Phật giáo Đà Nẵng đồng hành cùng chính quyền thành phố
Ngày đăng: 18/10/2021
Đại lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc Vesak năm 2019 tại chùa Pháp Lâm, Đà Nẵng
Phật giáo truyền vào Việt Nam ta từ những năm đầu Công nguyên. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào tháng Giêng năm Đinh mùi (1307), vua Trần Anh Tông đổi tên hai châu Ô, châu Lý thành châu Thuận Hóa. Kể từ thời gian này, tại Đà Nẵng cũng bắt đầu xuất hiện các vị thiền sư Phật giáo, trong đó phải kể đến ngài Minh Phước Quảng tu khổ hạnh ở Động Hoa Nghiêm thuộc Ngũ Hành Sơn, sư Từ Tâm đã lập chùa Thái Bình tọa lạc tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn.

Với gần hai nghìn năm có mặt, cùng hòa nhịp với sự phát triển của đất nước, Phật giáo tại Đà Nẵng cũng theo dòng lịch sử thăng trầm của đất nước, để rồi ngày nay vẫn đứng vững và hòa quyện với dân tộc, đã góp phần vào sự phát triển của thành phố, đã hội nhập vào lòng người một cách sâu sắc với những giáo lý căn bản và cũng đã đóng góp một phần không nhỏ cho nền văn hóa bản xứ.

Thành phố Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương, có 08 quận, huyện với 56 xã phường, diện tích là 1285,4 km², số dân khoảng 1.134.000 (người) người. Đà Nẵng được xem là một trong những thành phố năng động bậc nhất của Việt Nam hiện nay, với vị trí nằm ở trung độ của đất nước, có vị trí trọng yếu cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh; là đầu mối giao thông quan trọng cả về đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không, là cửa ngõ chính vươn ra biển Đông của các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên và các nước tiểu vùng sông Mê Kông. Đà Nẵng có nhiều danh thắng, di tích lịch sử… là tiềm năng để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung, đồng thời cũng là điều kiện thuận lợi để du nhập và phát triển các loại hình tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo và đông đảo chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo... với nhiều hoạt động tôn giáo diễn ra đa dạng, phong phú. Đà Nẵng hiện nay có 09 tổ chức tôn giáo thuộc 06 tôn giáo hợp pháp đang hoạt động, 191 cơ sở tôn giáo, 1.780 cơ sở tín ngưỡng, với 911 chức sắc, 1.177 chức việc và khoảng gần 200.000 tín đồ các tôn giáo.

Năm 1997, thành phố Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, song hành cùng với thành phố, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Đà Nẵng được thành lập và trải qua V kỳ đại hội. Tính đến nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng Phật giáo là tổ chức tôn giáo lớn nhất, gồm 03 hệ phái Bắc Tông, Nam Tông và hệ phái Khất sĩ, với 113 cơ sở thờ tự (110 chùa và 03 tịnh xá), với khoảng gần 120.000 tín đồ theo và có niềm tin với đạo phật, khoảng 1.400 chức sắc, chức việc, nhà tu hành, 60 tổ chức Gia đình Phật tử, gần 186 Hội đoàn Phật giáo đang hoạt động trên khắp địa bàn thành phố. Cùng với sự phát triển của thành phố, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Đà Nẵng luôn nhận được sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt của Đảng, chính quyền, Mặt trận các cấp từ thành phố đến địa phương. Với sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sự tích cực lãnh đạo điều hành của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các quận, huyện, Trụ trì, Ban Hộ tự các chùa, hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Đà Nẵng ngày càng phát triển và trở thành tổ chức tôn giáo có quy mô lớn, với số lượng chức sắc, tín đồ đông đảo với nhiều hoạt động Phật sự quan trọng của Giáo hội từng bước được tổ chức nền nếp, phong phú, đa dạng, đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong những năm qua, hoạt động Phật giáo Đà Nẵng diễn ra ổn định, thuần túy tôn giáo, gắn với sự phát triển chung của thành phố, gắn bó chặt chẽ với các phong trào tại địa phương, tuân thủ pháp luật và thực hiện đúng phương châm hành đạo.

