Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân tại thành phố Phan Thiết
Ngày đăng: 26/08/2024
Từ ngày 23-25/8/2024, tại thành phố Phan Thiết diễn ra lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân, một trong 06 lễ hội cấp tỉnh ở Bình Thuận.

Lễ hội Nghinh Ông ở thành phố Phan Thiết có tên gọi đầy đủ là lễ hội Trung nguyên Kiến tiêu Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân, được tổ chức 02 năm một lần vào hạ tuần tháng Bảy Âm lịch, với mục đích bảo tồn và phát triển văn hóa dân gian truyền thống của cộng đồng người Hoa, một bộ phận dân cư trong quá trình hình thành và phát triển thành phố Phan Thiết.

https://bbt.1cdn.vn/2024/06/29/dsc_0590.jpg

Nghinh Ông mang nghĩa đưa Ông đi du hành. Ông ở đây là Quan Công, vị danh tướng thời Tam Quốc, được sử sách lưu truyền là người văn võ toàn tài, hội tụ nhiều đức tính tốt đẹp: trọng danh dự, trung thành với vua, tận tụy với dân, khoan dung độ lượng, công minh, cương trực, liêm chính. Tập tục thờ Quan Công được cư dân người Hoa duy trì trong quá trình buôn bán, định cư ở Việt Nam, hiện nay vẫn còn phổ biến. Nơi thờ Quan Công được gọi một cách tôn kính là chùa Ông, chùa Ông Quan Thánh (Quan Đế miếu).

Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân diễn ra với 16 nghi lễ dân gian truyền thống được các thế hệ người Hoa ở Phan Thiết bảo lưu và kế thừa như: lễ thỉnh Thánh Mẫu, lễ thỉnh kinh, lễ thỉnh nước, lễ thỉnh Chiêu Ứng công, lễ khai kinh, lễ yết Quan Thánh và các vị tiền hiền... mang ý nghĩa tưởng nhớ các vị anh hùng, các bậc có công với đất nước, làng xã và cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt.

https://bbt.1cdn.vn/2024/06/29/dsc_0597.jpg

Lễ hội Nghinh Ông thành phố Phan Thiết có hai phần chính gồm: phần lễ và phần hội. Phần lễ tổ chức trang trọng với lễ Thỉnh kiệu Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu tại Thiên Hậu cung, thị trấn Phú Long, Hàm Thuận Bắc. Các nghi lễ chính diễn ra tại các địa điểm như Quan Đế Miếu, chùa Bửu Quang, giếng nước chùa Thiền Lâm, Hội quán Hải Nam và nhiều hội quán khác. Ngày đầu tiên diễn ra lễ phóng đăng 36 ngọn đèn lấp lánh tại cửa biển Phan Thiết và lễ khai mạc chương trình văn nghệ tại sân khấu trước Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Ngã 7. Phần hội có các hoạt động tâm linh như: lễ cúng Ngọ, cúng thí thực và lễ thả thuyền tại Cảng cá Phan Thiết.

Nhân vật thầy trò Đường Tăng được tái hiện trong lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân

Nổi bật tại lễ hội Nghinh Ông năm 2024 là cuộc diễu hành của đoàn Nghinh Ông gồm nhiều hội quán người Hoa như Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam, qua các đường phố Triệu Quang Phục - Ngô Sĩ Liên - Ngư Ông - Trưng Trắc - Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Trần Quốc Toản - Nguyễn Thị Minh Khai - Nguyễn Tri Phương - Quan Đế miếu. Các hội quán hóa trang thành những nhân vật trong truyền thuyết, thầy trò Đường Tăng, xe Phật Di Lặc, Quan Âm Bồ Tát, Phúc Lộc Thọ, bát tiên, bát bửu, thuyền được Bà cứu nạn, các điệu múa dân gian, với băng rôn, lồng đèn, bàn hương án, đoàn nhạc cổ..., cùng 150 người luân phiên múa rồng xanh dài 49m tạo nên không khí lễ hội đậm sắc màu văn hóa truyền thống, thu hút hàng chục nghìn người dân địa phương, các vùng lân cận cùng du khách quốc tế đến xem và cảm nhận vẻ đẹp văn hóa độc đáo của cộng đồng người Hoa tại thành phố Phan Thiết.

Nhiều hộ kinh doanh trên các con phố gần khu chợ Phan Thiết đều lập bàn cúng trước nhà để được Quan Thánh Đế Quân ban cho sự may mắn, bình an khi đoàn Nghinh Ông đi qua.

Cộng đồng người Hoa ở Phan Thiết hiện có khoảng 1.578 người, chiếm 71,27% trong đồng bào dân tộc thiểu số ở thành phố. Người Hoa sinh sống tập trung ở các phường Đức Nghĩa, Đức Thắng, Lạc Đạo, Mũi Né và sinh hoạt ở 04 hội quán: Phúc Kiến, Quảng Đông, Triều Châu và Hải Nam.

Minh Thanh