 tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, tu sỹ Phật giáo, trong đó, 10 tham luận được trình bày trực tiếp tại Hội thảo. Các tham luận làm rõ lịch sử ra đời của Phật giáo Hà Tĩnh; những đóng góp của Phật giáo qua từng giai đoạn lịch sử của dân tộc nói chung, tỉnh Hà Tĩnh nói riêng; thực trạng phát huy nguồn lực của Phật giáo ở Hà Tĩnh trên các lĩnh vực như củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hoạt động từ thiện nhân đạo, phát triển du lịch, xây dựng nông thôn mới… đồng thời, cũng nêu những đề xuất, kiến nghị, giải pháp nhằm thúc đẩy việc phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của Phật giáo trong đời sống xã hội.
Ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2024-2029 giữa Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh
Một số hoạt động xã hội của Phật giáo Hà Tĩnh trong những năm qua
* Công tác cứu trợ, từ thiện nhân đạo
Với tinh thần từ bi cứu khổ, vô ngã vị tha của Phật giáo gắn với văn hóa truyền thống lá lành đùm lá rách của dân tộc Việt Nam, Phật giáo Hà Tĩnh đã tham gia tích cực vào các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ, cứu trợ xã hội cho đối tượng nghèo khổ, thiếu may mắn trong xã hội. Giai đoạn 2017-2022, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh triển khai công tác từ thiện, xã hội với tổng số tiền khoảng 20 tỷ đồng, phát cháo miễn phí tại cơ sở y tế, thăm, tặng quà các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh nghèo khó trong các dịp lễ, nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi.
Năm 2020, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đã trao tặng 200.000.000 đồng cho các hộ gia đình bị thiệt hại trong đợt lũ ở huyện Cẩm Xuyên và huyện Thạch Hà. Ban Trị sự các huyện, thị đã hỗ trợ lũ lụt với tổng số tiền: 6.406.000.000 đồng và kết nối các đoàn từ thiện trong nước và nước ngoài về hỗ trợ lũ lụt là 19.430.000.000 đồng. Các hoạt động từ thiện được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh triển khai thực hiện như: tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó; tặng quà cho người nghèo, gia đình chính sách vào các dịp lễ tết, ủng hộ lũ lụt tại tỉnh Quảng Bình sau bão số 9 năm 2020, phát cơm từ thiện tại một số bệnh viện tuyến huyện; tặng quà cho trẻ mồ côi, người tàn tật; gia đình chính sách ảnh hưởng chất độc da cam; khám chữa bệnh cho người nghèo, hỗ trợ bệnh nhân chạy thận và bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, xây nhà tình thương, ủng hộ xây dựng nghĩa trang liệt sỹ…
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp trong tỉnh đã trao tặng tiền và nhiều trang thiết bị, nhu yếu phẩm ước tính trị giá hơn 1,5 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Các chức sắc, tín đồ phật tử chấp hành và thực hiện nghiêm công tác phòng dịch, đồng thời ủng hộ nhu yếu phẩm cho những người ở các khu cách ly, giải cứu nông sản trên địa bàn khu vực phong tỏa. Các phật tử nấu cơm và phát hàng nghìn xuất cơm nghĩa tình, hàng trăm nghìn chai nước; trực tiếp và gián tiếp thăm hỏi, động viên, hỗ trợ nhiều phần quà tới các bác sỹ, nhân viên bệnh viện, đặc biệt là các bệnh nhân COVID-19 điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, Trung tâm Y tế Kỳ Anh, Bệnh viện Phổi thành phố Hà Tĩnh và Bệnh viện Cửa khẩu Cầu Treo. Riêng trong hai năm 2020, 2021, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đã vận động tăng ni, phật tử, các nhà hảo tâm ủng hộ quỹ Vaccine, quỹ Phòng, chống COVID-19 của tỉnh, ủng hộ vật tư y tế và thực phẩm cho các điểm cách ly, ủng hộ thuốc men, lương thực, quần áo... với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng, trao 70.000.000 đồng và 5.000 khẩu trang y tế tới Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, góp phần chung sức cùng chính quyền và Nhân dân phòng chống dịch COVID-19.
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh ủng hộ quỹ Phòng, chống COVID-19
* Công tác tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh đã ký cam kết việc bảo vệ môi trường, phát huy tinh thần “Phật pháp bất ly thế gian giác”, nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng, góp phần ổn định an ninh xã hội, hướng tới thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc mà Việt Nam đang nỗ lực thực hiện; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh thả 01 tấn cá giống để tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản tại hồ Kẻ Gỗ, huyện Cẩm Xuyên và hơn 40.000 con cá giống tại đập Mạc Khê, xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh.
Với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đã tuyên truyền, vận động tăng, ni, phật tử hưởng ứng, tham gia ngày hội bầu cử, tăng, ni tham gia ứng cử Hội đồng Nhân dân các cấp. Trong những năm qua đã có nhiều tu sỹ tham gia Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, cụ thể: Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ, Đại đức Thích Quảng Nguyện, Đại đức Thích Hạnh Nhẫn, Đại đức Thích Thiện Nhơn, Đại đức Thích Chánh Thành tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; Đại đức Thích Tâm Phương, Đại đức Thích Thiện Nhơn, Đại đức Thích Tâm Quang, Đại đức Thích Chúc Cường tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện.
Ngoài việc chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, chức sắc, tín đồ luôn thực hiện nghĩa vụ của người công dân tốt, đồng thời cũng là người tu sỹ chân chính. Đồng bào Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh đã tích cực hưởng ứng, tham gia các cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; ủng hộ quỹ Vì người nghèo, quỹ Khuyến học, khuyến tài, quỹ Đền ơn đáp nghĩa, các chương trình xây dựng nông thôn mới, hiến đất làm đường, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; vận động con em tín đồ phật tử hăng hái lên đường nhập ngũ, làm tròn bổn phận công dân, chung tay xây dựng biển đảo quê hương, cùng ngư dân bám biển, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ… Hưởng ứng cuộc vận động của các cấp chính quyền về việc treo cờ Tổ quốc tại cơ sở tôn giáo vào các dịp lễ lớn, sự kiện chính trị, Tết cổ truyền của dân tộc, 100% cơ sở Phật giáo trong tỉnh đã thực hiện treo cờ Tổ quốc vào các ngày lễ lớn của Phật giáo và của dân tộc.
Minh Thanh