Các hoạt động của Giáo hội từ nghi lễ, đào tạo tăng tài, việc sinh hoạt, tu học của Tăng Ni Phật giáo ngày càng đi vào nề nếp, ổn định và phát triển theo định hướng của Giáo hội, tạo được sự phấn khởi, tin tưởng trong Tăng Ni, Phật tử; nhiều cơ sở thờ tự, chùa, tịnh thất, tịnh xá được trùng tu, xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của Tăng, Ni, Phật tử, đặc biệt đã có những điểm du lịch mang dấu ấn rõ nét văn hóa Phật giáo tạo được sự phấn khởi trong tăng ni, Phật tử. Hoạt động lễ hội, nghi lễ cũng được duy trì thường xuyên, trong đó có các lễ trọng như lễ hội Quán Thế Âm, Đại lễ Phật đản, lễ Vu lan,… đi vào nề nếp hơn, trang nghiêm. Trong đó, lễ hội Quán Thế Âm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn có quy mô tương đối lớn thu hút đông đảo khách du lịch tâm linh. Trong những năm gần đây, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Đà Nẵng đã tổ chức được nhiều hoạt động Phật sự có quy mô lớn, tiêu biểu như: năm 2008, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc (VESAK) tại Trung tâm văn hóa thành phố với hàng nghìn tăng ni, phật tử tham gia; Hội thảo Hướng dẫn Phật tử toàn quốc năm 2011 tại chùa Linh Ứng - Bãi Bụt với hơn 500 đại biểu chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử đến từ các tỉnh, thành trong toàn quốc; tổ chức Đại giới đàn Phước Trí năm 2013 với hơn 2.000 giới tử, Đại giới đàn Tôn Thắng năm 2018 với 1.017 giới tử tham gia; tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2019 với nhiều hoạt động quy mô như chương trình lễ rước Phật đản sanh, diễu hành xe hoa và trang trí cờ, pano, biểu ngữ tại các cơ sở thờ tự trên địa bàn thành phố. Các tín đồ, Phật tử đã có những đóng góp thiết thực trong việc phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự xã hội, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, hạn chế các tai tệ nạn xã hội, nhiệt tình hưởng ứng các phong trào thi đua do chính quyền các cấp tổ chức góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng ngày càng phát triển, an bình.

Ngoài ra, Phật giáo Đà Nẵng đã góp phần tích cực vào công tác đối ngoại nhân dân của thành phố với các tổ chức Phật giáo các nước như Srilanca, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào, Ấn Độ, Pháp, Nhật Bản... Bên cạnh đó, còn có các mối quan hệ của cá nhân chức sắc hoặc sơn môn, pháp phái với  tăng ni, Phật tử người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Thông qua các hoạt động giao lưu, tu học ở nước ngoài, các chức sắc Phật giáo đã góp phần giới thiệu hình ảnh con người thành phố Đà Nẵng thân thiện, chân thành đến với bạn bè quốc tế.

Phát huy truyền thống yêu nước, yêu dân tộc của Phật giáo Việt Nam, những năm qua, Phật giáo Đà Nẵng luôn đồng hành cùng chính quyền thành phố, thể hiện rõ vai trò, vị trí của Phật giáo và dân tộc, thực hiện những việc làm thiết thực ích đạo, lợi đời, khẳng định mối quan hệ gắn bó không thể tách rời giữa dân tộc và đạo pháp. Vì vậy, trong đời sống hằng ngày của người dân thành phố luôn mang đậm những giá trị tích cực của Phật giáo. Thực tế cho thấy, tinh thần từ bi cứu khổ của Phật giáo Việt Nam đã được phát huy rộng rãi, góp phần rất quan trọng vào việc xây dựng và cũng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đặc biệt thông qua các hoạt động từ thiện, nhân đạo, Phật giáo Đà Nẵng đã có nhiều đóng góp to lớn trong công tác an sinh xã hội cụ thể là trong những năm qua đã có hàng ngàn ngôi nhà tình thương, nhà đại đoàn kết được hỗ trợ xây dựng; cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, tham gia tích cực ủng hộ phong trào xóa đói giảm nghèo, chăm sóc người có công với đất nước với nhiều mô hình hoạt động từ thiện như: Phát quà từ thiện, phát xe lăn, hiến máu nhân đạo, quỹ khuyến học, tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo của các Tuệ Tĩnh đường, chương trình Nồi cháo tình thương cho người nghèo tại các bệnh viện, chương trình tiếp sức mùa thi và hiến máu nhân đạo của Gia đình phật tử, tham gia tích cực vào Dự án tăng cường khả năng đáp ứng của Tôn giáo trong hoạt động phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn thành phố, đặc biệt tham gia đóng góp hàng chục tỷ đồng vào Quỹ vì người nghèo do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố phát động…  tất cả đã góp phần rất lớn cho chính quyền và nhân dân thành phố thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội, đặc biệt là chương trình “5 không - 3 có”, thành phố “trẻ trung năng động”, thành phố “yên bình thân thiện và đáng sống”, chương trình “Văn hóa, văn minh đô thị”, chương trình “thành phố 4 an” (gồm an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm và an sinh xã hội) được nhân dân thành phố và dư luận trong cả nước đồng tình ủng hộ.

