Những nữ tu thầm lặng che chở cho trẻ và hài nhi xấu số
Ngày đăng: 15/06/2021Nằm giữa khu rừng cao su ở xã Cam Thành, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), khu nghĩa trang hài nhi do các nữ tu thuộc Mái ấm tình thương Lâm Bích xây dựng nhằm che chở những trẻ, hài nhi xấu số. Nơi đây, đã có hàng trăm hài nhi xấu số được các nữ tu thầm lặng mang về chôn cất và chăm sóc như máu mủ của mình.
Ấm áp tấm lòng của những nữ tu
Đã được nghe kể về nơi yên nghỉ của những hài nhi xấu số tại xã Cam Thành, huyện Cam Lộ nhưng khi tận mắt chứng kiến, trái với mường tượng ban đầu, khu nghĩa trang được các sơ tâm huyết dốc sức xây dựng rộng lớn, sạch sẽ, nằm gối đầu lên một quả đồi rợp bóng cây xanh.
Sơ Trần Thị Hiện kể, khi chứng kiến những hài nhi xấu số không nơi nương tựa, bản thân sơ và các nữ tu khác ấp ủ tâm nguyện xây dựng một khu nghĩa trang dành làm nơi an táng để chở che cho các hài nhi xấu số. Từ tâm nguyện đó, từ nhiều năm trước, các sơ đã mua một khu đất là vườn cây cao su và rừng trồng tràm khá lớn ở xã Cam Thành.
"Khi mua được khu đất này, chúng tôi đã chọn một phần đất đẹp nhất để làm nghĩa trang hài nhi nhưng các sơ vẫn chưa thực hiện được tâm nguyện. Đến năm 2016, trong Mái ấm tình thương Lâm Bích không may có một bé từ giã cõi đời, từ đó, các sơ mới quyết tâm xây dựng khu nghĩa trang hài nhi này. Đây là phần việc mà các sơ rất tâm huyết nên ai cũng cố gắng hết sức để vận động, góp sức xây dựng", sơ Trần Thị Hiện cho biết.
Nhớ về đứa con xấu số của Mái ấm tình thương Lâm Bích, sơ Hiện kể, năm 2015, sơ được công an thông báo có một đứa trẻ khoảng 7 tháng tuổi bị bỏ rơi tại một quán cà phê trên đường Chu Mạnh Trinh, thành phố Đông Hà và mong muốn sơ nhận nuôi.
"Ban đầu cháu được một gia đình nhận nuôi nhưng được vài ba tháng thì trả lại do quá trình chăm sóc, họ phát hiện cháu có biểu hiện bị bại não nên trả lại", sơ Hiện nghẹn lòng.
Sau đó sơ Hiện xin công an được tiếp nhận cháu về Mái ấm tình thương Lâm Bích để nuôi dưỡng. Nhưng do sức khỏe cháu yếu ớt, nên cháu thường xuyên đau ốm, số ngày nằm viện nhiều hơn ở nhà. Đến khi được 18 tháng tuổi, sức khỏe bé dần khá hơn nên chúng tôi đã đón cháu về.
"Ngày 27 Tết, sau khi được đội ngũ y, bác sĩ và các sơ ân cần chăm sóc, yêu thương, thấy cháu khỏe hơn nên chúng tôi đã đón cháu về mái ấm với ý định cho con được đón Tết cùng đại gia đình. Nhưng thật đau xót, khi cháu về ở mái ấm được hơn một ngày thì đến chiều 28 Tết, cháu trút hơi thở cuối cùng. Các sơ thương con vô cùng", sơ Hiện rớm nước mắt.
Sau khi cháu nhỏ qua đời, các sơ đã đưa cháu vào khu đất các sơ để dành làm nghĩa trang và an táng cháu tại đó. Đây cũng là ngôi mộ đầu tiên và khởi đầu cho việc hình thành nghĩa trang cho trẻ kém may mắn của các nữ tu Mái ấm tình thương Lâm Bích.
