Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam – Ngày hội lớn của đồng bào các dân tộc
Ngày đăng: 23/08/2021
Màn trình diễn nghệ thuật của những người con vùng đất Tây Nguyên trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2021. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Gần 13 năm qua, trên khắp mọi miền Tổ quốc, ở các địa phương từ miền núi đến đồng bằng, từ biên giới tới hải đảo, bằng các hoạt động thiết thực “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” đã lan tỏa và thấm sâu trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, thực sự trở thành Ngày hội lớn để đồng bào các dân tộc gặp gỡ, giao lưu, cùng nhau hòa mình trong các lễ hội truyền thống, không gian văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên khắp các vùng, miền của Tổ quốc. Qua đó, góp phần giới thiệu và tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân.

Sinh thời, Bác Hồ kính yêu luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa đối với phát triển đất nước. Theo Người, văn hóa chính là hồn cốt của một dân tộc - tinh hoa của cộng đồng dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử; văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển. Phát triển văn hóa phải được xem là một trong những đột phá quan trọng nhất để bảo đảm cho sự phát triển bền vững đất nước. Cũng vì ý nghĩa quan trọng đó mà cách đây hơn 7 thập niên, Bác Hồ khẳng định "Văn hóa soi đường quốc dân đi".

Học tập Bác, những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, chính sách về văn hóa, trong đó có việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Ngày 17/11/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định lấy ngày 19/4 hằng năm là "Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam". 

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã từng bước lan tỏa và thấm sâu trong cộng đồng 54 dân tộc anh em, thực sự trở thành ngày hội để đồng bào các dân tộc gặp gỡ, giao lưu, cùng nhau hòa mình trong các lễ hội truyền thống, qua đó góp phần giới thiệu và tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân. Trên khắp mọi miền Tổ quốc, các địa phương đã hưởng ứng ngày này bằng các hoạt động thiết thực. 

Tại tỉnh Hà Giang, nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, định kỳ 2 năm một lần, tỉnh chỉ đạo tổ chức "Ngày hội văn hóa thể thao và du lịch các dân tộc" ở các huyện, thị và 5 năm một lần tổ chức "Ngày hội Văn hóa thể thao và du lịch các dân tộc" cấp tỉnh. Tham gia ngày hội, đại diện các dân tộc trình diễn các tiết mục văn hoá văn nghệ dân gian, làm sống dậy và giúp người xem hiểu biết về các lễ hội truyền thống của dân tộc mình. Đây là một trong những biện pháp tích cực góp phần bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số; đồng thời thúc đẩy giao lưu kinh tế - văn hóa giữa các vùng miền trong tỉnh, giới thiệu được những nét văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc. Một số huyện biên giới còn vận dụng sáng tạo việc tổ chức "Ngày hội văn hóa thể thao và du lịch các dân tộc" gắn với tổ chức Lễ hội văn hóa-du lịch kết hợp với các hoạt động dịch vụ-thương mại đã thu hút đông đảo du khách trong cả nước đến giao lưu, nghiên cứu, tìm hiểu, góp phần quảng bá mảnh đất, con người và bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số sở tại, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn; đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân, xây dựng đời sống văn hoá, góp phần đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá".

Đối với tỉnh Bắc Kạn, để tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn, thời gian qua, các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh thường xuyên tuyên truyền, tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc. Trong mỗi dịp hưởng ứng ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, các hoạt động càng được đẩy mạnh, tạo không khí phấn khởi, thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Năm 2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND huyện Chợ Đồn tổ chức chương trình Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam gắn với công bố Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao đỏ, xã Ngọc Phái (Chợ Đồn) là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Năm 2019, Sở tiếp tục phối hợp với huyện Na Rì tổ chức trọng thể Lễ trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Nghệ nhân Nhân dân", "Nghệ nhân Ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ hai gắn với tổ chức các hoạt động hưởng ứng "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam"… Bên cạnh đó, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng đã triển khai nhiều dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, như: Lễ hội Lồng tồng tại xã Bằng Vân (Ngân Sơn); Lễ Phjất Lăng của người Dao đỏ thôn Nà Vài, xã Quảng Khê (Ba Bể); Lễ 3 ngày tuổi của người Dao Sán Chí, xã Bộc Bố (Pác Nặm)... Triển khai các dự án như: Bảo tồn "Lễ hội Màng của người Dao Tiền, huyện Ngân Sơn"; Bảo tồn "Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông, huyện Bạch Thông"…

54 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, mỗi dân tộc đều có những đặc trưng riêng độc đáo, đậm đà bản sắc, thể hiện ở trang phục, tiếng nói, chữ viết, dân ca, dân vũ, âm nhạc, kiến trúc, lễ hội, phong tục, tín ngưỡng. Ðó là sự kết tinh của cả một quá trình lao động, sáng tạo từ bao đời nay để tạo nên một nền văn hóa giàu đẹp, thống nhất trong đa dạng, tạo nên dáng đứng Việt Nam. Truyền thống văn hóa dân tộc chính là cội nguồn sức mạnh của cả dân tộc ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, bảo vệ độc lập dân tộc. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc là trách nhiệm và nghĩa vụ của tất cả mọi người nhằm xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, bảo đảm giữ gìn được truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa của văn hóa nhân loại trong thời kỳ hội nhập.

Nguồn: baodansinh.vn