Đặc biệt, trong thời gian hai năm qua, khi tình hình dịch COVID-19 bùng phát lan rộng ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và thành phố Đà Nẵng, tác động đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế, UBND thành phố và chính quyền các địa phương về phòng, chống dịch COVID-19, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố đã tích cực hướng dẫn cho tăng ni, Phật tử hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo có đông tín đồ tham dự; tạm dừng tổ chức các hội nghị thường niên, đại hội nhiệm kỳ; hoãn hủy nhiều buổi thuyết giảng, các lễ hội, các khóa tu tập trung đông người; hạn chế hoặc tạm dừng việc đón khách hành hương; tuân thủ thực hiện biện pháp 5K, treo biển khuyến cáo tại các cơ sở tôn giáo,… Phật giáo thành phố đã chủ động thực hiện sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tôn giáo bằng hình thức trực tuyến (online) thông qua các trang website của Giáo hội và cử hành nghi lễ tại gia đình để vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh của tín đồ và người dân, vừa để đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Đồng thời, tích cực thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm và kỹ năng phòng, chống dịch bệnh cho tăng ni, Phật tử và các tầng lớp Nhân dân để mọi người ý thức rõ tính chất nguy hiểm, diễn biến phức tạp và các tác hại nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19; vận động tăng ni, Phật tử tích cực thực hiện việc khai báo y tế, đăng ký tiêm vắc-xin phòng dịch.

Không chỉ tích cực chung tay thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, phát huy tinh thần “từ bi”, “bác ái”, các tăng ni, Phật tử trên địa bàn thành phố còn thể hiện tinh thần nhập thế bằng cách tích cực vận động, đóng góp Quỹ Vắc xin phòng, chống COVID-19 và Quỹ phòng chống dịch (chỉ tính riêng trong đợt bùng phát dịch bệnh từ cuối tháng 4/2021 đến nay các cơ sở Phật giáo trên địa bàn thành phố đã ủng hộ cho Quỹ Vắc xin phòng, chống COVID-19 thành phố số tiền 250.000.000 đồng, Quỹ phòng chống dịch 100.000.000 đồng. Đồng thời, tăng ni, Phật tử các cơ sở Phật giáo cũng đã ủng hộ hàng chục tấn rau củ quả và nhu yếu phẩm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, các khu cách ly điều trị COVID-19 của thành phố và cứu trợ những hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng do dịch bệnh, góp phần quan trọng cùng chính quyền thành phố ngăn chặn, từng bước đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

Những hoạt động của Giáo hội Phật giáo Đà Nẵng dựa trên căn bản của tinh thần hòa hợp, đoàn kết theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Bên cạnh các hoạt động tôn giáo thuần túy, Phật giáo tại thành phố trong thời gian qua đã phối hợp tích cực, đồng hành cùng với chính quyền thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo, để lại những ảnh hưởng tích cực đến bản sắc văn hóa, nếp sống, đạo đức.. của người đạo hữu Phật tử nói riêng và nhân dân thành phố nói chung đưa tinh thần từ bi của đạo Phật lan tỏa trong và ngoài thành phố. Đặc biệt, việc gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa Phật giáo Việt Nam rất phù hợp với mục tiêu phấn đấu của Đà Nẵng hiện nay là xây dựng thành phố hài hòa, thân thiện, an bình; một thành phố hấp dẫn và đáng sống, góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.

 

Vũ Văn Thước