Lặng lẽ chở che
Vào năm 2016, các sơ đã tổ chức xây dựng khu nghĩa trang trên trên tổng diện tích khoảng 3.000 m2 từ kinh phí vận động ở nhiều nguồn khác nhau. Khu nghĩa trang được thiết kế có nhiều khu mộ nối tiếp nhau với tổng số ô mộ được xây dựng sẵn là 1.800 mộ. Toàn bộ nghĩa trang được xây dựng cổng, tường rào bảo vệ.
Sơ Bùi Thị Lệ Diễm là người mới được chuyển về Mái ấm tình thương Lâm Bích khoảng vài năm nay nhưng sơ cùng với sơ Hiện là những người thường xuyên lui tới chăm sóc khu nghĩa trang này. "Cứ vào ngày thứ 4 và thứ 7 hàng tuần bất kể nắng mưa, sơ và sơ Hiện đều đặn chạy xe máy về với các con. Tại đây các sơ thắp nhang, đọc kinh cầu nguyện cho các con rồi quét dọn, nhổ cỏ quanh khu nghĩa trang cho sạch sẽ. Với 2 sơ, mỗi lần cầu nguyện chỉ mong các con được an nghỉ thanh thản, được Chúa che chở bình yên ở thế giới bên kia", sơ Diễm tâm sự.
Khu nghĩa trang được xây dựng khang trang là tâm huyết, tâm nguyện của các sơ Mái ấm Lâm Bích
Theo các sơ cho biết, đến nay các sơ đã đưa về đây an táng được 118 hài nhi xấu số. "Những hài nhi này đều là những hài nhi được các sơ tiếp nhận từ một bệnh viện và một số phòng khám có thực hiện việc sinh sản, nạo phá thai. Có những thai nhi chỉ là nhúm máu nhưng cũng có những thai nhi đã lớn có đầy đủ hình hài. Cứ được báo là các sơ lập tức đến tiếp nhận, đưa về thực hiện các thủ tục cần thiết, cầu nguyện rồi đưa đi an táng, bất kể thời gian nào trong ngày. Hài nhi nào ở đây cũng được đặt tên chung là Lâm Bích và từng mộ có gắn số thứ tự riêng", sơ Hiện cho biết.
"Năm sinh của các cháu cũng là năm mất, cuộc sống của các bé ngắn ngủi quá. Mỗi lần ra thăm mộ, tôi chỉ biết nhói lòng", sơ Hiện vừa nói vừa chỉ cho chúng tôi xem thông tin về năm mất in trên những ngôi mộ. Mỗi lần lên thăm mộ của các hài nhi xấu số, các sơ đều thành tâm đọc kinh cầu nguyện các con sẽ có cuộc sống hạnh phúc, ấp áp ở chốn thiên đường.
Theo sơ Hiện, không chỉ các sơ trực tiếp lên, mà thỉnh thoảng các sơ lại đưa những đứa con lớn của mái ấm lên với nghĩa trang. Các sơ bảo rằng, đưa các con lên không chỉ vì là các con phụ giúp trong việc vệ sinh, nhổ cỏ các khu mộ mà là để các con cảm nhận được tình yêu thương, sự tử tế trong cuộc đời. Để rồi các con bồi đắp lòng nhân ái, ấp ủ tình thương và truyền đi điều tốt đẹp như các con đã nhận từ cuộc đời này…
Nhìn cách mà các sơ ân cần và thầm lặng chăm sóc cho nghĩa trang hài nhi như đang chăm ruột thịt của mình, những người biết việc nghĩa này đều không khỏi xúc động và cảm phục. Hình bóng những nữ tu nhỏ nhắn, lặng lẽ và nhẹ nhàng nhưng có tấm lòng nhân ái, truyền đi tình thương bao la của Chúa để che chở cho những số phận xấu số. Họ chính là những người mẹ thầm lặng với lòng trắc ẩn và trái tim hướng thiện, luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho những đứa con kém may mắn…
Nguồn: phunuvietnam.vn