Mái đình nơi địa đầu Tổ quốc
Ngày đăng: 15/03/2021
Đình Trà Cổ tọa lạc trên một khu đất có tổng diện tích hơn 1000 m2, quay hướng Nam, có kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm 5 gian 2 chái bái đường và 3 gian hậu cung. Ảnh: VOV
Trải qua 5 thế kỷ, ngôi đình vẫn giữ những dấu ấn phong cách nghệ thuật đình làng Việt thời hậu Lê và là “Cột mốc văn hoá” vững chắc, khẳng định chủ quyền lãnh thổ, biên giới của Việt Nam nơi địa đầu Tổ Quốc.

Đình Trà Cổ thuộc phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, cách biên giới Việt Nam - Trung Quốc chừng 4 km theo đường chim bay. Ngôi đình với gần 600 năm tuổi còn nguyên những nét đặc trưng của kiến trúc đình làng thuần Việt, được coi là “Cột mốc văn hóa vùng biên ải”. Không chỉ phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân địa phương, Đình Trà Cổ còn là một điểm đến hấp dẫn du khách thập phương.  

Đường làng dẫn về Đình Trà Cổ mù sương, phảng phất hương trầm hòa trong gió biển. Bước vào cửa đình, chúng tôi gặp “Ông từ” Nguyễn Văn Thêm (70 tuổi)  gắn bó với công việc trông nom, hương khói, cho các vị tiên tổ của làng. Ông Thêm khéo léo quét dọn những tàn hương phủ trắng trên mặt ban thờ. Mọi ngóc ngách trên những hoa văn chạm trổ ở các chân ban đều được phủi bụi, lau sạch một cách kỹ lưỡng. Xong công việc quét dọn, ông Thêm cùng những cụ lão niên trong làng nhâm nhi chén nước chè: "Hàng ngày tôi ra đây quét, rồi dọn dẹp xung quanh. Dịp ngày lễ, ngày Tết, dân làng cử ra 12 ông đám. 12 ông sẽ đến lau chùi, rửa, thay nước, thay nhang, thay đèn dầu. Từ ngày 25 Tết là các ông đám đã ra đình để trông đến qua đêm 30, rạng sáng mùng 1 Tết mới về nhà. Lúc giao thừa, người dân đến thắp hương, đến xin lộc đầu năm."

“Ở đây ăn bổng lộc gì? / Lộc sung thì chát, lộc si thì già/ 6 cụ ở lại nói là:/ Ở đây vui thú non tiên/ Rạng ngày lọc nước lấy tiền nuôi nhau.” Đó là câu thơ mà những lão niên trong làng thường truyền cho con cháu về nguồn cội, gốc gác của mình. Đình Trà Cổ gắn liền với câu lưu truyền trong dân gian: “Người Trà Cổ, Tổ Đồ Sơn”. Vào thời Hậu Lê (năm 1461), trong một lần sóng to gió lớn, mười hai gia đình ngư dân người Đồ Sơn (Hải Phòng) đã trôi dạt vào một bán đảo hoang vu chỉ có sú vẹt và lau sậy. Không chịu nổi sự vất vả, sáu gia đình đã tìm cách quay về quê cũ. Sáu gia đình còn lại quyết tâm bám trụ cùng nhau khai phá vùng đất mới. Ban đầu chỉ là 6 ngôi nhà đơn sơ, dần đã trở thành một xóm làng trù phú. Ngôi làng được đặt tên là Trà Cổ, lấy từ hai chữ cái đầu tiên của quê cũ là Trà Phương, Cổ Trai.

Ông Nguyễn Quang Cảnh, người được gọi là “hướng dẫn viên” của làng kể lại: Đình Trà Cổ được xây dựng vào năm Quang Thuận thứ 2 (1461) dưới triều vua Lê Thánh Tông. Đình thờ các vị thành hoàng làng và 6 vị tiên công đã có công khai khẩn, lập nên vùng đất Trà Cổ ngày nay.

Ông từ" Nguyễn Văn Thêm lau dọn ban thờ trong đình. Ảnh: VOV

"Vua Lê Thánh Tông là vị vua rất chú trọng về các vấn đề chủ quyền biên giới. Vị vua này đã từng nói nếu như ai để một thước sông, một thước núi rơi vào tay kẻ khác sẽ bị nghiêm trị. Việc xây dựng ngôi đình ở vùng biên giới này là cũng có quyết định của triều đình lúc bấy giờ. Về nguyên tắc khi hình thành khu dân cư thì phải xây dựng đình, miếu là để thờ thần; đồng thời cũng cơ quan hành chính của thời kỳ lúc bấy giờ. Không những thế đây cũng là nơi sinh hoạt cộng đồng, các quan triều đình, khâm sai dừng chân nghỉ ngơi khi đi du ngoạn."

Trải qua những biến cố thăng trầm và tác động của thời gian, đình Trà Cổ đã từng được trùng tu, tôn tạo nhiều lần song vẫn giữ nguyên những nét đặc trưng về phong cách kiến trúc và nghệ thuật chặm khắc như lúc khởi dựng, mang đậm phong cách đình làng Bắc Bộ. Điều hấp dẫn và độc đáo nhất của Đình Trà Cổ chính là ở bộ hoành phi, câu đối được sơn son thiếp vàng với ý nghĩa răn dạy sâu sắc.

Ông Nguyễn Quang Cảnh giải thích: "Sự hình thành của dân cư và khí phách của dân tộc được thể hiện rõ nhất trên các bộ hoành phi câu đối trong đình. Bức ở hai bên vách ngôi đình “địa cửu thiên trường” có nghĩa rằng khẳng định mảnh đất này lâu dài, còn phía bên này lại ghi rằng “dân đức quy hậu” tức là người dân nơi đây sẽ được hưởng phúc do trời đất ban cho lâu dài. Bức ở gian chính giữa là “Nam sơn tịnh thọ” ý nghĩa rằng hai bên ngôi đình một bên là đất nước và con người đều vững bền mãi.”

Điều hấp dẫn và độc đáo nhất của Đình Trà Cổ chính là ở bộ hoành phi, câu đối được sơn son thiếp vàng với ý nghĩa răn dạy sâu sắc. Ảnh: VOV

Chị Nguyễn Thảo Ly, du khách đến từ quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, bày tỏ "Lần đầu tôi đến với Móng Cái, cũng là lần đầu có dịp được về thăm và thắp hương tại Đình Trà Cổ. Ngôi đình này cùng trục đường đi ra bãi biển nên rất thuận lợi ghé qua. Đây là một ngôi đình cổ với kiến trúc độc đáo. Tôi chưa bao giờ thấy ngôi đình nào lại thiết kế các lớp sạp theo 3 tầng cao mà cao hẳn với mặt nền cong dần về hai phía như một con thuyền như ngôi đình này. Nhân dịp năm mới tôi về đây để cầu mong bình an và sức khỏe đến với gia đình.

Với những giá trị văn hoá truyền thống, năm 2019, lễ hội đình Trà Cổ được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia. Ông Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch UBND phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, cho biết cùng mũi Sa Vĩ, bãi biển Trà Cổ, chùa Nam Thọ, mũi Ngọc… đình Trà Cổ đã, đang và sẽ được khai thác để trở thành thành điểm đến hấp dẫn của hàng nghìn du khách gần xa: "Chính quyền địa phương cùng với thành phố sẽ bảo tồn, phát huy giá trị của di tích đồng thời duy tu, tôn tạo để nơi đây trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn ở vùng biên ải của Tổ Quốc."

Hơn 5 thế kỷ qua, đình Trà Cổ đã chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử, lại nằm sát biên giới Việt Nam - Trung Quốc nơi cửa ngõ giao thoa văn hoá nhưng đình vẫn giữ những dấu ấn phong cách nghệ thuật đình làng Việt thời hậu Lê và là “Cột mốc văn hoá” vững chắc, khẳng định chủ quyền lãnh thổ, biên giới của Việt Nam nơi địa đầu Tổ Quốc.

vovworld.vn/Mai Linh